Giải pháp “thúc” cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

10:12 20/12/2018
Nắm trong tay hơn 3 triệu tỷ đồng, từng được coi là rường cột, là xương sống, là huyết mạch, là đầu tàu, chủ đạo… của nền kinh tế, thế nhưng càng ngày, khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty đang đánh mất dần vai trò của mình.

Kỳ 1: Bết bát tiến độ, thua lỗ ăn mòn vốn chủ sở hữu

Trong khi cả nền kinh tế đang mạnh mẽ chuyển đổi để thích hợp với bối cảnh hội nhập mới trong thời đại 4.0, thì DNNN vẫn “đủng đỉnh” trong việc tái cơ cấu, ì ạch thoái vốn, cổ phần hóa (CPH), với điệp khúc thường xuyên chậm tiến độ. Trong loạt bài này, Báo CAND sẽ có góc nhìn toàn diện về tiến độ CPH DNNN, nguyên nhân cũng như giải pháp để “thúc” DNNN tái cơ cấu.

Tiến độ giật lùi

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ thì giai đoạn 2017 - 2020 CPH 127 DN, riêng năm 2018 phải CPH ít nhất 85 DN, trong đó có 21 DN chuyển từ năm 2017 sang. Nhưng kế hoạch CPH giai đoạn 2017-2020 đến nay mới CPH được 27/127 DN trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn 991, chiếm 20,4%.

“Tiến độ triển khai CPH năm 2018 chậm, khả năng không hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 là rất rõ. Nếu không có giải pháp mạnh, quyết liệt thì kế hoạch đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020 cũng khó hoàn thành”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định. 

9 tháng, các đơn vị đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về 15.998 tỷ đồng. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện CPH 39 DN, chiếm 44% tổng số DN phải thực hiện CPH năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào. Tương tự, TP Hà Nội phải thực hiện CPH 14 DN, chiếm 16% tổng số DN phải thực hiện CPH năm 2018; đến nay cũng chưa triển khai được đơn vị nào. 

Ngoài ra, theo quyết định thì năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch. Và dĩ nhiên, câu kết luận của đại diện Bộ Tài chính vẫn là “việc triển khai thoái vốn Nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra”.

 Có thể chỉ ra các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng DN và giá trị lớn như Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng; Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng Công ty Dược Việt Nam với giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 829 tỷ đồng; Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 DN với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỷ đồng...

Nhiều lần trả lời trước Quốc hội, dù khẳng định CPH, thoái vốn là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN, tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng phải thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã ảnh hưởng đến tiến độ và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra; cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc; một số bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Làm ăn thua lỗ

CPH chậm, thế nhưng thay vì phải “vắt chân lên cổ chạy” cho kịp với chỉ đạo của Chính phủ thì nhiều DN sau CPH vẫn làm ăn thua lỗ như… chưa từng có cuộc tái cơ cấu. Ví dụ có một số DN cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty CP XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...

Nhà máy Giấy Phương Nam chào bán 3 lần nhưng không ai mua.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, có những DN mặc dù báo cáo tài chính là có lãi, nhưng sau khi rà soát tách bạch nguồn thu đất đai, nhiều DNNN từ làm ăn hiệu quả trở thành thua lỗ. Một ví dụ điển hình là Văn phòng phẩm Hồng Hà, thay vì từ ngành nghề chính là kinh doanh văn phòng phẩm thì lợi nhuận chủ yếu đến từ việc cho thuê đất đai trên phố Lý Thường Kiệt. 

Ngoài ra, có lẽ không thể không nhắc đến 12 dự án nghìn tỷ nhưng thua lỗ nặng đứng trên bờ vực phá sản đầy tai tiếng của ngành Công Thương. Sau mấy năm xử lý, cho đến thời điểm này, dù đã có dự án làm ăn ổn định và bắt đầu có lãi, nhưng vẫn có dự án “ế ẩm” đến mức bán cũng chẳng ai mua. Đó là Nhà máy giấy Phương Nam bán 3 lần chưa được, đấu giá mãi nhưng không ai tham gia. 

Theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ phải xử lý xong 12 dự án này, nhưng nếu với tiến độ như hiện nay, e là giải pháp cuối cùng đối với một số dự án chỉ là buộc phải cho phá sản mà thôi.

CPH đã chậm, nhưng sau CPH, nhiều DN lại còn “trốn” lên sàn. Bộ Tài chính mới đây đã tiến hành "bêu tên" 667 DNNN đã CPH nhưng chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán tính đến hết ngày 15-11-2018. 

Các DN bị "bêu tên" chủ yếu là các công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc các bộ, ngành (tổng cộng 295 DN); cùng với đó là các DN thuộc quyền quản lý của các UBND cấp tỉnh (tổng cộng 372 DN). Các DN này đưa ra nhiều nguyên do khác nhau lý giải về việc chưa hoàn thành nghĩa vụ lên sàn sau CPH. 

Phổ biến nhất là các lý do không có đủ số lượng cổ đông cần thiết hoặc/và không đủ vốn điều lệ cần thiết để trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. 

Cụ thể hơn, một số DN cho biết họ có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng, số khác cho hay số lượng cổ đông của công ty họ nhỏ hơn 100... Cùng với đó, nhiều trường hợp kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, tạm ngừng hoạt động; vẫn còn lỗ lũy kế; thậm chí có trường hợp còn hủy tư cách công ty đại chúng. Một số DN thì "kêu" rằng đang gặp khó khăn trong quá trình thay đổi tổ chức và cơ cấu lại hoạt động DN nên chưa thể lên sàn...

“Thực tế đang có sự xung đột giữa 2 khuynh hướng chủ đạo “cũ” và “mới” ngay trong lãnh đạo DNNN. Một bên muốn đẩy nhanh tiến trình CPH, trong khi một bên lo ngại việc đẩy nhanh tiến độ CPH sẽ làm mất vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, kèm theo đó là thất thoát tài sản Nhà nước. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm chạp trong CPH DNNN. 

Ngay cả những DN đang thực hiện CPH, nhưng tốc độ thoái vốn Nhà nước tại các DN này cũng rất chậm, nhiều DN khi CPH đã không tìm được cổ đông chiến lược. Nguyên nhân do cổ đông chiến lược chỉ tham gia DNNN khi nắm được cổ phần áp đảo để chi phối được hoạt động kinh doanh của DN sau khi đã CPH” - Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh.

“Cổ phần hóa, thoái vốn cần tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng”

CPH cũng như cơ cấu lại danh mục đầu tư Nhà nước, chuyển đổi từ tài sản chưa tốt thành tài sản tốt hơn, như vậy mới củng cố nền tảng sức mạnh của khu vực DNNN. Chúng ta phải định hướng lại đầu tư tập trung vào các DN kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, có như vậy mới có thể có được những tập đoàn kinh tế lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, quản trị công ty phải tập trung tháo bỏ những ràng buộc để DNNN tự chủ về kinh doanh, xác định những ngành nghề kinh doanh phù hợp, biến nó thực sự trở thành động lực để phát triển kinh tế - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM.

Hà An

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文