Ký kết hiệp định thương mại tự do quy mô lớn nhất thế giới - RCEP
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, sáng 15/11, sau khi Hội nghị cấp cao Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) kết thúc, các nhà lãnh đạo đã cùng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định RCEP.
Hiệp định RCEP là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây. Sau khi ký kết, RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi tới toàn thế giới thông điệp tích cực về sự ủng hộ hệ thông thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch COVID-19.
RCEP bắt đầu được đàm phán cách đây 8 năm và được đánh giá là thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới, báo hiệu một sự thay đổi lớn về địa chính trị trong khu vực. 15 quốc gia thành viên RCEP, bao gồm 10 quốc gia ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần một phần ba dân số toàn cầu và khoảng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đây là lần đầu tiên các đối tác thương mại lớn của ASEAN gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia cùng tham gia vào một hiệp định, giảm bớt sự phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương hiện có.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết. |
Phát biểu tại lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng đồ sộ, mở ra giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
"Lễ ký kết Hiệp định RCEP hôm nay là niềm tự hào, thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài hướng đến tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác, Tổng Thư ký ASEAN cùng đồng nghiệp vì sự ủng hộ, nỗ lực trong nhiều năm qua.
Hiệp định RCEP là động thái khu vực quan trọng nhất trong thời gian gần đây. |
"Tôi cũng xin thay mặt các nước đàm phán Hiệp định RCEP gửi lời chúc mừng tới các Bộ trưởng kinh tế, các nhà đàm phán, cán bộ Ban Thư ký ASEAN đã có nhiều cố gắng, dù trong thầm lặng, để chúng ta có kết quả tốt đẹp và tự hào như ngày hôm nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng Hiệp định RCEP sẽ sớm được các nước phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, đem lại thịnh vượng chung cho người dân, cho doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.
Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia Simon Birmingham đánh giá cao ý nghĩa của Hiệp định RCEP và nhấn mạnh, đây là một thỏa thuận có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu. “Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và hữu hình rằng khu vực của chúng ta và các đối tác, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng”, ông Simon Birmingham nói.
Trước đó, sáng cùng ngày, Hội nghị Cấp cao Hiệp định RCEP đã diễn ra. |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thương mại-Du lịch và Đầu tư Australia cho biết, RCEP cũng sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và thiết lập các quy tắc thương mại điện tử mới trong toàn khu vực.
Nói rõ hơn về lợi ích của RCEP, báo chí châu Âu cho hay, hiệp định sẽ giúp cắt giảm hàng rào thuế quan, thiết lập các quy tắc thương mại chung và do đó cũng tạo thuận lợi cho chuỗi cung ứng. Cụ thể, như tờ Toàn cảnh Frankfurt đánh giá, việc đạt được thống nhất về giảm thuế và các quy định liên quan tới khoảng 20 lĩnh vực là một thành công với các quốc gia tham gia RCEP vốn đang cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực. Một khu vực thương mại lớn nhất thế giới đang hình thành ở châu Á mà không có châu Âu và Mỹ.
Trong thời điểm mà thị trường tài chính toàn cầu đang khao khát sự ổn định - cả về hệ thống chính trị và triển vọng kinh tế, RCEP mang lại tín hiệu lạc quan cho Châu Á-Thái Bình Dương. RCEP cũng được cho là có sức ảnh hưởng đến động thái của các khối thương mại quan trọng khác.
Nhà kinh tế Radhika Rao thuộc Ngân hàng DBS tại Singapore còn nhận định, hiệp định mang lại cho khu vực cơ hội biến "công xưởng của thế giới" thành "thị trường của thế giới". Sau khi được ký kết, chính phủ các nước thành viên sẽ có 2 năm để phê chuẩn RCEP.
Được biết, các cuộc đàm phán về Hiệp định RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 ở Phnom Penh (Campuchia). Đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand) với trình độ phát triển kinh tế khác nhau là việc không hề dễ dàng. Sau cuộc đàm phán vào ngày 4/11/2019, Ấn Độ đã rút khỏi Hiệp định do còn nhiều điểm chưa được giải quyết. |