Chống phân bón giả: Nhiều “lỗ hổng” trong công tác quản lý
Ông Nguyễn Minh Tặng, Phó Chánh thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay việc cấp giấy phép sản xuất kinh doanh phân bón khá đơn giản. Các cơ sở sản xuất phân bón “tự công bố và tự đăng ký” tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sau khi đưa vào sản xuất, lưu thông trên thị trường rồi cơ quan chức năng mới tiến hành phần... hậu kiểm. Lợi dụng điều này, nhiều cơ sở đã in khống hàm lượng, vi lượng trên bao bì, thậm chí còn ngang nhiên làm nhái bao bì nhãn mác của các hãng phân bón có uy tín trên thị trường. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, để đối phó, các cơ sở này tìm cách thay đổi địa điểm, thay đổi mẫu mã... và tiếp tục vi phạm.
Cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất phân bón với nhiều chủng loại, sản phẩm khác nhau nên không phải ai cũng biết loại phân bón nào có trong danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành. “Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phân bón được cung ứng từ nhiều nguồn, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh khác nhau, họ chủ yếu xuống chào hàng trực tiếp với bà con nông dân tại các vùng sâu, vùng xa bằng phương thức trả chậm chứ không thông qua hệ thống đại lý nên các đơn vị nghiệp vụ rất khó nắm bắt”, ông Tặng cho biết thêm.
Ngoài các lý do trên thì hiện nay, chế tài xử lý, xử phạt làm giả phân bón chưa nghiêm, chưa đủ mức răn đe, trong khi đó lợi nhuận mang lại từ việc sản xuất phân bón giả, kém chất lượng là rất lớn. Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, theo Nghị định 15/2010/NĐ-CP, mức xử phạt cao nhất đối với việc kinh doanh, sản xuất phân bón giả là 150 triệu đồng. Các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả có giá trị tương đương 30 triệu đồng trở lên, có dấu hiệu phạm tội thì mới chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng niêm phong phân bón kém chất lượng tại một đại lý kinh doanh phân bón TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. |
Trong khi lợi nhuận mang lại từ việc kinh doanh, sản xuất phân bón giả là khổng lồ thì việc xử phạt như trên chưa đủ tính răn đe với tình hình thực tế hiện nay. Nhiều cơ sở chấp nhận bị phạt sau khi đã tuồn một lượng lớn phân bón ra thị trường tiêu thụ. Cơ quan chức năng thì buộc phải làm việc theo quy trình, mất khá nhiều thời gian dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Mai - Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra 104 cơ sở kinh doanh, sản xuất phân bón trên địa bàn Gia Lai đã phát hiện 62 trường hợp vi phạm, tiền xử phạt hành chính trên 880 triệu đồng. Gia Lai có 15 doanh nghiệp sản xuất và hàng trăm cơ sở kinh doanh, buôn bán phân bón. Gần đây, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Gia Lai đang mở rộng điều tra đối với Công ty TNHH Sinh thái Miền Trung Việt Nam (ECV) về những sai phạm trong sản xuất phân bón.
Đáng nói công ty này đã sản xuất phân bón (vô cơ, hữu cơ), chế phẩm sinh học kém chất lượng trong một thời gian dài và bán ra thị trường với lượng lớn sản phẩm mới được phát hiện. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ gần 20.000 lít cùng gần 5 tấn sản phẩm và hơn 38 tấn nguyên liệu cùng nhiều bao bì, nhãn mác, có tổng trị giá gần 20 tỷ đồng. Được biết, Công ty TNHH Sinh thái Miền Trung Việt Nam đã bán ra thị trường 9 loại sản phẩm nhãn mác ghi sản phẩm phân bón vi sinh cao cấp.
Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai cho biết, trong năm 2015 lấy 12 mẫu phân bón đi kiểm nghiệm, nhưng lần thứ nhất phát hiện 8 mẫu sai phạm. Cũng với mẫu trên nhưng các doanh nghiệp đưa đi kiểm nghiệm lại lần 2 ở nơi khác thì chỉ 4 mẫu sai phạm?
Để giảm thiểu tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, các cơ quan chức năng cần phải khẩn trương xây dựng cơ sở kiểm định, kiểm tra chất lượng khu vực Tây Nguyên để việc phân tích chất lượng sản phẩm được nhanh hơn, góp phần xử lý kịp thời các vụ việc.
Cần có chế tài bắt buộc các đại lý kinh doanh phân bón phải yêu cầu nhà sản xuất cung cấp giấy phép sản xuất cũng như các giấy tờ liên quan thể hiện rõ chất lượng, công bố hợp quy của sản phẩm để tránh tiêu thụ phân bón kém chất lượng, phân bón giả gây thiệt hại cho người tiêu dùng.