Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được bảo vệ thế nào?
- Nhà máy lọc dầu Dung Quất vượt tiến độ bảo dưỡng lần 3, tăng nộp ngân sách thêm 303 tỷ đồng
- Nhà máy lọc dầu Dung Quất nộp ngân sách 1.699 tỷ đồng 2 tháng
- Đầu tư hơn 1,8 tỷ USD mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD Dung Quất) thuộc Khu kinh tế Dung Quất, nằm trên địa phận hai xã Bình Trị và Bình Thuận – huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Đây là nơi cung cấp gần 40% nhu cầu xăng dầu cho cả nước. Tính đến hết tháng 3 năm 2018, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý NMLD Dung Quất đã đạt 15 triệu giờ công an toàn, tính từ tháng 6 năm 2014.
Trong suốt thời gian đó, không xảy ra bất cứ tai nạn lao động nào kể cả trong hai lần bảo dưỡng TA2 và TA3 vừa qua.
Với diện tích hơn 800 héc ta, NMLD Dung Quất được chia làm 15 phân xưởng công nghệ, 11 phân xưởng phụ trợ và 13 phân xưởng ngoại vi. Từ trên cao nhìn xuống, nhà máy như một thành phố thu nhỏ với cảnh quan đẹp mắt và đặc biệt sạch sẽ. Việc bảo vệ cho nhà máy được an toàn tuyệt đối có ý nghĩa sống còn. Vì thế, công tác bảo vệ luôn được đặt lên hàng đầu.
Khu vực sản xuất, công nghệ của NMLD Dung Quất. |
Để đảm bảo an ninh cho nhà máy, có một Trung đội CSCĐ bảo vệ vòng ngoài, chịu trách nhiệm của cả khu vực là Đồn Công an Dung Quất, ngoài ra còn có sự tham gia của Công an kinh tế, môi trường...
Ở bên trong nhà máy là Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ An ninh Dầu khí Việt Nam. Trung đội CSCĐ được thành lập từ tháng 9-2013 theo Quyết định số 1436/QĐ-CAT-PV11 (PX13) của Công an tỉnh Quảng Ngãi.
Trung đội gồm 34 cán bộ chiến sĩ, trong đó có 10 đảng viên. Chiến sĩ trẻ nhất năm nay mới 22 tuổi. Đặc biệt đơn vị có một liệt sĩ là Thượng sĩ Lê Chí Phước đã hy sinh khi cứu người bị đuối nước ở vùng biển Quảng Ngãi vào tháng 2-2018.
Đại úy Trần Văn Hải có mặt từ những ngày đầu thành lập Trung đội cho biết, đặc thù công việc ở đây đòi hỏi phải luôn sẵn sàng đến mức cao nhất, và đặc biệt là phải biết “nắm tình hình… từ xa”. Trung đội còn hỗ trợ các đơn vị bảo vệ khác đảm bảo an ninh cho toàn bộ nhà máy. Đơn vị hầu như đều là những chiến sĩ trẻ, nhà xa nên việc trau dồi, nâng cao phẩm chất đạo đức, nhận thức chính trị được hết sức quan tâm, đồng thời đơn vị cũng chăm sóc đến cuộc sống của các chiến sĩ để anh em an tâm thực hiện tốt nhiệm vụ.
Hàng ngày, Trung đội chia làm hai ca tuần tra, chốt chặn ở 8 vị trí khác nhau của nhà máy. Đây là những vị trí quan trọng, là những địa điểm có thể bao quát những khu vực quan trọng của nhà máy như khu sản xuất công nghệ, khu chứa dầu thô, khu chứa sản phẩm và khu vực hành chính.
Kể từ khi nhà máy đi vào hoạt động, chưa xảy ra bất cứ vụ việc nào nghiêm trọng, do được bảo vệ nhiều vòng nên việc cảnh báo được thực hiện rất nhanh chóng. Ngoài ra không thể không kể đến vai trò quan trọng của những người dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy.
