Nhà đầu tư cần cẩn trọng với trái phiếu doanh nghiệp

07:19 07/07/2020
Bộ Tài chính vừa đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, tổ chức phân phối trái phiếu khi đầu tư, phát hành, cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.


Qua báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 5 là 27.061 tỷ đồng, tổng khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ 5 tháng đầu năm 2020 là 91.616 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân.

Trước tình hình thị trường TPDN trên, Bộ Tài chính đã đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ; tuân thủ quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu; sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu gắn với mục đích phát hành; không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu; có biện pháp để thực hiện đầy đủ, đúng hạn các cam kết với nhà đầu tư, bao gồm cam kết về mua lại trái phiếu trước hạn.

Đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp phải đối với trái phiếu. Trước khi quyết định đầu tư, cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ tại thời điểm dự kiến phát hành, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành); mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Theo đó, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu, không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Về phía tổ chức phân phối trái phiếu, Bộ Tài chính khuyến nghị không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư, có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, mục đích phát hành trái phiếu, tài sản đảm bảo của trái phiếu, đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu; nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Đồng thời, có biện pháp quản lý để tuân thủ đầy đủ, đúng hạn cam kết về mua lại trái phiếu với nhà đầu tư khi phân phối trái phiếu

Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về TPDN.

Trước đó ngày 15/5/2020, Bộ Tài chính cũng đã phát đi thông tin báo chí về thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2020 và đưa ra những khuyến nghị đối với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

KL

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文