Cú lừa đảo kỳ lạ giữa nông dân Ấn Độ và con bạc Nga

12:49 02/08/2022

Bất kỳ ai từng tham gia cá độ cũng biết rằng thế giới này đầy rẫy những kẻ lừa đảo. Có không ít trường hợp người chơi tưởng đã thắng vẫn phải ôm mặt khóc ròng sau khi bị nhà cái cuỗm hết tiền. Một vụ lừa đảo liên quan đến cá độ phải “thần tình” lắm mới khiến được dư luận xôn xao như câu chuyện xảy ra gần đây tại Ấn Độ: Một ngôi làng tự dàn dựng giải thi đấu cricket giả của mình để lừa đảo hàng loạt con bạc Nga.

Century Hitters T20

Khoảng thời gian nhiều nước phải thực hiện giãn cách xã hội được không ít con bạc mô tả “giống như mình bị cầm tù”. Những giải thi đấu lớn bị tạm hoãn khiến các con bạc không biết làm cách nào “gãi cơn ngứa” cá độ của mình. Từ đó mới nảy sinh ra chuyện có những giải thể thao “trời ơi đất hỡi” bất ngờ thu hút một lượng khán giả nước ngoài mới mà thật ra là các đối tượng cá độ. Một số ví dụ có thể kể đến là giải bóng rổ Nga, bóng chày Chile hay bóng chuyền Kazakstan vẫn được thi đấu trong thời đại dịch.

Cú lừa đảo kỳ lạ giữa nông dân Ấn Độ và con bạc Nga -0
Không ai ngờ rằng một ngôi làng Ấn Độ lại có thể lừa đảo những tay cá độ ở Nga theo cách ngoạn mục như thế

Giải thi đấu cricket Ấn Độ (IPL) không phải là ngoại lệ. Đại dịch đã giúp IPL đạt được những mức tăng trưởng ấn tượng về mặt tỷ suất người xem nước ngoài. Chỉ mới cách đây một tháng, Liên đoàn Cricket Ấn Độ đã bán bản quyền phát sóng IPL cho một đối tác nước ngoài với mức giá kỷ lục 6,2 tỷ USD. Ngay cả các bang như Tamil Nadu cũng đứng ra tự tổ chức giải cricket của riêng mình nhằm mong “ăn theo” IPL.

Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện một giải cricket mới mang tên “Century Hitters T20” cũng không phải chuyện lạ. Ngay cả chi tiết giải T20 được tổ chức tại ngôi làng nghèo khó Molipur thuộc bang Gujarat cũng không khiến nhiều người ngoái đầu lại. T20 bắt đầu khởi tranh vào ngày 29 tháng 6, khoảng ba tuần sau khi IPL kết thúc. Giải không được truyền hình trực tiếp mà chỉ được phát trên YouTube và các nền tảng mạng xã hội APP, Diamond, Sky, Lotus, Tenbet, Spin, và Punjab Exchange.

Phải hơn một tuần kể từ ngày khai mạc giải mới thì cảnh sát địa phương mới phát hiện ra nhiều điểm nghi vấn về T20: Ngay cả khi trận đấu đang diễn ra giữa ban ngày, ban tổ chức vẫn bật đèn pha sáng choang. Trên khán đài không có bất kỳ khán giả nào, mà ban tổ chức giải cũng không cho bán vé hay mở cửa miễn phí. Các cầu thủ trên sân mặc những màu áo giống đồng phục của các đội đang thi đấu tại IPL, nhưng nhìn kỹ thì trên đồng phục họ mặc không hề ghi tên tuổi của cầu thủ. Tuổi của các vận động viên cũng rất đa dạng, có những người rõ ràng đã trên 40 tuổi thi đấu cùng với các cậu thanh niên choai choai.

“Kẻ cắp gặp bà già”

Cảnh sát địa phương sau đó đã mở cuộc điều tra và bắt giữ những kẻ đứng sau T20. “Ông trùm” điều hành phi vụ lừa đảo này là Ravinder Dandiwal, một kẻ tổ chức đánh bạc chuyên nghiệp. Y từng bị cáo buộc tham gia vào một đường dây dàn xếp tỷ số     tennis quốc tế. Theo lời khai của Ravinder, T20 thực chất chỉ là một “màn kịch” hắn dựng lên để đánh lừa những con bạc ở Nga. Tất cả các cầu thủ thi đấu trên sân thực chất chỉ là người làng Molipur hoặc dân lao động tự do được Ravinder thuê đóng kịch.

Một trong những “cầu thủ” khai: “Họ hỏi chúng tôi là có biết chơi cricket không, có thì họ sẽ thuê đóng giả làm cầu thủ. Một ngày chúng tôi chơi liền mấy trận cricket, cứ sau mỗi trận thì thay sang đồng phục của đội khác. Mỗi trận họ giả cho chúng tôi 400 rupee”.

Những người đóng giả làm cầu thủ khai mọi diễn biến trên sân đấu đều được Ravinder chỉ đạo qua bộ đàm với trọng tài, rồi từ trọng tài đến người chơi. Thay vì cho cổ động viên vào sân, y lại dùng loa phóng thanh phát tiếng ghi âm đám đông hò reo. Một trong những đồng bọn của Ravinder đóng giả làm bình luận viên. Tên này giả giọng bình luận viên nổi tiếng Harsha Bhogle nhưng dở đến mức ai cũng biết hắn đang giả vờ.

