Gỡ khó cho xuất khẩu nông sản
Xuất khẩu Việt Nam đã đi được 1/4 chặng đường, nhưng nhiều mặt hàng sụt giảm cả về sản lượng và kim ngạch, đặc biệt là nông sản, thủy sản. Xuất khẩu nông sản nói chung giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái là một diễn biến bất thường, đe dọa khả năng hoàn thành kế hoạch trong năm nay. Không chỉ thế, việc ùn ứ dưa hấu và hành tím của nông dân thời gian gần đây cũng khiến vấn đề nông sản trở nên nóng bỏng, dù đây không phải tình trạng mới diễn ra.
Chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp (DN) và hiệp hội để bàn biện pháp tháo gỡ cho nông sản vừa diễn ra chiều 17/4, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đánh giá cụ thể năm 2015, có thể thấy những biến động của thị trường thế giới. Giá cả của một số mặt hàng nông sản, thủy sản có sự sụt giảm, đặc biệt là gạo và cao su. Năm 2015 cũng có những biến động bất ổn về địa chính trị, tôn giáo, tác động đến cung cầu thế giới, sự phục hồi kinh tế toàn cầu chưa ổn định. Bên cạnh đó, sức cạnh tranh còn yếu cũng làm xuất khẩu giảm mạnh ngoài dự kiến.
Tiêu thụ dưa hấu cho nông dân không thể bằng lòng trắc ẩn. Ảnh minh họa: Trí Toàn. |
Ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho rằng: Nguyên nhân trực tiếp khiến xuất khẩu gạo suy giảm mạnh đến từ cung cầu thế giới. Năm vừa rồi, do tình hình thời tiết thuận lợi nên có thêm các đối thủ xuất khẩu như Myanmar, Campuchia ngoài đối thủ truyền thống là Thái Lan, Ấn Độ. Đồng thời, các nước nhập khẩu sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 cũng đã tập trung tăng cường an ninh lương thực trong nước để tránh phụ thuộc.
Thị trường hiện nay chủ yếu do người mua quyết định. Trước năm 2010, chúng ta có thể quyết định bán cho ai, nhưng bây giờ người mua đã chủ động, họ có chính sách nhập khẩu với điều kiện thuận lợi nhất.
Thái Lan đang tồn kho 16 triệu tấn, Ấn Độ trên 23 triệu tấn nên có chính sách giảm giá để giành thị phần. Thái Lan trước đây chỉ bán gạo cao cấp, nhưng hiện nay cũng đã chiếm lĩnh thị phần gạo thấp cấp. Do đó, Việt Nam trong những năm gần đây đã gặp nhiều khó khăn trong tìm đầu ra cho gạo.
Về thủy sản, theo thông tin từ ông Nguyễn Hoài Nam – Tổng Thư ký Vasep, xuất khẩu quý I vừa rồi giảm sâu nhất trong 5 năm qua, chủ yếu ở 3 thị trường chính.
Đối với các thị trường lớn tiêu thụ tôm, cá tra, cá ngừ... là châu Âu, nguyên nhân do giá trị đồng EUR/USD giảm, các nước cạnh tranh điều chỉnh hạ đồng nội tệ, trong khi đó VNĐ vẫn giữ tỷ giá nên ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào EU.
Mặt hàng tôm suy giảm do có sự cạnh tranh của tôm Ấn Độ vào mùa chính với giá thành rẻ hơn. Cầu chưa hoàn toàn phục hồi, trong khi lại bị tác động của các vụ kiện chống bán phá giá đã khiến thủy sản giảm mạnh 30%.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dù còn nhiều bất ổn, tiềm ẩn rủi ro, nhưng các quý còn lại, dự báo kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét nhiều chính sách hỗ trợ nên xuất khẩu nhiều khả năng sẽ được cải thiện.
Về tìm kiếm thị trường mới, việc Việt Nam đang đàm phán cũng như đã ký hàng loạt hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn, tuy có độ trễ nhất định, nhưng chắc chắn sẽ có tác động lên xuất khẩu. Tuy vậy, về lâu dài, chỉ có tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh mới có thể giải quyết được vấn đề.
