Hóa thạch loài vật 500 triệu năm trước được phát hiện tại Trung Quốc
Các nhà khoa học mới đây phát hiện một hóa thạch có hình thù như một trái sầu riêng tí hon trong một mỏ hóa thạch ở phía Đông tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra đây là một loài động vật không xương sống kỷ Cambri với cơ thể phủ đầy gai giống gai sầu riêng. Nó được đặt tên là Shishania aculeata và được xác định đã chết cách đây 514 triệu năm.
Việc phát hiện Shishania aculeata giống như một "cánh cửa thời gian" giúp các nhà khoa học tìm hiểu về quá trình tiến hóa sớm của động vật thân mềm trong kỷ Cambri, giai đoạn chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các dạng sống, tạo nên sự đa dạng của các loài động vật thân mềm, bao gồm cả ốc sên, trai và thậm chí cả những loài vật khá thông minh như mực và bạch tuộc.
"Cố gắng làm sáng tỏ tổ tiên chung của những loài động vật khác biệt như mực và hàu trông như thế nào là một thách thức lớn đối với các nhà sinh vật học tiến hóa và cổ sinh vật học", PGS Luke Parry từ Đại học Oxford (Anh), nhấn mạnh.