Gỡ khó vận tải hàng hóa hằng ngày
- Lâm Đồng ưu tiên tiêm vaccine cho tài xế, phụ xe vận tải hàng hóa
- Ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận tải hàng hoá
- Đề xuất tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu
Không yêu cầu xét nghiệm lại lái xe có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực
Lãnh đạo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết ngày 14/7 đã cấp thẻ ưu tiên cho hơn 2.800 xe, luỹ kế đến thời điểm này đã cấp thẻ ưu tiên cho gần 24.000 xe của 45 doanh nghiệp. Việc cấp giấy thông hành bằng QR Code đã tạo ra sự thuận lợi để hàng hóa lưu thông đến thành phố và ngược lại.
Song, hiện một số tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội, còn có lúng túng trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt khi áp dụng các quy định về y tế đối với lái xe. Một số địa phương áp dụng quy định của Bộ Y tế về bắt buộc cách ly 14 ngày đối với người từ vùng dịch dẫn đến tình trạng thiếu hụt đội ngũ lái xe vận tải. Nhằm khắc phục tình trạng này, có doanh nghiệp đề xuất, khi tài xế đủ thủ tục, có thể buộc họ tự “cách ly” trong ca bin xe, chạy vào giao hàng, đến nơi có đội ngũ bốc xếp. Khi xong việc tài xế sẽ chạy ra và suốt thời gian đó tự “cách ly” trong ca bin. Bởi nếu tài xế xuống xe trình thủ tục, đổi tài, ngồi chờ… càng tăng nguy cơ phát tán dịch.
Phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa |
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị: "Từng địa phương phải xây dựng "luồng xanh" để lưu thông hàng hóa đi, đến hoặc đi qua địa phương, thông báo và phối hợp với Sở GTVT các tỉnh lân cận để tổ chức, công bố các "luồng xanh" kết nối liên tỉnh, kết nối các tỉnh với TP Hồ Chí Minh".
Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở GTVT TP Hồ Chí Minh chuyển giao phần mềm quản lý, điều tiết giao thông vận tải để tổ chức tiếp nhận đăng ký và cấp giấy thông hành điện tử có QR Code cho các doanh nghiệp, đơn vị vận tải có nhu cầu vận tải hàng hóa trên đường xanh theo nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh và thuận lợi nhất.
Liên quan đến xét nghiệm y tế cho lái xe, ông Thể đề nghị các địa phương nghiên cứu áp dụng thống nhất hình thức kiểm soát y tế đối với riêng đội ngũ lái xe vận tải theo hướng không yêu cầu xét nghiệm lại đối với lái xe có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực.
Ông Thể yêu cầu, các địa phương tổ chức ngay các trạm dừng xe tập trung có kiểm soát y tế, giúp lái xe lấy mẫu xét nghiệm và lấy kết quả xét nghiệm nhanh chóng, tiện lợi. Doanh nghiệp phải chủ động, chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lái xe, hoạt động của phương tiện và đảm bảo xét nghiệm COVID-19 đầy đủ, đúng quy định
Không để thiếu hụt lái xe vận tải hàng hóa khu vực phía Nam
Để tạo thuận lợi hơn cho người dân cũng như doanh nghiệp vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ để bảo đảm hoạt động vận tải hàng hoá trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 tại một số tỉnh, thành phía Nam. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý khi thực hiện vận chuyển hàng hoá đi - đến, qua các khu vực đang phong tỏa, giãn cách hoặc khu vực ổ dịch.
Trong đó, lưu ý có phương án bố trí đủ lái xe phù hợp với hành trình di chuyển (đi và quay về) và thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19. Đối với các trường hợp có thời gian di chuyển và chờ đợi để xếp dỡ hàng hoá vượt quá thời hạn có hiệu lực của giấy xét nghiệm COVID-19 có thể bố trí lái xe theo 3 phương án.
Phương án 1 là sử dụng lái xe dự phòng của đơn vị để thay lái trên hành trình vận chuyển; phương án 2 là phối hợp với đơn vị vận tải khác tại địa phương nơi đến, địa phương trên hành trình vận chuyển để bố trí đổi lái xe khác. Phương án 3 là yêu cầu lái xe đến các địa điểm xét nghiệm, cơ quan y tế tại địa phương nơi đến, địa phương trên hành trình để thực hiện xét nghiệm theo quy định. Lái xe thay thế phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Đối với các phương tiện hoạt động trên "luồng xanh" và được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp giấy nhận diện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải thực hiện in giấy nhận diện phương tiện lên giấy khổ A4 và dán thêm lên kính hai bên cửa xe để thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng và hạn chế tiếp xúc để ngăn sự lây lan dịch bệnh.
Tổng cục cũng yêu cầu Sở GTVT tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm các thông tin do đơn vị vận tải, lái xe đã cung cấp; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thực hiện thông báo đến các chốt kiểm soát, các Sở GTVT có liên quan để phối hợp quản lý. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh và phương án điều tiết, phân luồng giao thông đến các đơn vị vận tải và lái xe. Hỗ trợ cung cấp thông tin và kết nối các đơn vị vận tải trong quá trình xây dựng phương án tổ chức vận tải hợp lý, vừa thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh vừa đảm bảo hoạt động vận tải thông suốt 24/24h.