Nhằm tăng cường công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh cho nhà máy, hàng năm Công ty Lọc -Hoá dầu Bình Sơn (BSR) đều họp bàn với các lực lượng tham gia bảo vệ, xây dựng kế hoạch cụ thể phối hợp cùng các đơn vị cảnh sát, biên phòng và các cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền tới người dân những quy định về an ninh, an toàn của nhà máy.
NMLD Dung Quất nằm cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 30km, mặc dù hệ thống đường sá ở đây rất thuận tiện nhưng nếu tại nhà máy có xảy ra cháy nổ hay chập điện dẫn đến cháy thì cảnh sát PCCC của tỉnh cũng phải mất 25 phút mới tới hiện trường.
Đối với một nhà máy lọc dầu thì nguy cơ cháy nổ là rất cao nên BSR đã thành lập hẳn một đội PCCC túc trực 24/24h ngay tại nhà máy. Đội PCCC gồm 50 nhân sự và 4 xe chữa cháy để có thể tạm thời ứng phó đợi hỗ trợ của PCCC tỉnh trong những trường hợp có cháy lớn. Đặc biệt những chiến sĩ này chính là người lao động của nhà máy.
Hàng năm, đội PCCC của nhà máy được Cảnh sát PCCC của Quảng Ngãi đào tạo nâng cao và kiểm tra trình độ. Đội còn được tham gia các khoá đào tạo của các chuyên gia nước ngoài của Petronas (Malaysia) hoặc SK Energy (Hàn Quốc). Ngoài đơn vị PCCC cơ sở còn có hơn 150 kỹ sư, công nhân làm việc trực tiếp tại các khu vực sản xuất được đào tạo về PCCC như kỹ năng ứng phó sự cố tại chỗ.
Nếu ai đến nhà máy lần đầu tiên thì họ sẽ nghĩ ngay rằng đây là một “lò đào tạo robot”, bởi mọi sinh hoạt, cung cách làm việc đều được chuẩn chỉnh không sai một li, mọi thứ đều phải theo những quy trình cực kỳ nghiêm ngặt, và không có sự “du di” ở đây. Trong khuôn viên nhà máy, chỉ cần hút một điếu thuốc là sẽ bị phạt 50 triệu, và cấm vĩnh viễn vào nhà máy.
Nhưng chỉ có những ai đã và đang làm việc, sống tại nhà máy mới hiểu được rằng, nhờ những quy định đó mà an toàn cho nhà máy luôn được đảm bảo và quan trọng nhất chính là tính mạng của những người lao động tại đây. Để vào khu vực nhà máy là một quy trình cực kỳ nghiêm ngặt, tỉ mỉ và mọi ý kiến, quyết định đều phải bằng văn bản. Hàng năm, việc cán bộ, công nhân của nhà máy phải học khoá đào tạo an toàn sáu tháng một lần và chứng chỉ là văn bản chứ không có lưu trên máy tính.
Mỗi cán bộ, công nhân làm việc trực tiếp tại nhà máy đều phải tuân theo các quy định như không được mang điện thoại di động, thuốc lá, bật lửa, diêm vào nhà máy, tất cả đều phải để trong tủ cá nhân ngay cổng vào. Chỉ cán bộ điều hành hoặc giám sát mới được phép sử dụng điện thoại di động loại đặc biệt chống va đập, chống nước và chống cháy nổ.
Ngay cả phóng viên vào tác nghiệp dù có công văn, có giấy của cơ quan thì cũng phải làm hết các thủ tục, giấy tờ rồi ngồi học một khoá an toàn ngắn hạn dài 1 tiếng, sau đó làm bài kiểm tra. Chỉ cần sai một câu là mất ngay cơ hội vào nhà máy. Các thiết bị như máy ảnh khi mang vào cũng được kiểm tra rất kỹ càng từ viên pin, sau đó được dán tem đã qua kiểm duyệt mới được mang vào nhà máy.