Những người đi thắp sáng vùng biên cương

15:37 13/06/2019
Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp tới thăm xã Phìn Ngan, một trong những địa bàn vùng sâu, vùng xa và là vùng biên giới thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đến Phìn Ngan hôm nay, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy ánh điện được thắp sáng tại các thôn bản, những máy móc phục vụ nông nghiệp của người dân chạy ro ro ngày đêm không nghỉ. 


Gian khó đưa điện về vùng biên

Chúng tôi bắt đầu lên xe đi Phìn Ngan khi mà thành phố Lào Cai vẫn còn đang ngái ngủ. Chiếc xe 16 chỗ chở chúng tôi theo sát đoàn xe của những người công nhân Điện lực Bát Xát với đầy đủ dụng cụ, thiết bị, vật tư và máy biến áp đi thực hiện nhiệm vụ nâng công suất TBA từ 31 kVA lên 100 kVA tại địa bàn thôn Sùng Vui, xã Phìn Ngan.

Quãng đường hơn 30 km từ trung tâm thị trấn huyện Bát Xát tới Phìn Ngan hiểm trở, gập ghềnh, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là bờ vực chênh vênh với nhiều đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe đi qua. Nhiều đoạn vướng "ổ voi, ổ gà", đá lởm chởm, dốc dựng đứng trơn tuột, nhiều chỗ có cây rừng ngã đổ chắn ngang đường khiến chúng tôi phải luôn hỗ trợ nhau mới có thể cùng vượt qua được.

Hành trình kéo điện lên vùng cao của người thợ điện Lào Cai tới xã Phìn Ngan.

Anh Nguyễn Lý Lăng - Đội trưởng Đội Quản lý Tổng hợp số 1, Điện lực Bát Xát, Công ty Điện lực Lào Cai chia sẻ: "Vào mùa nắng nóng, đường núi thế này vẫn là dễ đi vì còn có thể sử dụng phương tiện để di chuyển. Gian khổ nhất là khi vào mùa mưa bão, với địa hình hiểm trở, bão quật đổ cây cối và sạt lở đất bất cứ lúc nào. Những lúc như thế, anh em trong Đội buộc phải đi bộ, mang theo bánh mì, cơm nắm và nước uống vì quanh Phìn Ngan không có quán xá gì, thậm chí nhà dân dọc tuyến đường cũng không có. 

Chỉ 30 km đường thôi, nhưng nhiều khi anh em phải đi mất cả ngày mới vào tới nơi. Gian khổ là thế, nhưng bất kể ngày hay đêm, nắng nóng hay băng giá và cả khi trời mưa bão, bất cứ lúc nào bà con nơi vùng núi này gọi báo sự cố về điện thì Đội Quản lý Tổng hợp số 1, thuộc Điện lực Bát Xát sẽ ngay lập tức lên đường để sửa chữa điện một cách nhanh nhất".

Nhắc lại những ngày đầu gian khó khi Công ty Điện lực Lào Cai đưa lưới điện quốc gia về các thôn bản thuộc xã Phìn Ngan, anh Lăng bồi hồi nhớ lại: "Giai đoạn trước 2007, đường vào các thôn bản thuộc Phìn Ngan cực kỳ khó khăn nên Điện lực Bát Xát không thể đưa máy móc và phương tiện vào sâu trong địa bàn. Toàn bộ nguyên vật liệu phục vụ cho thi công và vật tư, trang thiết bị đều phải khiêng vác theo cách thủ công nhất. 

Ngày ngày, bất kể mưa rừng hay nắng nóng, hàng trăm công nhân ngành Điện cùng những người dân tộc Dao tại địa phương cứ lầm lũi, gùi trên lưng từng địu cát, sỏi, xi măng và dùng tời để kéo cột điện vào từng thôn bản. Chỉ bằng cách thô sơ thế thôi mà tổng cộng đã có gần một nghìn cột điện lớn nhỏ và hàng trăm tấn nguyên vật liệu đã băng qua rừng có mặt tại các vị trí cần phải dựng cột".

Vận chuyển đã khó nhưng thi công lại còn gian nan hơn nhiều. Toàn bộ từ khâu tạo mặt bằng, đào hố móng, đổ bê tông, kéo cột và dây điện về nhà dân đều được thực hiện bằng sức người. Đặc biệt, có thời điểm dựng cột vào mùa khô nên nước lại càng khan hiếm, anh em công nhân buộc phải đi tìm đến các khe suối, hứng từng phuy nước về đổ bê tông và dùng cho sinh hoạt. 

Cuối năm 2007, khi các thôn bản của Phìn Ngan được đóng điện quốc gia, những người trực tiếp tham gia thi công mới dám tin vào sự thành công của con đường mang ánh điện tới các thôn bản xa xôi này. Có điện lưới quốc gia - điều mà trước đây bất cứ người dân nào cũng chỉ nghĩ đó là một giấc mơ khó trở thành hiện thực. 

Cuộc sống người dân khởi sắc khi có điện

Xã Phìn Ngan hiện có trên 600 hộ dân sinh sống với hơn 2.500 nhân khẩu, trong đó, 100% người dân là người dân tộc Dao. Ngày điện về với các thôn bản, tất cả người dân trong xã như vỡ òa trong niềm vui sướng, bởi ước mong có điện từ bao đời nay đã trở thành hiện thực. Điện không những làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân mà đã mở ra biết bao hy vọng, xóa đi cái đói, cái nghèo đã từng đeo bám biết bao thế thế hệ người dân nơi đây.

Nhiều đoạn đường xấu, công nhân Điện lực Bát Xát đi bộ vào thôn Sùng Vui, để sửa chữa sự cố lưới điện

Chị Tẩn Khờ Mẩy, thôn Sải Duần hồ hởi chia sẻ: "Từ khi có điện, gia đình tôi đã cố gắng mua một máy xay xát để phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi. Có máy xay xát, gia đình đã giảm được nhiều sức lao động. Như trước đây, muốn xát gạo, xát ngô thì gia đình phải giã bằng tay, tốn rất nhiều công sức. Khi có máy xát điện rồi, nhà tôi đã nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm để bán và đã thoát được cái nghèo".

Điện về đã giúp Phìn Ngan "thay da đổi thịt". Ông Tần Láo Tả - Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan không giấu nổi niềm vui và cho biết: "Từ khi có điện lưới quốc gia, đời sống của người dân nơi đây đã từng bước được nâng cao. Bà con được tiếp cận các thông tin truyền thông tốt hơn cũng như có điện phục vụ sản xuất. Có thể nói, từ lúc có điện lưới về, địa phương đã thực sự thoát nghèo. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế chăn nuôi, xay xát, sản xuất gạch không nung được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân".

Chiều muộn, chúng tôi rời Phìn Ngan, nhìn ánh điện sáng bừng dưới mỗi nếp nhà, chúng tôi mới hiểu nơi mảnh đất phên dậu tổ quốc này, cuộc sống đang đổi thay nhờ có điện.

Tuấn Anh

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文