Ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy phát triển nông nghiệp
- Nhiều rào cản chính sách đất đai cản trở phát triển nông nghiệp
- Nhiều ưu đãi khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Thủ tướng: Không được để thiếu vốn phát triển nông nghiệp
- Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên - góc nhìn từ các nông dân tỷ phú
- Phát triển nông nghiệp: Cần có hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp
- Hà Nội: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Tại hội thảo “Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng nông sản vì một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức ngày 17-12 ở TP Hồ Chi Minh, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó chủ tịch Liên Hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới đã và sẽ tiếp tục mang lại giải pháp đột phá dựa trên nền tảng công nghệ để giải quyết các thách thức của phát triển hiện nay, trong đó nông nghiệp và biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực được quan tâm.
Công nghệ thông tin đã giúp tạo ra nhiều hệ sinh thái mới cho các sản phẩm nông sản, công nghệ sinh học và nano giúp tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, giúp giải quyết nhiều khâu của ngành nông nghiệp tự sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
TS Phạm Thị Hồng Yến – Liên minh HTX Việt Nam (VCA) cho rằng, năm 2019 xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt kỷ lục 41,3 tỷ USD, thặng dư 9,5 - 10 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí cường quốc xuất khẩu nông sản.
Có 7 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, hạt điều, trái cây, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam tăng khoảng 0,26 độ C mỗi thập kỷ, mực nước biển tăng, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên gây bất lợi lớn cho nông nghiệp Việt Nam.
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, Việt Nam là nước đứng đầu về những hậu quả nặng nề liên quan tới dân số và tăng trưởng GDP trong 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển, đứng thứ hai về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp.
Dự báo đến năm 2050, sản lượng lúa giảm 1.475.000 tấn/năm, ngô giảm 880.000 tấn/năm, cà phê, gạo giảm 6,6%, sắn giảm 3,6%. Phần lớn vùng đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL chìm trong nước gây bất lợi lớn cho ngành thủy sản. Đây là thách thức lớn đối với HTX khi mà HTX đang còn khó khăn về vốn, công nghệ, nhân lực và thị trường.
Gian hàng triển lãm của 3 HTX: Bưởi da xanh (Bến Tre), thanh long (Bình Thuận) và nho Evergreen (Ninh Thuận) do dự án phát triển HTX Việt Nam (VCED) hỗ trợ |
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ tịch VCA cho biết: “Thời gian qua, VCA đã chủ động phối hợp các Bộ, ngành, cơ quan, và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước triển khai nhiều hoạt động trong phát triển khu vực kinh tế hợp tác, HTX tại Việt Nam, đặc biệt là gắn kết các HTX tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản có giá trị cao và giúp các HTX đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước. Những sản phẩm có nhãn mác rõ ràng, thương hiệu uy tín, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và sản phẩm thân thiện môi trường”.
Tại Việt Nam, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực, chiếm 14,57% tổng sản phẩm quốc nội, tạo việc làm chính cho nông thôn nhưng cũng là ngành “đóng góp” 19 - 29% phát thải khí nhà kính GHG.
Thời gian qua, mặc dù đã có những ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng để ngành nông nghiệp phát triển bền vững, không chịu tác động bởi biến đổi khí hậu thì cần ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ cao vào trong chuỗi cung ứng.
Tại hội nghị, một mô hình hợp tác mới ra đời đáp ứng yêu cầu này, đó là HTX cung cấp dịch vụ công nghệ 4.0 (COOP 4.0) với sự tham gia của 12 công ty công nghệ và 18 chuyên gia. Với việc tạo ra mô hình mới trong hợp tác kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân, COOP 4.0 sẽ cung cấp các công nghệ hiện đại, hỗ trợ toàn bộ chuỗi cung ứng đưa các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có giá trị cao và an toàn từ trang trại tới bàn ăn và xuất khẩu ra thế giới.