Vì sao lao động thất nghiệp chưa chú trọng học nghề?

08:47 17/03/2021
COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Trong bối cảnh đó, bảo hiểm thất nghiệp đã làm tốt vai trò hỗ trợ cho người lao động mất việc thời gian qua khi số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.


Các cơ quan chức năng đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho hơn 1,06 triệu người, với tổng số tiền trợ cấp hơn 18.200 tỷ đồng (mức hưởng bình quân là hơn 3 triệu đồng/người/tháng).

Không chỉ vậy, người hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, số liệu của Bộ LĐ-TBXH cho thấy, hiện chỉ có khoảng 5% số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lựa chọn học nghề, một con số rất thấp.

Nhiều lý do từ chối học nghề

Làm việc tại một hệ thống siêu thị điện máy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với việc các siêu thị điện máy hiện nay rất vắng khách phải thu gọn quy mô kinh doanh, chị Nguyễn Bích Thủy (Cầu Giấy- Hà Nội) rơi vào cảnh mất việc gần nửa năm nay.

Chị đã đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để làm hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có quyết định hưởng trợ cấp được 3 tháng. Chị Thủy cho hay, từ khi nghỉ việc chị cũng đã tìm hiểu xin việc ở một vài nơi nhưng chưa tìm được việc làm mới. Vừa tìm việc vừa bán thêm hàng online, mong muốn lớn nhất hiện nay là sớm tìm được việc làm mới bởi số tiền hàng tháng được hưởng từ trợ cấp thất nghiệp không thể đủ để đảm bảo cuộc sống.

“Cũng biết học nghề sẽ có lợi sau này, tuy nhiên hai vợ chồng cùng một con nhỏ, nhà vẫn đang phải đi thuê thì tìm việc làm mới vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi. Cũng may là công việc của chồng không bị ảnh hưởng nhiều, chứ nếu hai vợ chồng cùng phải nghỉ việc thì không biết sẽ ra sao. Lương của chồng, cùng khoản trợ cấp thất nghiệp của tôi phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Nếu giờ đi học nghề nữa thì không thể cáng đáng được”, chị Thủy chia sẻ.

Khác với lý do phải lo cơm áo gạo tiền hàng ngày của chị Thủy, anh Đặng Quang Huy (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh không chọn học nghề bởi chính sách học nghề không thực sự thu hút. Cũng là nhân viên kỹ thuật của một hệ thống siêu thị điện máy, phải nghỉ việc từ tháng 8 năm ngoái, cũng làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng khi được tư vấn học nghề anh đã từ chối bởi chính sách hỗ trợ học nghề không phù hợp.

“Từ lúc nghỉ việc, trong lúc tìm việc mới tôi đi làm bên ngoài cùng một vài nhóm thợ, gia đình nào cần lắp đặt, sửa chữa thì anh em bảo nhau làm. Tôi đã có nghề kỹ thuật điện tử điện lạnh rồi, cứ túc tắc làm chờ tìm chỗ làm mới. Nếu giờ chuyển đổi nghề khác thì phải mất một thời gian dài đi học, chính sách hỗ trợ học nghề mỗi người chỉ được khoảng 1 triệu/tháng, tối đa được 6 tháng. Số tiền ấy có khi chưa đủ để trả các khoản học ở trường nghề chứ chưa nói còn rất nhiều khoản khác. Sinh viên đi học giờ cũng phải tốn 3- 4 triệu một tháng, chả lẽ mình đi làm rồi và vẫn về xin tiền bố mẹ để tiếp tục học nghề”, anh Huy phân tích.

Tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề hiện đang rất thấp.

Cần tăng mức hỗ trợ         

Theo các chuyên gia về lao động, nguyên nhân chính dẫn tới thất nghiệp của người lao động hiện nay là do nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc trình độ tay nghề không đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.

Vì vậy, để có thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, việc học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp sang các nghề mà thị trường đang có nhu cầu cao hoặc nâng cao trình độ tay nghề đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Chính vì thế TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, người lao động không nên quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, bởi đây chỉ là lợi ích trước mắt. Tuy vậy theo TS Nguyễn Thị Lan Hương việc người lao động không mặn mà học nghề khi thất nghiệp cũng có lý do.

Phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông nên không có tích lũy về tài chính để học nghề. Mặt khác, mức hỗ trợ học nghề hiện chưa đáp ứng được mức học phí mà các cơ sở đào tạo nghề đang thực hiện.

“Mức hỗ trợ học nghề hiện nay thấp (hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên chưa đáp ứng được một số nghề trình độ trung cấp trở lên. Tại một số địa phương, người lao động ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo chưa phong phú, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, ít cơ sở dạy nghề,... nên chưa hấp dẫn người lao động tham gia học nghề. Người lao động không học nghề thì khó thoát thất nghiệp. Nhưng cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, thiết thực hơn để người lao động có thể tiếp cận thuận lợi hơn với các chương trình đào tạo nghề và đảm bảo tỷ lệ có việc làm sau học nghề ở mức cao thì mới thu hút được người thất nghiệp tham gia học nghề”, TS Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá.

Theo con số của Bộ LĐ-TBXH, cả nước hiện có khoảng 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, trong đó hơn 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề (chỉ chiếm 5%).

Đề cập đến con số này, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ LĐ-TBXH) cho biết, hiện Bộ đang căn cứ báo cáo của các địa phương để đưa ra các giải pháp nhằm tăng số người được hỗ trợ học nghề. Tuy nhiên, còn một số quy định trong luật hiện đang cần nghiên cứu sửa đổi như danh mục nghề được hỗ trợ đào tạo, về thời gian hỗ trợ học nghề,... cũng như chưa có cơ chế hỗ trợ cho các khóa đào tạo ngắn hạn.

“Bộ LĐ-TBXH cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thay thế Quyết định 77. Theo đó, mức hỗ trợ học nghề của người lao động được nâng lên so với quy hiện hành và linh hoạt hơn. Đối với các khóa học nghề ngắn hạn có kinh phí học nghề cao hơn, cố gắng làm sao đáp ứng được cơ bản nhất những nghề ngắn hạn mà trên thị trường hiện đang đào tạo", ông Trần Tuấn Tú cho biết.

Phan Hoạt

Sau gần 1 tháng xét xử và nghị án, sáng 21/4, HĐXX phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên giảm mức án cho bị cáo Trương Mỹ Lan từ chung thân xuống 30 năm tù, giữ nguyên  hình phạt 12 năm tù về tội “Rửa tiền” và 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Sáng 21/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng 11 bị cáo khác về tội tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan Công ty Trung Nam Thuận Nam. Bị cáo Hoàng Quốc Vượng chịu cáo buộc làm trái nghị quyết của Chính phủ, giúp các Công ty Trung Nam Thuận Nam và Công ty Solar Farm Nhơn Hải hưởng lợi bất chính hơn 1.043 tỷ đồng. Đổi lại, cựu Thứ trưởng được “lót tay” 1,5 tỷ đồng.

Chúng tôi đến với Lạng Sơn những ngày đầu tháng 4, dọc đường hoa gạo vẫn chưa hết rực đỏ. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ trên đường cao tốc từ Hà Nội tới thành phố Lạng Sơn, đi tiếp chừng 30 cây số nữa, chúng tôi đến với địa bàn xã biên giới Tân Thanh, huyện Văn Lãng - nơi mà trong ký ức của chúng tôi chục năm về trước, Tân Thanh luôn tấp nập, nhộn nhịp bởi những khu chợ biên giới sầm uất, mà bất cứ ai khi ghé thăm Lạng Sơn, dù đường đi có vất vả đến mấy cũng vẫn muốn được đến chợ cửa khẩu Tân Thanh để tranh thủ mua sắm.

Ngày 21/4, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản là Bentonite tại xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và khai khoáng Bảo Nguyên.

Với chiều dài hơn 60km, tổng mức đầu tư 4.600 tỷ đồng, dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay còn vướng mắc ở nhiều đoạn, tuyến do vướng khâu mặt bằng, buộc nhà thầu phải thi công “nhảy cóc”. Mặc dù chính quyền đã quyết liệt vào cuộc, song nhiều hộ gia đình vẫn cố thủ, không chấp thuận các phương án đền bù dẫn đến dự án chậm tiến độ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.