Để tránh bị thiệt, doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới việc đăng ký sở hữu trí tuệ
- Kiểm soát chặt hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
- Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh
- Tranh chấp sở hữu trí tuệ - lỗi do hợp đồng không rõ ràng
Cùng với đó, hệ thống sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng sẽ phát triển theo, nhưng thực tế hiện nay tình trạng vi phạm SHTT đang ngày càng phức tạp, doanh nghiệp (DN) vẫn còn lơ là trong việc đăng ký SHTT...
Tại hội thảo “Bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” vừa được Cục SHTT – Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợptổ chức tại TP Hồ Chí Minh, luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng luật Phan Law Vietnam nhận định, hiện, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, vấn nạn xâm phạm quyền SHTT trên Internet đã trở nên phổ biến, gây nhiều tác động tiêu cực đến doanh thu và hoạt động kinh doanh của các chủ sở hữu.
Mỹ phẩm giả, vi phạm SHTT bị cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy. |
Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực nghe - nhìn, hành vi xâm phạm SHTT chủ yếu là các đối tượng đã “coppy” lại nội dung các bản ghi âm, ghi hình âm nhạc, các chương trình phát sóng, các gamshow..., sau đó đăng tải trên các website của mình, các trang mạng xã hội lớn có độ tương tác cao. Với sản phẩm hàng hóa, sự phát triển hạ tầng Internet cùng với các xu hướng IoT và BigData khiến việc mua sắm qua mạng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ngoài các sàn giao dịch TMĐT của Việt Nam như Tiki, Adayroi, sendo..., các sàn giao dịch TMĐT quốc tế ồ ạt tràn vào Việt Nam như Lazada, Shopee, Alibaba...
Trong khi đó, các sàn giao dịch TMĐT chỉ chịu sự quản lý của Bộ Công thương, nên các vấn đề về SHTT thường bị bỏ ngỏ, vi phạm quyền SHTT trong môi trường số cũng trở nên phức tạp.
Các hoạt động xâm phạm quyền SHTT diễn ra thường xuyên nhất là bán hàng hóa giả mạo, hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp... của các sản phẩm nổi tiếng để bán các sản phẩm của đơn vị vi phạm với mức phí thấp hơn rất nhiều với hàng chính hãng, trong khi các sàn giao dịch TMĐT ở Việt Nam quy định rất lỏng lẻo.
Cụ thể, không có kênh phản hồi và báo cáo chính thức của chủ sở hữu quyền khi phát hiện xâm phạm; Quy trình thụ lý khiếu nại về hàng hóa xâm phạm quyền SHTT rất phức tạp, thời gian kéo dài và không có bất cứ cam kết xử lý nào; Sau khi xử lý không có bất kỳ thông tin phản hồi nào cho chủ sở hữu quyền..., không có hình phạt dành cho các chủ cửa hàng bán hàng xâm phạm.
Khác với sàn giao dịch TMĐT Ebay, Amazon (của Mỹ - chưa chính thức hiện diện tại Việt Nam), quyền SHTT được quan tâm và các sàn giao dịch TMĐT này hạn chế tối đa việc bán hàng xâm phạm SHTT và xử lý rất nghiêm khắc các chủ hàng vi phạm.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ tư vấn – Cục SHTT, cho biết, dù biết các đối tượng bán hàng giả online nhưng khi cơ quan chức năng đến thì họ đã gỡ xuống rồi.
“Đây là thách thức đối với cơ quan chức năng. Cuộc Cách mạnh 4.0 đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống SHTT ở Việt Nam, vì vậy cuộc cách mạng lần thứ 4 đòi hỏi hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải đẩy mạnh hơn nữa, để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, bảo hộ và thực thi quyền SHTT”, ông Bình nói.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều DN, nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, DN Việt Nam cũng gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT trở thành một nhu cầu cần thiết.
Theo Cục SHTT, trong 6 tháng đầu năm 2019, Cục đã tiếp nhận 55.047 đơn các loại, trong đó có 34.047 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, mặc dù số đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có tăng, nhưng với tình hình thực tiễn hiện nay thì mức tăng đó chưa nhiều. DN Việt chưa thật sự chú ý đến việc đăng ký SHTT cho sản phẩm “thai nghén” của mình.
Điển hình như, số lượng đơn về kiểu dáng của DN đăng ký trong nước, đa phần là những sản phẩm đơn giản, như: nhãn hàng hóa, bao gói, chai lọ và hộp đựng. Việc chậm đăng ký kiểu dáng công nghiệp gây ảnh hưởng trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Bằng chứng, không ít DN phải cố gắng đấu tranh trong nhiều năm nhằm giành lại được thương hiệu của mình dày công gây dựng như: cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc,…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN lơ là đăng ký quyền SHTT. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do DN không để ý đến tầm quan trọng của việc đăng ký kiểu dáng sản phẩm, tuổi thọ kiểu dáng được cấp rất ngắn trong khi nộp hồ sơ đăng ký mất nhiều thời gian,…
Không chỉ lơ là trong việc đăng ký SHTT trong nước, DN Việt cũng rất “chậm chân” trong việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao trong những năm gần đây. Tại Hoa Kỳ, chỉ có 10 kiểu dáng được DN Việt Nam đăng ký; tại Liên minh châu Âu có 166 kiểu dáng được đăng ký,... Các hồ sơ nộp đăng ký SHTT chủ yếu là xe cộ, máy móc, thiết bị điện và điện tử, chai lọ, chén bát…
“Tại Nhật Bản, từ năm 2015 số lượng đơn nộp tăng lên theo Thỏa ước LaHay về đăng ký quốc tế đối với kiểu dáng công nghiệp, do Tổ chức SHTT thế giới quản lý, 50% đơn nộp tại Nhật là của công ty nước ngoài. Điều đó cho thấy Thỏa ước LaHay đã thu hút DN nước ngoài tham gia cấp bằng sáng chế.
Việt Nam cũng tham gia Thỏa ước này, nhưng tại Nhật thì đơn xin đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm của Việt Nam chưa nhiều”, ông Manabu Niki, Phòng hợp tác quốc tế, cơ quan sáng chế Nhật Bản cho biết. “Ý tưởng là tài sản vô hình tạo nên sản phẩm. DN phải đăng ký SHTT nhằm bảo vệ thành quả sáng tạo. Hoạt động bảo hộ trước đây chỉ tập trung vào từ ngữ. Hiện nay công tác này chuyển dần sang bảo hộ âm thanh, hình ảnh, màu sắc.
Tại Nhật, đang có hướng thực thi trên tinh thần bảo hộ mọi thứ liên quan với sản phẩm”, ông Manabu Niki chia sẻ thêm.
“Công nghiệp 4.0 làm cho thế giới phẳng hơn, nhỏ hơn, quan hệ với nhau mật thiết hơn. Đây chính là cơ hội để DN đổi mới sáng tạo, từ đó đưa kinh tế cả nước đi lên. Tuy nhiên, muốn ổn định và phát triển bền vững DN nên chủ động đăng ký SHTT cho sản phẩm”, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT khẳng định và cho rằng, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi cơ quan quản lý SHTT xây dựng các chính sách, tạo điều kiện cho DN, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, cũng như DN, cá nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ tại các nước.