Dư nợ tín dụng tăng, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay
- Tăng thêm 11.600 tỷ đồng dư nợ tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội
- Dư nợ tín dụng tại TP HCM tăng trong tháng cuối năm
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao, đạt 18-19% trong giai đoạn 2015-2017 và đạt gần 14% trong năm 2018.
Trong đó, tín dụng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 29,5%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 24%. Riêng với đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), đến cuối năm ngoái dư nợ tín dụng đã đạt 1.307.000 tỉ đồng, tăng hơn 15,5% so với 1 năm trước và chiếm tỉ trọng khoảng 18% với gần 200.000 DN còn dư nợ. Trong 3 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng nền kinh tế tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Dư nợ tín dụng trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tăng mạnh những năm gần đây. |
Là địa phương đi đầu và tích cực triển khai hoạt động kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình đẩy mạnh cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên được triển khai từ năm 2013 đến nay đã giúp 36.241 khách hành được vay với tổng số tiền đạt 158.070 tỉ đồng.
Đánh giá về chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mà TP Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện, đại diện Hiệp hội DN thành phố cho rằng, việc này đã giúp nhiều DN giải quyết khó khăn về vốn sản xuất kinh doanh. Nhưng trên hết là chính quyền đã đứng ra làm cầu nối để củng cố, tạo niềm tin giữa ngân hàng với cộng đồng DN.
Tham luận tại hội nghị, TS Từ Minh Thiện, Phó trưởng Ban Quản lý khu nông nghiệp CNC thành phố cho biết, nhu cầu vốn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC là rất lớn. Song, đối tượng được hưởng ưu đãi về lãi suất hầu như chỉ áp dụng với các dự án đầu tư đổi mới công nghệ cao và quy mô lớn, trong khi tiềm lực của các DNVVN chỉ dừng lại ở mức đầu tư từng phần, nhỏ lẻ.
Do lĩnh vực này đã có nhiều DN vướng nợ xấu với lãi suất cao trước đó nên đây là yếu tố gây cản trở DN tiếp cận chương trình hỗ trợ vốn vay, bởi không có biện pháp nào tháo gỡ khi DN bị treo tên vướng nợ xấu trên hệ thống ngân hàng. Với hộ nông dân, dù nhu cầu vay lớn nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn do quy mô sản xuất nhỏ, không đủ tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân…
Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc Công ty CP cơ khí thương mại Đại Dũng phản ánh, dù doanh thu của DN đạt 3.000 tỉ đồng/năm, doanh thu từ xuất khẩu cũng đã đạt 60-80 triệu USD, nhưng DN gặp rất nhiều khó khăn về vốn khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn do thiếu hạn mức bảo lãnh. Trong khi DN cần phải có rất nhiều tài sản để thế chấp cho khoản vay thì tài sản rất lớn của DN là đất thuê trong KCN đã trả tiền vài chục năm, tài sản có giá cả trăm tỉ đồng nhưng không đuợc tính là tài sản thế chấp.
Tại hội nghị, đại diện cộng đồng DN của thành phố cũng nêu nhiều ý kiến góp ý, phản ánh với lãnh đạo NHNN và lãnh đạo thành phố cùng đại diện các ngân hàng thương mại.
Các ý kiến góp ý về khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không tiếp cận được với lãi suất ưu đãi, phải vay với mức 11%/năm dù DN hoạt động trong lĩnh vực được ưu tiên… đã được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp cận DN để tháo gỡ.
Về phía thành phố, những kiến nghị của DN hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi hoặc sản xuất các sản phẩm chủ lực cũng được Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm chỉ đạo các sở, ngành liên quan ghi nhận, xử lý hoặc đề xuất với thành phố để tháo gỡ cho DN.