Phải đảm bảo an toàn môi trường trong phát triển nhiệt điện than
- Đề xuất cơ chế xử lý hàng chục triệu tấn xỉ của nhà máy nhiệt điện than
- Kiến nghị loại bỏ 25 nhà máy nhiệt điện than ra khỏi quy hoạch
- Bài toán chất thải nhiệt điện than đã có lời giải
- Nguy cơ đóng cửa nhà máy nhiệt điện than vì... không còn nơi đổ xỉ thải
Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 30 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, chủ yếu ở phía Bắc. Trong Nam mới có Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, tổ máy 1 của Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 1 và 3. Nguồn nhiệt điện than ở Việt Nam đã và đang chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội. Theo dự báo đây vẫn là nguồn chính trong đảm bảo cung cấp năng lượng điện thời gian tới.
Nhiệt điện than giữ vai trò chính đến năm 2030
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện phải đạt 60.000 MW, đến năm 2025, đạt 96.500 MW, năm 2030, đạt 129.500 MW. Như vậy trong 2 năm nữa, chúng ta phải hoàn thành, đưa vào vận hành hơn 13.000 MW. Giai đoạn từ năm 2020 - 2030, mỗi năm cần xây dựng mới trên 6.000 MW nguồn điện.
Tuy nhiên báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, tính đến cuối tháng 6-2018, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống mới đạt 46.900 MW, trong đó nguồn điện của EVN chiếm gần 60%, số còn lại là của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và các nhà đầu tư BOT nước ngoài và tư nhân.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), đến năm 2020, nhiệt điện than với quy mô 25.620MW chiếm 42,7% công suất, cấp 130,2 tỷ kWh chiếm 49,3% điện năng toàn hệ thống. Năm 2030, nhiệt điện than có tổng công suất 53.890MW chiếm 42,6% tổng công suất, cấp 304,3 tỷ kWh chiếm 53,2% điện năng toàn hệ thống.
Các dự án nhiệt điện than nếu có giải pháp làm chủ công nghệ, xử lý và kiểm soát tốt thì sẽ không còn gây tác hại đến môi trường, con người, sinh vật. |
“Trên cơ sở phân tích tỷ trọng các dạng nguồn năng lượng điện trong Quy hoạch điện VII, có thể khẳng định nhiệt điện than hiện tại và trong thời gian đến năm 2030 vẫn giữ vai trò chính trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng điện cho Hệ thống điện toàn quốc”, đại diện TKV cho biết.
Trên thực tế, nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng điện, tuy nhiên các dự án nhiệt điện than đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điển hình là vấn đề môi trường.
Hiện đang có một số quan điểm cho rằng các nhà máy nhiệt điện đốt than là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư xung quanh nhà máy. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng gặp khó khăn do không nhận được sự ủng hộ của địa phương, người dân nơi dự kiến xây dựng nhà máy.
Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, khi lập các dự án đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các giải pháp xử lý tro xỉ, khí thải, chất lỏng... phải tuân thủ quy chuẩn về môi trường mới được phê duyệt.
Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành, chủ đầu tư luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Do đó nếu cho rằng, cứ phát thải là nguy hiểm thì sẽ “cực đoan” đối với nhiệt điện và theo các kết quả thí nghiệm thành phần than, tro xỉ không chứa chất độc hại, tro xỉ là vật liệu xây dựng rất tốt.
Cần giải pháp tốt về công nghệ
Theo một số chuyên gia hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện than vẫn đang vận hành bình thường trong khu vực dân cư như các nhà máy nhiệt điện tại thành phố Uông Bí (Quảng Ninh), Cao Ngạn (Thái Nguyên)… Do đó, nếu có giải pháp làm chủ công nghệ, xử lý và kiểm soát tốt thì sẽ không còn gây tác hại đến môi trường, con người, sinh vật.
Ông Lê Văn Lực cho rằng, đảm bảo môi trường là điều Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm trước hết. Với nhiệt điện than, vấn đề đảm bảo môi trường, xử lý phát thải tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường. Thậm chí, nếu nhà máy được trồng cây, đầu tư xây dựng cảnh quan sẽ không khác gì những công viên, hay các khu resort.
