Đại tá Tào Đức Thắng chính thức nhận bàn giao chức danh Chủ tịch Viettel

11:28 09/02/2022

Ngày 8/2/2022, dưới sự chứng kiến của Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tổ chức Lễ bàn giao chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn. Thiếu tướng Lê Đăng Dũng về nghỉ hưu theo chế độ. Đại tá Tào Đức Thắng trở thành người thứ 8 giữ vị trí cao nhất của Viettel từ khi thành lập (1989).

Trải qua 33 năm, Viettel đã có 4 giai đoạn phát triển và 3 thế hệ lãnh đạo. Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Viettel là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt của Binh chủng thông tin liên lạc đã tìm ra con đường để những người lính thông tin có thể góp phần xây dựng đất nước đồng thời định vị phương hướng phát triển cho Viettel.

Thế hệ lãnh đạo thứ hai của Viettel làm việc và trưởng thành cùng nhau từ khi Viettel kinh doanh dịch vụ viễn thông. Thế hệ lãnh đạo này đã phổ cập dịch vụ viễn thông ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới;  mở rộng không gian phát triển của Viettel sang các ngành công nghiệp an ninh mạng, công nghiệp sản xuất điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng công nghệ cao; đưa Việt Nam song hành cùng với tốc độ phát triển công nghệ của thế giới, tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì lễ bàn giao chức danh và nhiệm vụ Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Đại tá Tào Đức Thắng thuộc thế hệ lãnh đạo thứ 3, nhận nhiệm vụ dẫn dắt Viettel trong  bối cảnh Viettel là tập đoàn công nghiệp, công nghệ, viễn thông lớn nhất Việt Nam, là nòng cốt của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, với gần 50 ngàn cán bộ, nhân viên; đầu tư và kinh doanh ở 10 quốc gia thuộc 3 châu lục; đóng góp cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm; là thương hiệu viễn thông có giá trị lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 10 ở Châu Á.

Tại lễ bàn giao, Đại tá Tào Đức Thắng cam kết luôn giữ vững tinh thần tiên phong, dẫn dắt, vị thế số 1 Việt Nam, tiếp tục hiện thực hóa khát vọng của các thế hệ đi trước, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho Viettel. Cụ thể: Viettel sẽ thực sự là một Tập đoàn viễn thông, công nghiệp, công nghệ ở quy mô toàn cầu; Viettel sẽ là hạt nhân của nền công nghiệp quốc phòng, hình thành cho được ngành nghiên cứu sản xuất công nghệ cao ở Việt Nam; Viettel sẽ kiến thiết xã hội số ở Việt Nam với 4 trọng tâm: Chính phủ số để người dân được phục vụ tốt hơn; Kinh tế số để người dân giàu có hơn; Xã hội số để người dân hạnh phúc hơn; An ninh mạng để người dân sống và làm việc an toàn hơn; Viettel sẽ tiếp tục tiên phong, dẫn dắt trải nghiệm người dùng trong các xu hướng công nghệ mới của tương lai.

Đại tá Tào Đức Thắng giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel thay Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nghỉ hưu theo chế độ. 

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Tào Đức Thắng cam kết: “Tôi ý thức rằng, trọng trách ngày hôm nay tôi nhận là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Tôi xin hứa đem hết sức mình cùng với các đồng chí, đồng đội ở Viettel làm mọi điều có thể vì sự phát triển của Viettel và qua đó, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn ở bất kỳ đâu mà Viettel có mặt”.

Đại tá Tào Đức Thắng đã chính thức điều hành hoạt động của Viettel từ ngày 1/1/2022 theo quyết định số 2200/QĐ -TTg ngày 25/12/2021.

Các giai đoạn phát triển của Viettel:

GIAI ĐOẠN 1.0 (1989-1999)

  • Xây dựng thành công đường trục cáp quang Bắc - Nam đầu tiên dành riêng cho quân sự, áp dụng công nghệ ghép bước sóng thu phát trên một sợi quang có độ dài nhất thế giới (hơn 2.300Km)
  • Xây dựng thành công các công trình cột cao nhất Việt Nam (125m) cho Đài Truyền hình Tuyên Quang, Đài Truyền hình Việt Nam

GIAI ĐOẠN 2.0 (2000-2009)

  • Làm bùng nổ, phổ cập dịch vụ viễn thông, dịch vụ di động tại Việt Nam
  • Tiên phong đầu tư ra nước ngoài bằng công nghệ cao

GIAN ĐOẠN 3.0 (2010-2018)

  • Đầu tư nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao
  • Kinh doanh dịch vụ viễn thông tại 11 nước trên thế giới
  • Đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi ngõ ngách cuộc sống

GIAI ĐOẠN 4.0 (2018-nay)

  • Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số bằng công nghệ mới nhất trên thế giới
  • Là tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.

Những người giữ vị trí cao nhất ở Viettel qua các thời kì:

1.

Đại tá Võ Đặng

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco)

2.

Đại tá Phạm Ngọc Điệp

Giám đốc Công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco)

3.

Đại tá Đàm Rơi

Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân Đội (Vietel)

4.

Đại tá Nguyễn Hữu Đăng

Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân Đội (Vietel)

5.

