Tăng phí xả thải công nghiệp sao cho hiệu quả?
- Gian nan cuộc chiến chống thực phẩm bẩn và xả thải
- Cần xem lại quy định về mức định lượng xả thải trong cấu thành tội phạm
- Kêu gọi các nhà khoa học kiểm chứng xả thải từ nhà máy giấy Lee&Man
Bổ sung 530 cơ sở y tế, xử lý rác phải nộp phí
Trình bày dự thảo đề án, ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) cho hay, các DN trong diện nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải gồm 16 nhóm cơ sở như: chế biến nông lâm thủy sản; thực phẩm; thuộc da; bột giấy; cao su; cơ khí; luyện kim; nhà máy cấp nước sạch; cơ sở sản xuất khác…
Hiện trên địa bàn có gần 2.800 cơ sở sản xuất (thuộc 16 nhóm) đang nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (tổng lưu lượng khoảng 143.430m³/ngày đêm). Mỗi năm, TP thu 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ sở y tế có phát sinh nước thải y tế (523 cơ sở, thải hơn 22.260m³/ngày đêm) và cơ sở xử lý chất thải rắn (thải hơn 7.880m³/ngày đêm) lại không thuộc đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.
Các đại biểu băn khoăn về con số và cách dẫn giải của Sở TN-MT còn sơ sài, nội dung không cụ thể, chính xác. |
Ngoài ra, TP cũng đề xuất tăng cách tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng thu tăng phí nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí và tác động đến hành vi giảm xả nước thải ô nhiễm. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có tổng lượng nước thải dưới 5m³/ngày đêm thì nộp mức phí cố định là 1,5 triệu đồng/năm. Các cơ sở có tổng lượng nước thải từ 5m³/ngày đêm trở lên thì sẽ áp dụng thêm hệ số K về lưu lượng nước thải. Đặc biệt, mức phí được tính tăng theo tỷ lệ thuận với hàm lượng chất gây ô nhiễm có trong nước thải.
Theo tính toán, sau khi bổ sung, tổng số các cơ sở phải đóng phí là 3.310 cơ sở. Tổng lượng nước thải của các cơ sở thải ra khoảng 173.000m³/ngày đêm.
Ông Hiền cho rằng, việc tăng mức phí được cho sẽ tác động một phần đến đời sống xã hội, có thể làm gia tăng mức phí các dịch vụ liên quan đến y tế, xử lý rác (do đối tượng phát sinh phải đóng phí), từ đó tác động đến người dân. Tuy nhiên mặt được là sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức về bảo vệ môi trường, khuyến khích tiết kiệm nước, đầu tư hệ thống xử lý nước thải giảm thiểu ô nhiễm thải ra môi trường và tạo sự công bằng giữa các đối tượng nộp phí.
Băn khoăn đề án chưa đủ số liệu để phản biện
Phản biện lại nội dung đề xuất trong dự thảo, ông Trần Thanh Hồng (đại diện KCX Tân Thuận) lo ngại, đề án cần dẫn chứng số liệu cụ thể và không đánh đồng như nhau. Nếu không sẽ tạo ra thêm gánh nặng cho DN.
Dẫn chứng chi tiết, TS. Lê Đặng Trung cho biết: “Đối tượng phải nộp phí là bao nhiêu và đã thu được bao nhiêu. Con số này rất quan trọng. Chỉ mới thu gần 2.800 cơ sở thôi. Tôi tin là còn nhiều cơ sở chưa thu, có khi lên đến hàng ngàn cơ sở. Con số chưa thu cực kỳ lớn. Phần không thu được hiện đang xả thải rất nhiều. Phương thức thực hiện thu như thế nào là cực kỳ quan trọng, cần phải đưa vào đề án. Cách làm sơ sài này không thuyết phục được người dân và DN bị chịu ảnh hưởng của dự thảo.
TS. Trương Minh Huy Vũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Trường ĐH KHXHNV TP băn khoăn, TP có đủ cơ sở dữ liệu bao nhiêu % DN đang nằm trong diện nộp phí xả thải. Tiếp đó là cách đo lường thực hiện, tổ chức triển khai.
Đại biểu Tống Hữu Châu - Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật và môi trường TP cho rằng, việc đưa đối tượng các cơ sở y tế, khám chữa bệnh vào diện bị thu phí nên xem xét vì, TP đã yêu cầu các bệnh viện lớn xây dựng hệ thống xử lý rồi. Xét cho cùng mục tiêu cuối cùng của đề án vẫn nhằm làm cho môi trường tốt hơn, người dân được hưởng lợi. Vì vậy TP nên có chủ trương bắt buộc các cơ sở y tế nếu chưa có xử lý nước thải thì phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải trong quý 3 hoặc cuối năm 2018. Ngoài ra, cần phải tăng hệ số tính ô nhiễm đối với đơn vị xả thải. Nguyên tắc xả thải ô nhiễm càng nhiều thì hệ số tính phải càng lớn; đặc biệt danh mục các chất ô nhiễm phải được tăng lên thay vì chỉ có 6 chất như trong đề án.