Khai mạc VBF: Xác định vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Sáng 10-1, tại Hà Nội, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) cuối kỳ 2019 đã khai mạc với chủ đề “Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”.
- Thủ tướng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ
- Khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu lần thứ 10
- Thủ tướng sẽ tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2014
- Ra mắt Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn mới
- Ra mắt Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ
Đây là diễn đàn thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam. Diễn đàn kỳ này có 3 phiên thảo luận chính, nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị giải pháp để phát triển nền kinh tế bền vững và thu hút đầu tư.
Toàn cảnh Diễn đàn VBF cuối kỳ 2019 |
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ lần này với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp FDI trong tiến trình phát triển của Việt Nam. Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư. Những ý kiến đóng góp của Quý vị sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện hơn vai trò “kiến tạo” của mình đồng thời cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư,” Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, Diễn đàn lần này sẽ tập trung thảo luận, trao đổi thông tin liên quan đến các yếu tố then chốt nhằm xác định những cơ hội và thách thức, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp để tăng cường thu hút đầu tư, hướng tới phát triển bền vững. Tại diễn đàn, các nội dung liên quan đến lĩnh vực hải quan, thương mại, du lịch, thuế và các ý kiến của một số nhóm ngành gồm nông nghiệp, điện và năng lượng sẽ được đề cập. Đại diện các cơ quan Chính phủ, bộ sẽ đề cập, phản hồi vấn đề cụ thể mà doanh nghiệp quan tâm...
Báo cáo của VCCI cho biết, thời gian qua, Chính phủ có nhiều nỗ lực quan trọng trong tạo lập môi trường kinh doanh, khuyến khích DN ra đời, phát triển. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có hành động cụ thể để cải thiện điểm số và nâng hạng về môi trường kinh doanh.
Theo đó, các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện những thủ tục hoàn thuế vẫn là một khó khăn... Việc phá sản DN, bảo hộ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu chuyển biến chậm. Có tới 30% DN gặp khó khăn khi làm thủ tục xác nhận liên quan đến phòng cháy chữa cháy...
Bà Virginia B.Foote, Chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt, đồng Chủ tịch VBF cho biết chủ đề của diễn đàn lần này muốn nhấn mạnh tính kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Và một trong những nội dung chính của diễn đàn là cộng đồng doanh nghiệp sẽ nói về kết quả thực thi 2 nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết 52-NQ/TW năm 2019 về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).
Bên cạnh đó là cùng trao đổi để việc cải cách hành chính, cải cách thể chế diễn ra suôn sẻ được như cải cách thuế đã làm được và việc thực hiện Chính phủ điện tử thời gian qua để thúc đẩy môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp FDI và trong nước.
Năm 2020 là năm về đích trong cải thiện môi trường kinh doanh và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, qua tập hợp, nghiên cứu rất nhiều vấn đề của môi trường kinh doanh, tại diễn đàn này chúng tôi sẽ đề xuất thực hiện nhóm 13 giải pháp lớn, trọng tâm để trong năm 2020. 13 giải pháp lớn đó là tiếp tục cải thiện về khởi sự kinh doanh, về thuế, về giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, về đất đai và đăng ký bất động sản vì vấn đề lớn nhất trong lĩnh vực quản lý đất đai và đăng ký bất động sản hiện nay ở Việt Nam là khả năng kết nối dữ liệu và tiếp cận thông tin về đất đai.
Đề xuất tiếp theo là Nhà nước cần có chiến lược tổng thể về cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh, tiếp tục cải thiện hạ tầng và tiếp cận điện năng vì hạ tầng giao thông và khu công nghiệp vẫn cần được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp và nguy cơ thiếu điện đang quay trở lại...
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh Nghị quyết số 50 về FDI, trong 2 năm qua, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước. Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.