Cấm xe hợp đồng nhiều tuyến phố: Xử lý Grab, Uber không dễ
- Bộ GTVT chưa đồng ý cho Grabtaxi hoạt động tại 3 tỉnh Huế, Vũng Tàu và Lâm Đồng
- Grabtaxi hoạt động “chui” tại Huế
- Truy thu thuế Grab, Uber: Có thể sẽ phải cưỡng chế (!)
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của các hãng taxi truyền thống, mới đây Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có quyết định đảm bảo sự “công bằng” giữa taxi truyền thống và xe sử dụng dịch vụ hợp đồng điện tử như Uber, Grab.
Cụ thể, đến hết ngày 10-1, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chính thức hoàn thành việc cắm các biển cấm tích hợp taxi, các xe hợp đồng dưới 9 chỗ - trong đó có Grab, Uber - hoạt động trong các khung giờ từ 6-9h và 16h30-19h30.13 tuyến phố được cắm biển cấm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Một trong những biển cấm vừa được Sở GTVT Hà Nội cắm. |
Nhìn nhận về động thái của Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, bấy lâu nay taxi truyền thống đã chịu thiệt thòi với hàng loạt biển cấm vào giờ cao điểm, trong khi đó Uber, Grab lại “thoải mái” lưu thông. Việc cấm này sẽ giúp các loại hình cạnh tranh lành mạnh công bằng. Tuy nhiên, để có thể xử phạt nghiêm, cơ quan chức năng nên yêu cầu các xe chạy Uber hay Grab dán logo ở vị trí dễ nhìn hơn như hai bên cửa, với một kích thước to hơn, chứ như hiện nay cũng khó nhận diện.
Còn ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói: "Việc phân biệt đúng là hơi khó, tuy nhiên, các xe Grab, Uber theo quy định đều phải dán logo. Cảnh sát và thanh tra giao thông sẽ nhận diện qua logo để xử phạt. Còn nếu xe nào cố tình không dán logo mà đi vào đường cấm, khi bị phát hiện sẽ xử lý luôn cả hai lỗi".
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, dù chưa thể quản lý được hết hoạt động của Grab, Uber trong khung giờ cao điểm ở những tuyến cấm nhưng việc cấm này thể hiện rõ quan điểm của thành phố trong việc quyết liệt áp dụng các giải pháp chống ùn tắc.
Ông Viện cũng cho biết, các tuyến phố được cắm biển cấm là không cố định lâu dài. Tuyến nào giảm ùn tắc sẽ được dỡ bỏ biển cấm, ngược lại tuyến nào ùn tắc nghiêm trọng sẽ được bổ sung biển cấm loại hình xe vận tải hành khách.
Chiều 11-1, trao đổi với phóng viên Báo CAND, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) cho biết, trong ngày 11-1, đơn vị chưa xử lý được trường hợp vi phạm nào. Mà muốn xử lý cũng không dễ dàng vì nhiều xe chạy là xe cá nhân, nếu họ không chở khách, bỏ logo dán trên kính xuống thì “chịu”. Trước mắt trong những ngày tới, vị đội trưởng này cho rằng chỉ nên nhắc nhở.
Trong khi đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội lại tỏ ra bất ngờ trước hành động “cắm biển cấm” từ Sở GTVT Hà Nội. Trưởng phòng cho biết, trước khi cắm biển, phía Cảnh sát giao thông không nhận được thông báo cũng như kế hoạch đề nghị phối hợp của Sở GTVT Hà Nội.
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, việc xử lý: “Không dễ, nếu không muốn nói là khó”, vì xe hợp đồng dưới 9 chỗ, nếu bỏ tem thì không phân biệt được đâu là xe cá nhân, đâu là xe chạy hợp đồng điện tử.
Mặt khác, vào giờ cao điểm, lực lượng CSGT phải tập trung vào điều tiết giao thông, không thể cứ đứng mãi tại những tuyến phố cấm mà theo dõi từng xe để xử phạt, khi mà Hà Nội hiện có tới gần 40.000 xe chạy hợp đồng điện tử kiểu Uber, Grab.
Vậy nếu công tác xử lý khó thì việc cắm biển cấm có khả thi? Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Văn Viện tiếp tục khẳng định: “Khi đã đặt biển cấm thì chắc chắn chúng tôi sẽ có phương án xử lý nghiêm”.
Song vị này cũng cho biết thêm: Mục đích cắm biển trước hết là để tuyên truyền chứ không phải nhằm vào xử phạt. Sở GTVT Hà Nội đã có thông báo đến các đơn vị hoạt động Uber, Grab yêu cầu họ phối hợp thực hiện. Đồng thời yêu cầu các nhà mạng không kết nối các cuốc xe giữa khách và tài xế trong khoảng thời gian cao điểm và các tuyến đường nằm trong diện cấm.
Bộ GTVT không đồng ý cho Grabtaxi triển khai tại 3 tỉnh Bộ GTVT vừa có văn bản gửi tới Sở GTVT 3 tỉnh, thành gồm Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu và Lâm Đồng, trong đó nêu rõ, Bộ GTVT yêu cầu Công ty Grab taxi Việt Nam không triển khai thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng (Hợp đồng vận tải điện tử) trên địa bàn 3 tỉnh này. Không được làm việc trực tiếp với lái xe taxi để cung cấp dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khi chưa có sự đồng ý của đơn vị kinh doanh vận tải và Sở GTVT tại địa phương (bao gồm cả xe taxi). Khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Grabtaxi Việt Nam không mở rộng thí điểm tại các địa phương khác. |