Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn “gùi hàng đi trên cầu khỉ”

09:53 20/12/2018
Đây là cách ví von đầy hình ảnh nhưng thực tế của các chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông”, diễn ra sáng 19-12. Được nhận định là 1 trong 2 lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, cùng với du lịch, nhưng nông nghiệp của nước ta vẫn còn nhiều thách thức cần phải cải cách.

Năm 2018 sắp khép lại với những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Điểm sáng lớn nhất đó là con số tăng trưởng kinh tế ước đạt 7% được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 vừa qua. Con số này cao nhất trong 10 năm qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả khả quan, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia với tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25%, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2%. 

Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao, nhờ đó, xuất khẩu ngày càng tăng với một số loại nông sản đã tiến đến khẳng định vị thế, khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới như: lúa gạo, cao su, cà phê, điều, tôm, cá, hoa quả nhiệt đới…

Tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng nông nghiệp cũng đang gặp “nhiều vấn đề”. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công Thương đưa ra cái nhìn từ góc độ sản xuất, xuất khẩu cho thấy trước đây chúng ta làm sản xuất và xuất khẩu gần như tự phát. 

“Bao nhiêu năm chúng ta đứng vững tốp đầu về gạo và cafe, hồ tiêu nhưng chưa chú trọng nhiều tới vấn đề thị trường. Hiện nay, nhận thức đã thay đổi rất nhiều, từ việc làm sao phải đảm bảo sản xuất, tìm kiếm thị trường thương mại”, ông Hải nói và phân tích, có 2 xu hướng lớn trong nông nghiệp là công nghiệp hoá nông nghiệp và doanh nghiệp (DN) hoá nông nghiệp. 

Công nghiệp hóa để áp dụng khoa học - công nghệ, sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng đồng nhất. Và các DN cũng tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông nghiệp, không phải chỉ ở khâu chế biến mà cả ở khâu sản xuất. 

Thế nhưng, theo phân tích của nhà báo Hoàng Trọng Thủy - một người nghiên cứu sâu về lĩnh vực Tam nông thì thực tế người nông dân đang mất phương hướng trong lựa chọn hướng đầu tư phát triển. 

“Nông nghiệp có vẻ thăng tiến nhanh, nhưng người nông dân vẫn “lắc lư” và “dễ ngã”. Năm 2019, khó có thể có đột phát trong nông nghiệp vì thể chế quá phức tạp, Việt Nam rất khó chấp nhận tư tưởng khác lạ. Về nông thôn, chúng ta vẫn dựa trên nền tảng kinh tế hộ, văn hóa làng xã. Để làm giàu, cần có sự dẫn dắt của các DN. Nhưng DN nông nghiệp Việt Nam vẫn li ti hóa, giống người gùi hàng đi trên các cây cầu khỉ. Bởi vậy, năm 2019, phải đặt kinh tế trang trại lên trên hợp tác xã. Cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của chính quyền để đáp ứng đúng sự nỗ lực của người nông dân. Tôi đề nghị phải tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phấn đấu mục tiêu 5 năm sau phải tăng trưởng gấp đôi so với 5 năm trước”, ông Thủy góp ý.

Một vấn đề quan trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp đó là vốn. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết các trụ cột chính sách đã được ban hành, Nghị định khuyến khích DN đầu tư vào nông thôn, cơ chế chính sách hỗ trợ về bảo hiểm, Nghị định về hợp tác liên kết trong nông nghiệp… 

“Năm 2018 được đánh giá là năm đột phá về các thể chế trong nông nghiêp, đây là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Riêng về vấn đề tiếp cận tín dụng cho nông nghiệp hiện nay, năm 2018, Nghị định 116/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đã chỉ đạo ngân hàng phối hợp với các đơn vị, tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông nghiệp, tiếp cận vốn và không có tài sản đảm bảo. Nghị định 116 đã mở ra nhiều cơ hội cho DN khi mở rộng đối tượng cho vay với DN có dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực ưu tiên, hiện nay lãi suất thấp, và đến nay, toàn hệ thống có hơn 1.100 quỹ tín dụng nông dân, dư nợ 1,6 triệu tỷ đồng cho vay. Năm 2019, ngân hàng tiếp tục chỉ đạo trong lĩnh vực này để tạo sức bật cho Tam nông”, bà Tùng thông tin.

Dưới góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nông dân vẫn gặp rủi ro về thị trường, thời tiết, cần phải thay thế bằng các cách cho vay khác nhau, trong đó cho vay trên dòng tiền. 

TS Hiếu cho biết rất nhiều ngân hàng ở Mỹ cho vay theo kiểu trên hàng tồn kho, trên khoản phải thu của khách hàng, họ kiểm soát buộc các nông dân và DN vay tiền chỉ làm ăn với 1 ngân hàng. Ngân hàng kiểm soát dòng tiền, thay vì đòi hỏi có thế chấp. Trong khi đó, cho vay dòng tiền đó ở Việt Nam rất hạn chế, đặc biệt ngân hàng lo lắng 1 DN, nông dân đi vay nhiều chỗ, không kiểm soát được. 

“Tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần phải có phương thức cho vay không thế chấp; hỗ trợ cấp nhiều giấy phép hơn cho những địa chỉ cho vay nông nghiệp mạnh mẽ”, ông Hiếu đề nghị.

Lệ Thúy

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文