“Bên cạnh tạo thuận lợi về mặt thị trường thì trước hết phải cắt giảm chi phí. Người mua là người quyết định nên nếu chúng ta không khẳng định được năng lực cạnh tranh thì không thể thắng được. Các hiệp định thương mại phải được doanh nghiệp khai thác tối đa”.
Sự hỗ trợ của người dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội và các nhóm thiện nguyện đã thành công trong việc đẩy giá thu mua dưa của nông dân lên cao. |
Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam cho biết, ngoài những giải pháp ngắn hạn, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ xem xét về giá thành, bởi chỉ có giảm giá thành mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh. “Tuy nhiên, giảm như thế nào thì chúng tôi sẽ cùng với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn bạc để có sự tiếp cận với doanh nghiệp”.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, vẫn phải tăng cường xúc tiến thương mại đối với tôm, cá tra và cá ngừ, luôn phải tạo được hình ảnh về sự ổn định nguồn cung trên thị trường quốc tế.
Đối với cà phê, phải mở rộng thị trường và củng cố những thị trường truyền thống. Hiệp hội cho rằng, những thị trường lớn như Nga đang bị bỏ ngỏ. Bộ Công Thương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại đến các thị trường này. Mặt khác, khâu chế biến phải được nâng cao, chứ chỉ xuất khẩu hạt không thôi thì giá trị gia tăng không đáng là bao.
Đại diện Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương đấu tranh để các nước giảm thuế đối với cà phê rang xay, nếu không đó sẽ là rào cản để cà phê Việt Nam không thể vào các thị trường này. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy tiêu thụ trong nước, vì cà phê là mặt hàng cơ bản, rất nhiều người sử dụng hằng ngày. Cà phê Brazil cũng tiêu thụ trong nước đến 30% sản lượng, trong khi Việt Nam mới có 7%.
“Nếu không tái canh bài bản thì mươi mười lăm năm nữa, chúng ta sẽ quay sản lượng về 0 ngay. Cần phải có chế độ hỗ trợ về lãi suất tốt bởi cà phê sau 5 năm mới thu hoạch được” – ông Phan Hữu Đễ, Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam kiến nghị.
Dưa Quảng Ngãi tăng giá, khan hàng; hết cảnh ùn ứ tại cửa khẩu Trao đổi với PV Báo CAND chiều 18/4, ông Phùng Quang Hội, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết: Dưa hấu 2 ngày hôm nay (tức 17 và 18/4) được giá, dưa đẹp từ Bình Định, Phú Yên ra xuất được 8.000 – 8.500 đồng/kg, hàng bình thường bán được 5.000 – 6.000 đồng/kg, tức là giá cả đã nhích lên so với những ngày rộ. Do đã vào cuối vụ nên mỗi ngày chỉ có khoảng 100 xe dưa tập kết tại khu vực cửa khẩu nên không còn cảnh ùn tắc, ra đến đâu xuất đến đấy. Riêng ngày 17/4, cả dưa hấu và thanh long đã xuất được 250 xe. Cùng ngày, tin từ những nhóm thiện nguyện thu mua dưa hấu tại Quảng Ngãi cũng cho biết, giá thu mua tại ruộng của thương lái đã lên 3.200 đồng/kg, cao hơn mức giá của nhóm 200 đồng/kg. Đã xuất hiện cảnh tranh mua tại ruộng là một tín hiệu rất mừng. Được biết, trong khoảng 1 tuần cao điểm, nhóm đã thu mua và tiêu thụ được 1.000 tấn dưa cho nông dân. Việc làm này là một tác động tích cực lên thị trường, giải phóng lượng dưa ế ẩm và đẩy giá lên. Thông tin này cũng được ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi xác nhận với PV Báo CAND chiều cùng ngày, cho biết dưa Quảng Ngãi đã cơ bản hết và giá đã nhích lên. (Hân - Hiệp) |