Giám sát kém khiến doanh nghiệp nhà nước thua lỗ

09:39 20/07/2018
Tại hội thảo "Đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 19-7, các chuyên gia đã chỉ ra lỗ hổng trong giám sát vốn nhà nước từ trước tới nay, gây ra thua lỗ tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Lợi nhuận giảm liên tục

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, trong hoạt động quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, công tác giám sát hiệu quả kinh doanh của DNNN đã và đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, gây ra sự bất cập cũng như vô tình tạo lỗ hổng làm lãng phí, thất thoát nguồn lực Nhà nước tại DNNN.

Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập và dự kiến sẽ quản lý một nguồn lực rất lớn, gồm 820 tỷ đồng vốn cùng 1,5 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước.

Theo báo cáo của CIEM, tỷ suất lợi nhuận của DNNN giảm liên tục, ở mức 39% từ năm 2011 - 2016. Tỷ trọng doanh nghiệp thua lỗ không giảm, trong khi vẫn còn 23 Tập đoàn, Tổng công ty làm ăn thua lỗ, với tổng lỗ lũy kế trên 17 nghìn tỷ đồng. 

Nhiều DNNN thua lỗ do thiếu cơ chế giám sát của người quản lý vốn nhà nước. (Ảnh minh hoạ Internet).

Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở mức dưới giá trị đã đầu tư. Nhiều nỗ lực xử lý dự án nhưng phục hồi chậm.

“Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN”, ông Phạm Đức Chung - Trưởng Ban Phát triển và Cải cách doanh nghiệp CIEM cho biết.

Theo CIEM, nhiều Bộ, ngành, cơ quan, chính quyền địa phương tham gia giám sát và là đại diện chủ sở hữu DNNN, nhưng không cơ quan nào có đủ thẩm quyền và khả năng theo dõi, đánh giá doanh nghiệp một cách đầy đủ, hiệu quả và toàn diện.

CIEM đưa ra ví dụ về việc giám sát của đại diện chủ sở hữu của nhà nước tại Tập đoàn Dầu khí do Bộ Công thương chủ trì, phối hợp thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra. 

Nhưng bên cạnh đó có sự phối hợp của Bộ KH&ĐT giám sát kiểm tra việc thực hiện chiến lược, kế hoạch và mục tiêu; Bộ LĐ TB&XH kiểm tra về tuyển dụng, tiền lương, thưởng; Bộ Tài chính kiểm tra hiệu quả kinh doanh và Bộ Nội vụ về công tác cán bộ.

“Nguyên nhân khiến việc giám sát không hiệu quả do thiếu thông tin đầy đủ về vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN trong nền kinh tế. Vì vậy, để giám sát tốt, cơ quan chức năng phải xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng chủ sở hữu”, đại diện CIEM kiến nghị.

Là một cổ đông của nhà máy sản xuất phân bón hàng đầu cả nước với giá trị cổ phần khoảng 300 tỷ đồng, ông Trương Văn Hiền- Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Nghệ An, đã nêu ra những bất cập trong quản lý vốn ở DNNN. Đơn cử, ngay tại nhà máy mà ông là cổ đông, những năm gần đây chi phí quản lý bộ máy lớn hơn cả chi phí sản xuất.

“Bộ máy quản lý quá cồng kềnh, nhiều chi phí không cần thiết như quảng cáo sản phẩm khiến lãi của nhà máy giảm dần. Trong khi, nhiều vị trí trong hội đồng thành viên, đại diện vốn nhà nước làm việc không hiệu quả nhưng chi phí lương của họ rất lớn”, ông Hiền cho biết.

Muốn giám sát hiệu quả phải quy trách nhiệm cá nhân

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hệ thống giám sát vẫn tồn tại nhiều vấn đề; doanh nghiệp nhà nước có thể chịu trên đầu nhiều “tròng” giám sát nhưng chưa có cái nhìn toàn diện thực tế, cuối cùng chúng ta có báo cáo mờ nhạt theo kiểu thầy bói xem voi. Thậm chí, khi xảy ra thua lỗ, người giám sát ở DNNN luôn có hàng loạt lý do để minh chứng cho rủi ro. 

“Để giám sát DNNN hiệu quả nhất phải thu hẹp tối đa phạm vi hoạt động và số lượng. Nếu số lượng DNNN quá nhiều như hiện nay sẽ không có ai giám sát đầy đủ”, bà Lan nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng để cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu hoạt động hiệu quả thì việc chọn người đại diện vốn phải theo tiêu chí khác biệt.

“Công chức của chúng ta làm theo quy định, quy trình, sẽ không bao giờ có sáng tạo đổi mới. Phải giao cho người làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu nhà nước những nhiệm vụ rất cao, buộc họ phải tìm phương án sáng tạo để thực hiện như giao tăng hiệu quả 30-40%”, ông Cung nhấn mạnh.

Chuyên gia tư vấn chính sách của Chương trình Aus4Refrom, ông Raymond Mallon cho biết, Australia cũng có những uỷ ban quản lý vốn nhà nước như Việt Nam. Nhân sự của ủy ban này phải được lựa chọn kỹ càng, là người có kỹ năng và ý thức trau dồi kỹ năng trong quá trình làm việc.

“Để cơ quan này hoạt động hiệu quả, phải có người có năng lực, chuyên môn kỹ thuật để có bộ máy hiệu quả và luôn trau dồi ý thức chuyên môn. Họ phải chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, xây dựng báo cáo chuyên nghiệp và nêu rõ trách nhiệm giám sát trong DN”, ông Raymond Mallon nói.

Ở góc độ giải pháp, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng chúng ta giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhưng phải để doanh nghiệp tự do kinh doanh, sáng tạo. 

Tại Việt Nam thời gian qua, các ông chủ sở hữu doanh nghiệp là các Bộ “ôm” cả chức năng quản lý ngành đó vừa ra chính sách nên dung dưỡng cho sự lệch lạc và phát triển méo mó, không nhìn ra yếu kém của DNNN mà khắc phục ngay từ đầu.

Chủ sở hữu doanh nghiệp phải nhìn thấy doanh nghiệp họ làm gì, chứ không chỉ nhìn qua báo cáo viết bằng giấy, chèn thêm ý kiến chủ quan vào. Chúng ta phải nhanh chóng ổn định hệ thống quản trị doanh nghiệp nhà nước để họ sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực cho phát triển.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, để giám sát hiệu quả cần phải rành mạch về sở hữu. Bản chất câu chuyện là giám sát hiệu quả, chính là đối tượng sở hữu quyền chưa rõ ràng. 

“Chừng nào tài sản nhà nước chưa gắn với trách nhiệm cá nhân thì việc giám sát chưa hiệu quả. Hệ thống chịu trách nhiệm tập thể như hiện nay đang che mờ trách nhiệm cá nhân… Mấu chốt vấn đề của giám sát phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng và thiết kế chính sách để cá nhân chịu trách nhiệm”, ông Thiên nói.

Phan Đức

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文