Nhờ đâu mà Ravinder lại nghĩ ra một chiêu lừa đảo “kỳ lạ” đến vậy? Sỹ quan cảnh sát Bhavesh Rathod, người trực tiếp lãnh đạo cuộc điều tra, nói với báo chí: “Trong thời gian lao động xuất khẩu ở Nga, Ravinder biết được rằng giới cờ bạc Nga rất muốn đánh cá các trận cricket ở Ấn Độ vì IPL đang trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Vậy nhưng ở Nga rất khó theo dõi hay đặt cược cricket Ấn Độ. Ravinder và bốn tên đồng bọn khác đã nảy ra ý tưởng dàn dựng nên T20, sau đó móc nối với nhà cái ở ba thành phố Moscow, Voronezh và Tver để tổ chức đặt cược qua Telegram”.

Cảnh sát còn cho biết danh tính bốn kẻ đồng phạm của Ravinder: Rajesh Garg, Pankaj Arora, Asif Mohammed và Shoeb Davda. Hiện nay Rajesh và Pankaj đã bị bắt, còn Shoeb và Asif tiếp tục lẩn trốn tại Nga.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là đây không phải lần đầu tiên ở Ấn Độ có một giải cricket giả. Ông Joy Bhattacharjya từng là huấn luyện viên và giám đốc của nhiều đội cricket thành công tại IPL. Ông kể: “Vào thập niên 1970 ở Arunachal Pradesh có một giải cricket giả từ cầu thủ đến bình luận viên. Khi đó các điện thoại bàn mới bắt đầu trở nên phổ biến, các tay cờ bạc đặt cược qua điện thoại rồi biết thắng thua cũng qua điện thoại. Họ thắng hoặc thua thì chuyển tiền qua tay các đầu mối ở địa phương.”. Điểm khác biệt duy nhất là công nghệ thông tin phát triển giúp những kẻ lừa đảo mở rộng địa bàn hoạt động ra ngoài biên giới.

 Vậy nhưng tại sao chính bản thân các đối tượng cá độ Nga không nhận ra rằng toàn bộ giải đấu là giả? Một trong những đối tượng lừa đảo hé lộ: “Người Nga không biết luật chơi cricket, mà họ cũng chẳng quan tâm xem trận đấu hay hay dở. Điều duy nhất họ quan tâm là có thứ để cá cược”.

Đằng sau sự kỳ lạ của mình, vụ lừa đảo T20 là dấu hiệu cảnh báo cho hiện tượng cá độ ở Ấn Độ. Tuy chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã siết chặt lệnh cấm cờ bạc, vấn nạn cá độ tiếp tục “phình lên” với sự phát triển của các giải thể thao. Trước sự bất lực của chính quyền, đã có nhiều tiếng nói kêu gọi nhà chức trách hợp pháp hoá cá độ thể thao để sau đó có thể đưa hoạt động này vào vòng kiểm soát. Chính phủ Ấn Độ từng làm việc này thành công với cá độ đua ngựa. Dấu hỏi lớn vào lúc này là liệu đảng bảo thủ cầm quyền  Bharatiya Janata có sẵn sàng từ bỏ thái độ cứng rắn với cờ bạc của họ không?

Vũ Lê

Liên quan đến vụ án ông Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế (ông Phương nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế) bị khởi tố, bắt tạm giam, chiều 18/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cho biết, hiện đơn vị đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án để xử lý các đối tượng có liên quan về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Em bé 12 tuổi ở Bắc Giang bị suy thận mạn giai đoạn cuối được nhận quả thận từ người hiến chết não 47 tuổi tại Bình Dương, cách 1.700km. Đây là bệnh nhi được ghép thận đầu tiên từ người cho chết não tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kinh doanh rác thải, vật liệu xây dựng thải trong khu dân cư, các hộ kinh doanh tại khu đất dịch vụ 04, 05 tổ 10 phường Mộ Lao, Hà Đông (Hà Nội) khiến người dân xung quanh bức xúc vì nhếch nhác, bẩn thỉu, ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Dù đã bị UBND phường Mộ Lao xử phạt nhưng tình trạng này vẫn tái diễn khi Tết nguyên đán đang cận kề và người dân vẫn phải sống “mòn” trong khu đô thị ngập rác. 

Ngày 18/1, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Đức đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Thanh Tịnh (tên gọi khác “Mr Lee”, SN 1990, ngụ Quảng Nam, trú TP Thủ Đức) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của cá nhân”. Các quyết định trên được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh làm rõ các dấu hiệu lãng phí, thất thoát trong quản lý tài chính, thuế và làm rõ hành vi chiếm đoạt Quỹ bình ổn giá xăng dầu, với số lượng rất lớn, tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức (Tập đoàn Thiên Minh Đức) và các đơn vị có liên quan; ngày 3/1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp 6 địa điểm và triệu tập đấu tranh, ghi lời khai các cá nhân tại Tập đoàn Thiên Minh Đức và các công ty liên quan.

Việt Nam đã vô địch AFF Cup lần thứ ba lịch sử. Trận chung kết kịch tính, ly kỳ, vui ngây ngất nhưng vẫn không ít tiếc nuối, xót xa. Đó là chấn thương của Nguyễn Xuân Son khiến anh phải nhập viện ngay khi trận đấu đang ở phút thứ 33. Dù không thể cùng đồng đội đấu đến phút cuối nhưng Son vẫn đoạt danh hiệu “Vua phá lưới” và “Cầu thủ xuất sắc nhất”.

Sau ba ngày xét xử liên tục vụ án Hạc Thành Tower, sáng 18/1, Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá tuyên án 11 bị cáo, trong đó cựu Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến và cựu Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng và nhiều đồng phạm hưởng án treo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.