Trung tướng Hoàng Anh Xuân

Giám đốc Công ty Điện tử Viễn thông Quân đội (Vietel)

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel)

Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

6.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

7.

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng

Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)

8.

Đại tá Tào Đức Thắng

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc
Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel)

Tóm tắt quá trình công tác của Đại tá Tào Đức Thắng,
Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Trước khi được bổ nhiệm, ông Tào Đức Thắng từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của Viettel như: Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel (2018-2021), Quyền Phó Giám Tập đoàn (2015-2018), Quyền Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (2014-2015), Tổng Giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (2013-2014), Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel (2010-2013), Quyền Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel (2008-2010)...

Năm 2005 ông gia nhập Viettel với vai trò Trưởng phòng Quản lý Kỹ thuật, Công ty Điện thoại di động Viettel (TCT Viễn thông Quân đội). Từ 2005-2008 ông lần lượt giữ các chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm điện thoại di động KV1, Phó giám đốc Trung tâm điều hành kĩ thuật (Công ty Viễn thông Viettel). Trước đó, từ 1995-2005 ông làm việc tại Công ty Điện thoại Hà Nội và Bưu điện Hà Nội.

Phụ trách Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) trong nhiều giai đoạn, Đại tá Tào Đức Thắng đã có đóng góp quan trọng cùng VTNet xây dựng và triển khai hệ thống 120.000 trạm thu phát sóng di động (BTS) phục vụ hàng chục triệu khách hàng, tạo tiền đề để Viettel làm nên hai cuộc cách mạng trong viễn thông: phổ cập điện thoại di động và Internet di động băng rộng.

Trong giai đoạn lãnh đạo TCT Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel, ông cũng góp phần đưa Viettel trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài lớn nhất với 10 thị trường quốc tế với 5 quốc gia đứng số 1 về thị phần, 8 thị trường đã có lãi, 3 thị trường đã thu hồi về nước gấp 4-5 lần số vốn đã đầu tư.

Thành tựu của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng trên cương vị
Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội

Trong hơn 3 năm Thiếu tướng Lê Đăng Dũng là người “chèo lái” Viettel, có đến 2 năm cả thế giới chống chọi với đại dịch COVID-19 toàn cầu. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất về dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế- xã hội, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Viettel kiên cường tăng trưởng với nhiều thành quả: 

  • Chiến lược

Chính phủ phê chuẩn chiến lược 5 năm (2021-2025) và các năm tiếp theo với mục tiêu: Viettel là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số và là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Bản chiến lược xây dựng chi tiết về lộ trình, chỉ tiêu và nhiệm vụ của từng đơn vị trong Tập đoàn.

  • Kết quả sản xuất kinh doanh
  • Doanh thu: 274.000 tỷ VNĐ (tăng trưởng 17%)
  • Lợi nhuận: 40.100 tỷ VNĐ (tăng trưởng 7%)
  • Giá trị thương hiệu: 8,758 tỷ USD (tăng trưởng 175%)
  • Hiệu quả

Tiếp tục là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (5 năm liên tục)

  • Thương hiệu

Tiếp tục thực hiện tầm nhìn “Sáng tạo vì con người”, kế thừa mong muốn phục vụ khách hàng theo một cách riêng, Viettel tái định vị thương hiệu theo hướng mở hơn, sáng tạo hơn, khát khao hơn và cộng hưởng hơn nhằm chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, với sứ mệnh “Tiên phong, Chủ lực Kiến tạo xã hội số”.

  •  Quản trị
  • Triển khai nhiều công cụ quản trị dựa trên công nghệ 4.0 như AI, phân tích data
  • Quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế
  • Ủy quyền nhiều hơn
  • Chuyên nghiệp hóa bộ máy
  • Chiến lược tuyển chọn, giữ gìn nhân tài
  • Chuyển đổi các ngành truyền thống trở thành các công ty công nghệ
  • Lĩnh vực hoạt động
  • Viễn thông: Viễn thông trong nước, Viễn thông nước ngoài;
  • Giải pháp: Giải pháp số, Tài chính số, Nội dung số, An ninh mạng,
  • Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao
  • Logistic và thương mại điện tử
  • Viễn thông
  • Mạng 4G rộng nhất và tốt nhất Việt Nam
  • Thử nghiệm 5G thành công tại 5 quốc gia trên thế giới (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Peru)
  • Kinh doanh tại 11  thị trường
  • Củng cố sức mạnh và tìm cơ hội M&A
  • Tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư
  • Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao
  • Sản xuất và thử nghiệm thiết bị 5G
  • Nghiệm thu A1, S125-VT
  • Bước đầu hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao
  • Chuyển đổi số
  • Tiên phong, chủ lực Kiến tạo xã hội số với các lĩnh vực: Hạ tầng số, Giải pháp số, Tài chính số, Nội dung số, An ninh mạng, Nghiên cứu sản xuất, Logistic
  • Logistic và thương mại điện tử
  • Dịch vụ chuyển phát dành cho thương mại điện tử
  • Phát triển dịch vụ kho vận dành cho chuyển phát
  • Cung cấp các dịch vụ kênh phân phối
  • Thị phần top 3 đơn vị dẫn đầu thị trường về bán lẻ, phân phối thiết bị đầu cuối viễn thông
An An

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文