Doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 khó tiếp cận gói hỗ trợ
- Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động
- Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vận tải chuyển đổi biển số
- Kỳ vọng Quốc hội xem xét, áp dụng một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
- Hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, phục hồi và bứt phá
Theo báo cáo của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh, số DN đã chuyển dịch về trạng thái bình thường chỉ mới 5%, bắt đầu vượt qua khó khăn cũng chỉ mới 9%, còn số DN khó khăn và rất nhiều khó khăn chiếm đến 84%. Tuy nhiên, số 84% DN này cần được “bơm vốn” để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế trong thời gian qua các DN rất khó tiếp cận được gói chính sách hỗ trợ của Nhà nước...
Ông Nguyễn Văn Thảo – Giám đốc DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất tại quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, DN bị giảm doanh thu đến 80% do khách hàng ngưng đặt hàng, hủy hợp đồng.
Qua tìm hiểu, DN biết Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng do dịch như: Gói hỗ trợ tín dụng; gói hỗ trợ cho DN miễn, giảm thuế, lệ phí, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất... “Cũng muốn vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tôi liên hệ với nhân viên ngân hàng để hỏi cách vay gói hỗ trợ, nhưng được trả lời là DN tôi không vay được do DN hoạt động cầm chừng, không có doanh thu”, ông Thảo kể.
Ngành dệt may ảnh hưởng nhiều do dịch COVID-19. |
Chia sẻ của ông Thảo cũng là tâm tư của nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch. Rất nhiều DN sau khi hoạt động trở lại, chưa nhận được hỗ trợ từ các gói chính sách tài khóa và tiền tệ thì dịch COVID-19 tái bùng phát lần 2 càng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trở nên khó khăn hơn trước.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính hết tháng 7, trên địa bàn có tới hơn 21.200 DN ngừng kinh doanh và giải thể, kéo theo hàng nghìn lao động bị mất việc làm. Hàng nghìn DN khác đang gặp khó khăn, cần được hỗ trợ khẩn cấp. Trong đó, DN ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề nhất.
Tại hội thảo trực tuyến “Đồng hành cùng DN ứng phó rủi ro khủng hoảng từ COVID-19” vừa diễn ra cuối tuần qua, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá: COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam do phải thực thi giãn cách xã hội. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại, vốn đầu tư nước ngoài, du lịch quốc tế, trong khi đó đối tác chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc... lại hứng chịu tổn thất lớn vì dịch COVID-19. Nhiều DN tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và mạng lưới sản xuất khu vực lại bị đứt gãy. COVID-19 tác động hầu khắp các lĩnh vực, ngành nghề.
Đến đầu tháng 9/2020, có 20% DN dừng hoạt động, 76% DN không cân đối được thu - chi. Trong 6 tháng đầu năm, gần 31 triệu lao động của Việt Nam bị ảnh hưởng, mất việc hoặc cắt giảm giờ làm, 90% người Việt bị giảm thu nhập.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) cho biết, kết quả khảo sát của Hiệp hội DN thành phố mới đây cho thấy, DN hiện nay gặp khó khăn và rất nhiều khó khăn chiếm đến 84% do: Thiếu vốn kinh doanh 40%, đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu 14%, thị trường bị thu hẹp 88%, sẽ phải cắt giảm lao động 52%, áp lực vi phạm hợp đồng 11%...
Thế nhưng, chỉ mới có khoảng 10% DN tiếp cận được ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay; 5% DN tiếp cận chính sách tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất; và có đến 76% DN được hỏi cho biết chưa tiếp cận được các chính sách Nhà nước hỗ trợ cho DN. Chưa có thông tin DN nào được vay tiền không tính lãi hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có DN nào được giảm các loại phí, lệ phí.
“Qua khảo sát của Hiệp hội DN thành phố cũng như trực tiếp gặp các DN, chúng tôi nhận thấy, số lượng DN tiếp cận được gói hỗ trợ rất thấp, đó là sự không thành công của chính sách. Chính sách hỗ trợ dịch COVID-19 cho DN ra đời rất kịp thời, nhưng vấn đề là do quá trình thực thi. Chẳng hạn, DN gặp khó khăn khi phải thực hiện rất nhiều yêu cầu thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ đó. Kể cả chuyện DN cắt giảm 50% lao động thì mới được hỗ trợ, thì điều kiện đó cũng rất là máy móc, không phải kịp thời cho DN, DN rất khó tiếp cận”, ông An cho biết.
TS Võ Trí Thành khẳng định, hiệu quả thực thi gói chính sách hỗ trợ COVID-19 cho DN tương đối thấp so với kỳ vọng đó là do tác động của dịch quá lớn, DN cũng đã nỗ lực nhưng vẫn chưa đủ sức vượt qua dịch trong khi đó, điều kiện để tiếp cận chính sách hỗ trợ còn quá khó. Chính phủ ban hành chính sách rất kịp thời và quyết liệt trong chỉ đạo hỗ trợ DN, nhưng sự quyết liệt đó không được duy trì xuống các cấp, các ngành và địa phương.
Việc triển khai thiếu đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, của một bộ phận cán bộ, công chức sợ trách nhiệm trong việc phê duyệt hỗ trợ. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ DN cần giải quyết "nút thắt" trong khâu thực thi tại cơ sở. Hỗ trợ DN trong dịch COVID-19 khác với hỗ trợ DN trong điều kiện bình thường. Bởi, dịch tác động quá lớn đến tất cả các DN, có nghĩa là trong đó nhiều nhất là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hộ gia đình. Đằng sau nữa là công ăn việc làm của người lao động...
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, trước khi Chính phủ và các địa phương bổ sung các gói hỗ trợ DN tiếp theo, cần phải có đánh giá hiệu quả của các gói hỗ trợ vừa qua. Phải phân tích được nguyên nhân vì sao các gói hỗ trợ vừa qua khó giải ngân để khắc phục, nếu xuất phát từ điều kiện hưởng hỗ trợ quá khó khăn thì có thể nới lỏng cho phù hợp. Còn nếu do ngân hàng, cán bộ phê duyệt hồ sơ nhũng nhiễu, làm khó DN thì cần chấn chỉnh ngay, để rút ra bài học trong việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ thứ hai.
“Gói hỗ trợ lần đầu, cơ bản là để DN cầm cự, tồn tại, duy trì vượt khó, nhưng rất tiếc là chúng ta thực hiện chưa tốt. Vì vậy để gói hỗ trợ lần thứ 2 này hiệu quả thì theo tôi, gói hỗ trợ đó phải vừa đủ giúp DN vượt khó, vừa tạo năng lực cho giai đoạn sắp tới”, TS. Võ Trí Thành nói. Viện trưởng HIDS Phạm Bình An cho biết, trong tháng 9 này, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các tọa đàm bàn về gói hỗ trợ thứ 2 cho DN, lắng nghe các ý kiến từ DN. Ngoài hỗ trợ ngắn hạn, cũng cần xem xét các vấn đề phát triển dài hạn và cơ hội kinh doanh mới.