Thời gian tới, việc duyệt dự án đầu tư phải hết sức chọn lọc. Từ công nghệ nhà máy chính đến các giải pháp công nghệ, thiết bị xử lý môi trường đối với tro xỉ, khói thải và nước thải đều phải được kiểm soát, giám sát (online) chặt chẽ. Nếu chúng ta làm chủ và lựa chọn được công nghệ phù hợp thì vấn đề môi trường không đáng lo ngại.
Theo ông Phạm Trọng Thự, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo môi trường đã được ban hành đầy đủ, công nghệ hiện đại và ý thức của nhà đầu tư cũng tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về quy chế nên lĩnh vực này đến nay vẫn còn chậm phát triển, gây khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện cũng như các doanh nghiệp phụ trợ.
Lượng tro xỉ tồn dư từ các nhà máy nhiệt điện ngày càng lớn đang ảnh hưởng xấu tới môi trường, cơ bản vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Để đảm bảo môi trường đối với tro xỉ tại các nhà máy nhiệt điện, thời gian qua Chính phủ đã đưa ra những chính sách, quy định về xử lý tiêu thụ, giải phóng khỏi bãi xỉ. Theo quy định, việc đầu tư bãi chứa tro, xỉ, thạch cao thải ra của các nhà máy nhiệt điện than với sức chứa tối đa 2 năm là thách thức lớn đối với các dự án nhiệt điện than...
Hiện, tro xỉ các nhà máy nhiệt điện than phía Bắc (sử dụng than nội địa) về cơ bản đã được xử lý và tiêu thụ (làm phụ gia bê tông, clinke, vật liệu không nung…). Còn một vài nhà máy có vướng mắc là nhiệt điện Mông Dương, nhiệt điện Cẩm Phả 1,2 đang được chủ đầu tư tìm giải pháp xử lý và tiêu thụ. Trong miền Nam, nhiệt điện Vĩnh Tân và Duyên Hải, cũng dùng than nội địa từ miền Bắc chuyển vào nhưng sản phẩm tro xỉ còn mới nên chưa được đầu tư sử dụng nhiều. Thị trường chưa quen sử dụng nên còn khó khăn trong xử lý, tiêu thụ.
Cần chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào điện gió Chuyên gia tư vấn về năng lượng gió của Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) Nguyễn Thế Mịch cho rằng, Việt Nam hiện có khoảng 60-70 dự án điện gió với tổng công suất đầu tư lên tới khoảng 700 MW, song điều đáng lưu ý là số dự án đang triển khai thực tế còn khá hạn chế. Có dự án mới ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, có dự án đã bắt đầu những bước tiếp theo nhưng còn cầm chừng, chờ những chính sách phù hợp… Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên, khuyến khích nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Các cơ chế này giúp tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam có nhiều khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn chậm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 7 dự án điện gió với tổng công suất khoảng 190 MW được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, các nước trên thế giới đều đã phát triển và tận dụng thành công những lợi ích từ điện gió. Gần đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ đối với lĩnh vực này và thu được những kết quả ngoài mong đợi. Theo ông Thành, sự chậm trễ này là do vẫn còn nhiều rào cản trong phát triển điện gió. Đó là, khó khăn về sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ mới và hiệu quả, nguồn dự phòng… “Hiện giá điện gió chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Bộ Công Thương đang nghiên cứu để đưa ra một giá điện gió hài hòa hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các nguồn năng lượng tái tạo và phù hợp với công nghệ hiện nay trên thế giới”, ông Thành nói. Tổng thư ký Hiệp hội Điện gió Toàn cầu (GWEC) Steve Sawyer cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả, minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm. Nếu GWEC có thể hợp tác với Chính phủ Việt Nam giải quyết một số vấn đề về quy định pháp lý, ngành điện gió Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn, đồng thời giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế. Để ngành điện gió Việt Nam có thể phát triển, đại diện các Tổ chức khuyến nghị, hợp đồng mua bán điện (PPA) cần được chuẩn hóa; Quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư. Đồng thời, cần quy hoạch trước hạ tầng lưới điện, đảm bảo bổ sung nguồn năng lượng điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Phan Đức |