Petrolimex đã sai phạm những gì?

12:54 04/03/2016
Trong những sai phạm được báo chí đưa tin gần đây liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì doanh nghiệp này đã sai những gì? Được biết, hiện Thanh tra Chính phủ cũng chưa đưa ra bản kết luận thanh tra cuối cùng để trình Thủ tướng, dù trước đó Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một buổi làm việc với các bên về bản thanh tra trên; sau đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chủ trì một buổi họp về vấn đề này.

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân ngày 3-3, đại diện Petrolimex từ chối bình luận về những điểm được nêu trong kết luận thanh tra, cho biết tất cả các kiến nghị đã được Tập đoàn này báo cáo bằng văn bản.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng mới chỉ dừng lại ở việc “đang cho anh em kiểm tra”, chưa có bình luận gì thêm, dù Bộ đã cùng với các bên liên quan có nhiều cuộc họp về vấn đề này, và được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cùng với các bên làm rõ những điểm còn thiếu thống nhất.

Bên cạnh đó, chính liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng là một đối tượng được nhắc đến trong kết luận thanh tra, khi đã không xác định và công bố giá xăng dầu thế giới là không đúng với chức trách, nhiệm vụ theo Nghị định 84 của Chính phủ, dẫn đến khó kiểm soát việc xây dựng giá cơ sở và quyết định giá bán lẻ của các thương nhân đầu mối. Riêng Bộ Tài chính đã có văn bản cá biệt cho phép Petrolimex hạch toán theo tỷ giá bán ra của Vietcombank, sai với quy định.

Về phía Petrolimex, đơn vị này cũng được cho rằng đã có một số sai phạm trong quản lý dẫn đến làm méo mó giá cả xăng dầu, như ban hành định mức hao hụt cao hơn thực tế từ 35 - 48%, hạch toán vào giá vốn tại công ty mẹ, làm tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ 310 tỉ đồng, tạo thu nhập cho các công ty xăng dầu thành viên bất hợp lý.

Ngoài ra, Petrolimex cũng thuê tàu chở xăng dầu của chính công ty thành viên với giá cao hơn, làm tăng chi phí vận chuyển 379 tỉ đồng. Công tác quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ - Petrolimex với các công ty xăng dầu thành viên chưa tuân thủ quy định, không phù hợp giá bán do liên bộ điều hành, thể hiện ý chí chủ quan trong quyết định giá, dễ phát sinh tiêu cực.

Chưa kể đến việc Petrolimex đã tính chi phí bảo hiểm và chi phí vận tải trong cơ cấu giá xăng dầu chênh lệch nhiều so với thực tế. Cụ thể, từ quý 2/2010 đến tháng 6-2013, liên Bộ Tài chính - Công thương đã điều hành giá theo chi phí vận tải và phí bảo hiểm là xăng RON 92 là 2,5 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 2,5 USD/thùng, dầu hỏa là 3 USD/thùng..., nhưng thực tế xăng RON 92 là 1,79 USD/thùng, dầu diesel 0,05S là 1,56 USD/thùng, dầu hỏa là 1,69 USD/thùng.

Kết quả, trong giai đoạn này, chi phí vận tải và bảo hiểm trong cấu thành giá cơ sở cao hơn thực tế 67,6 triệu USD, đội vào giá. Petrolimex cũng đã áp dụng giá bán lẻ vùng 2 (địa bàn xa xôi, có chi phí vận chuyển cao) sai quy định, dù Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 32/2008 bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2, làm phát sinh thêm khoản tiền 2.796 tỉ đồng.

Petrolimex được Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều sai phạm.

Petrolimex cũng được kết luận đã làm sai khi vẫn trích quỹ khen thưởng phúc lợi cho 11 công ty bị xử phạt về thuế với số tiền hơn 19,8 tỷ đồng. Việc đầu tư vào một số đơn vị của Petrolimex từ năm 2010 được kết luận còn kém hiệu quả như: Công ty CPTM Tuyên Quang 892 triệu đồng, Công ty TNHH Hóa chất PTN hơn 34 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Vân Phong hơn 3,8 tỷ đồng chưa có cổ tức…

Về đầu tư ngoài ngành, Petrolimex cũng có một số sai phạm, như năm 2010, đầu tư 51 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP bất động sản Petrolimex không có sự chấp thuận của chủ sở hữu vốn nhà nước. Từ năm 2010 đến tháng 7-2012 đã đầu tư 656 tỷ đồng vào PG Bank; 171,3 tỷ đồng mua cổ phiếu của Công ty CP bảo hiểm Petrolimex, cũng không có sự chấp thuận của đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Về quản lý tài sản, vốn, một số sai phạm cũng được chỉ ra. Có thể kể đến trong quá trình trả nợ, các khoản vay ngắn hạn ngân hàng bằng ngoại tệ, công ty mẹ đã hạch toán nhầm lẫn giữa khoản vay này với khoản vay khác, do các khoản vay ở các thời điểm khác nhau nên tỷ giá hạch toán khác nhau, nên việc phản ánh chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phát sinh bị sai lệch.

Quá trình thực hiện cổ phần hóa DN, khi đối chiếu công nợ ngoại tệ với các ngân hàng, Công ty mẹ mới phát hiện việc hạch toán nhầm lẫn. Cụ thể, 18 khế ước có tỷ giá hạch toán lớn hơn tỷ giá thực tế ngày trả nợ với tổng số tiền 778 triệu đồng; 46 khế ước có tỷ giá hạch toán thấp hơn tỷ giá thực tế ngày trả nợ với tổng số tiền hơn 11,8 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ cho rằng, công tác quản lý vốn ngoại tệ của Công ty mẹ chưa chặt chẽ, hạch toán thiếu chính xác, dẫn đến việc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu ở các thời điểm thiếu chính xác…

Về xử lý kinh tế, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý 1,191 nghìn tỷ đồng và hơn 310 nghìn USD. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý đối với 2 vụ việc xảy ra năm 2008: Việc Tổng giám đốc Công ty Vipco đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Thiên Lộc Phú, dẫn đến số tiền hơn 18 tỷ đồng phát sinh không thu hồi được do bị Giám đốc Công ty Thiên Lộc Phú là Phạm Ngọc Sơn chiếm đoạt tiêu xài vào mục đích cá nhân; việc Tổng giám đốc và Kế toán trưởng Công ty Vipco chuyển số tiền 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đến nay không thu hồi được; đồng thời điều tra, xử lý hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 18 tỷ trên đối với ông Phạm Ngọc Sơn và số tiền 483 triệu đồng đối với bà Dung. Tuy nhiên, đây chưa phải là những kết luận cuối cùng.

Nam Phương

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文