Đa dạng kênh huy động vốn để phát triển bền vững

07:09 16/05/2021
Trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn nỗ lực để vực lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, câu chuyện về tiếp cận nguồn vốn cũng như dòng vốn để đầu tư vay ở đâu để duy trì hoạt động vẫn là bài toán nan giải đối với DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngoài việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì hiện nay gần 10% DN Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh; đặc biệt là đối với các DN ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. 

Trong khi đó, cơ cấu vốn của DN còn bất hợp lý. Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là vay tín dụng từ ngân hàng. Do đó, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí có tính chất sống còn đối với nhiều DN.

Gần 10% DN Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nguồn vốn cho DN không chỉ được hiểu là vốn tín dụng từ ngân hàng mà có rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, với 64,5% tổng tài sản trong hệ thống tài chính, nguồn vốn từ ngân hàng và công ty tài chính, quỹ tín dụng… vẫn chiếm đa số và được các DN ưu tiên hơn cả. Vì thế, quy mô dư nợ tín dụng trên GDP tại Việt Nam đến cuối năm 2020 là 146%/GDP.

Ở góc độ DN nhỏ và vừa, bà Lê Hà Minh, Giám đốc Công ty TNHH Eco Garment Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 tác động đầu tiên lên nguồn vốn của DN. Bởi, về điều chỉnh thị trường trong lúc thị trường xuất khẩu khó khăn thì chuyển sang thị trường trong nước hoặc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Tuy nhiên, khi kinh doanh giảm sút thì ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của DN. Trong khi đó, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng thì không đơn giản, tiêu chuẩn và yêu cầu của ngân hàng cũng rất cao. 

Để đáp ứng được các tiêu chí đó rất khó trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, doanh thu của DN trong năm 2020 đã sụt giảm tới 50-60% nên việc chứng minh tài chính rất khó, lại không có tài sản đảm bảo thì việc vay được là không khả thi. “Để vực được sản xuất, thì quan trọng là có nguồn tài chính đảm bảo, dòng tiền lưu thông. Tuy nhiên, trong lần bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 trong nước, DN đang chịu nhiều khó khăn khi không đủ nguồn nguyên liệu trong khi giá thành nguyên liệu ngày càng tăng, nên rất cần nguồn tài chính để duy trì sản xuất”, bà Lê Hà Minh chia sẻ.

Để tiếp cận được nguồn vốn, DN có nhiều cách, tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng hay thị trường chứng khoán thì cần có sự minh bạch và chuyên nghiệp của mỗi DN đặc biệt là phải DN lớn đủ tầm. 

Theo đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn HAPACO, trước đây chỉ huy động vốn qua ngân hàng, nhưng từ khi thị trường chứng khoán mở ra và phát triển sôi động đến ngày nay, DN đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư. 

Vì thế, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất hiệu quả. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 3-2021, số lượng DN niêm yết và đăng ký giao dịch là trên 1.800 DN, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,2 triệu tỷ đồng. Nhưng so với tổng số DN hoạt động tại thời điểm hiện nay (trên 800.000 DN) thì tỷ lệ DN niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ chiếm 0,2% - rất nhỏ bé và khiêm tốn so với nhu cầu huy động vốn cho DN và nền kinh tế.

Theo kết quả điều tra của VCCI cho thấy, 83% DN cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 60% DN nhận thấy lãi suất và các điều kiện cho vay đối với DN tư nhân luôn khó khăn hơn so với các DN Nhà nước; 46% DN phản ánh thủ tục vay vốn còn rất phiền hà và 39% DN được hỏi cho biết ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho DN.

Ông Hoàng Văn Phúc, Phó Tổng giám đốc, Công ty cho thuê tài chính TNHH BIDV cho rằng, hiện có một kênh huy động vốn cũng rất hiệu quả cho DN sản xuất bằng hình thức vay vốn đầu tư sản xuất thông qua máy móc thiết bị qua kênh thuê tài chính. Đây là kênh huy động nguồn lực (nguồn vốn) phổ biến và hiệu quả cho các DN từ lâu trên thế giới, và tại Việt Nam, tuy nhiên, hiện rất ít doanh nghiệp biết tới. Tỷ trọng của thuê tài chính trong tổng dư nợ tín dụng trung dài hạn của Việt Nam mới ở mức dưới 1%. 

“Thuê tài chính giúp DN tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư ban đầu đối với các khoản đầu tư lớn về máy móc thiết bị sản xuất kinh doanh mà lại không phải thế chấp tài sản. Thuê tài chính không những giúp các DN có được máy móc thiết bị cho các dự án mới, mở rộng sản xuất kinh doanh mà còn có thể giúp DN bổ sung nguồn vốn lưu động bằng cách bán cho công ty cho thuê tài chính các tài sản mà DN đang sở hữu rồi thuê lại chính tài sản đó và trả dần trong tương lai,” ông Hoàng Văn Phúc nhấn mạnh.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ nhìn nhận, hiện, do cơ cấu vốn của nhiều DN còn bất hợp lý. Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng từ 20-30%, trong khi số còn lại phải dựa vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Điều này chứa đựng nguy cơ rất lớn cho các DN khi phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp do các ngân hàng thương mại thường không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của số đông DN. 

Điều này dẫn tới hệ quả là chi phí vốn vay cao, áp lực trả nợ lớn, tác động tiêu cực đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của DN. Do đó, các DN cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán đang được xem là kênh huy động vốn rất hiệu quả, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thị trường tài chính; đồng thời, giải quyết được sự mất cân bằng giữa thị trường tín dụng và thị trường vốn và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng DN.

Tuy nhiên, để làm được điều này, các DN cần nâng cao chất lượng quản trị DN, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của DN, giúp DN nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn và huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu DN. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và có mục tiêu, chương trình kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể hàng quý, hàng năm; tạo áp lực thúc đẩy hội đồng quản trị, ban giám đốc thực hiện chiến lược, mục tiêu, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận....

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, giải pháp cần đưa ra với các DN là phải minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính, phải tăng hiểu biết về tài chính - tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ DN; tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị với các DN trong nước và DN FDI … Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đa dạng hóa thị trường huy động vốn thì hành lang pháp lý phải đầy đủ và bao quát hơn. Do đó, các DN và chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần sớm có cơ chế tiếp cận phù hợp về các hình thức tài chính mới, về tiền kỹ thuật số… 

Ngoài ra, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, tài chính, miễn giảm thuế, phí cho DN... cũng được kiến nghị đưa ra điều kiện dễ đáp ứng hơn, quy trình thủ tục tinh gọn hơn và các cơ quan quản lý nên ứng dụng công nghệ số trong việc cung cấp giải pháp tài chính cho DN.

Lưu Hiệp

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文