Các vụ kiện về bản quyền tại Việt Nam sẽ tăng khi TPP có hiệu lực

08:31 21/04/2016
Ngày 20-4, tại Hà Nội, Liên minh phần mềm (BSA) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dưới sự bảo trợ của Bộ KH&CN tổ chức tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)”.

 

Nội dung của buổi tọa đàm đã tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến những cam kết về SHTT của Việt Nam trong Hiệp định TPP.

Tại buổi tọa đàm, Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông John Hill đã chia sẻ những cơ hội và lợi ích lớn mà TPP sẽ mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cho cả nền kinh tế của Việt Nam nói chung. 

Theo ông John Hill, TPP hình thành một “câu lạc bộ” gồm 12 quốc gia bên bờ Thái Bình Dương, vốn chiếm gần 40% tổng GDP toàn thế giới. Việt Nam là nền kinh tế nhỏ nhất trong nhóm này, chính vì thế mà Việt Nam sẽ có lợi lớn khi gia nhập TPP. 

Đề cập cụ thể đến những lợi ích hữu hình của Việt Nam khi tham gia TPP, ông John Hill cho biết: “Nhờ thuế xuất nhập giảm mà sẽ đem lại những lợi ích trực diện nhất, đặc biệt khi Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn với thị trường Mỹ. TPP hướng đến việc giảm 18.000 dòng thuế nhập khẩu về mức 0, và đây là một con số khổng lồ. Trong đó, về may mặc và da giày, vốn là những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, mức thuế suất lên đến 32% tại Mỹ. 

Những ngành xuất khẩu khác cũng sẽ được hưởng lợi như ngành thủy sản nhờ giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm tôm, mực, cá ngừ. Nhưng có thể nói, một điều còn quan trọng hơn cả những lợi ích thương mại trực tiếp mà TPP mang lại, đó là khuôn khổ những chuẩn mực, hành vi mà về lâu dài sẽ định hình quỹ đạo kinh tế cho Việt Nam”.

Vi phạm bản quyền máy tính sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị khởi kiện khi TPP có hiệu lực. (Ảnh minh họa)

Tuy vậy, ông John Hill cũng nhấn mạnh đến những rủi ro mà Việt Nam phải gánh chịu nếu không tuân thủ các quy định về SHTT trong cuộc chơi toàn cầu, đặc biệt là những vi phạm về SHTT trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính. 

Theo khảo sát của BSA trên toàn cầu năm 2014, tỉ lệ cài đặt phần mềm không phép của Việt Nam trên thị trường hiện là 81% - một trong những mức cao nhất trên thế giới và hiện đang là mức cao nhất trong số các nước thành viên TPP. Đây là sự cảnh báo cho những khó khăn lớn đối với doanh nghiệp trong nước khi không những không tận dụng lợi thế từ TPP mà còn vướng vào các vấn đề pháp lý. 

Số vụ kiện vi phạm bản quyền có thể tăng cao khi TPP có hiệu lực. Năm ngoái, Tập đoàn Microsoft đã đệ đơn kiện công ty Trimmers Việt Nam, một hãng sản xuất phụ kiện túi xách có vốn Hàn Quốc vì đã sử dụng phần mềm vi tính bất hợp pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đây cũng là một trong bốn vụ kiện về quyền SHTT mà các tòa án Việt Nam đã thụ lý năm ngoái. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp trong nước dường như còn chưa nhận thức được đầy đủ hoặc còn chưa quan tâm đến vấn đề quyền SHTT, đúng như một lãnh đạo cấp cao đã cảnh báo rằng “doanh nghiệp Việt Nam có thể đi đến phá sản, giải thể nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các quy định về quyền SHTT của TPP”.

Phân tích cụ thể hơn về thực trạng vi phạm bản quyền máy tính tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng cho rằng: Trong thời gian qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính. 

Từ năm 2006-2015, tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và số máy tính được kiểm tra: 27.602 máy, phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8,6 tỷ đồng, chuyển 1 hồ sơ sang cơ quan điều tra. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Minh, một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng, trong đó có nội dung: Kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. 

“Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra”-ông Minh khuyến cáo.

Với nhiều năm hợp tác với các cơ quan chính phủ Việt Nam, ông Roland Chan, Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình Tuân thủ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA chia sẻ rằng, bên cạnh việc phải đối mặt với nguy cơ gia tăng các vụ kiện liên quan đến bản quyền nói chung, bản quyền máy tính nói riêng, việc tỷ lệ vi phạm bản quyền máy tính cao còn khiến Việt Nam có thể phải đối mặt với các vấn đề về an ninh mạng khi bước vào một thế giới siêu kết nối. 

Bởi khi sử dụng phần mềm không bản quyền, khả năng hệ thống máy tính của doanh nghiệp bị tấn công bởi các phần mềm mã độc là rất cao, vì thế, an ninh của bản thân doanh nghiệp bị nguy hại.

Huyền Thanh

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Sau gần 1 năm, từ nguồn tiền hỗ trợ của Bộ Công an, hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa đã được xây dựng trên khắp cả nước. Là địa phương được hỗ trợ 1.000 căn nhà, chỉ trong thời gian khoảng 10 tháng, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm “về đích” khi những ngôi nhà cuối cùng với thiết kế sáng tạo, linh hoạt đã cơ bản được hoàn thiện để trao tay cho người nghèo an cư, lạc nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文