Thái Lan bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ: Xuất khẩu của Việt Nam ra sao?

08:26 12/05/2016
Thái Lan bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ nhưng Xuất khẩu gạo của Việt Nam không bị ảnh hưởng Đó là khẳng định của lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khi trao đổi với PV Báo CAND sáng 11-5.


"Theo như công bố của Bộ Thương mại Thái Lan, trong lượng gạo... khủng mà Thái Lan xuất bán chỉ có khoảng 100.000 tấn gạo chất lượng tốt, còn lại 7,5 triệu tấn chất lượng dưới tiêu chuẩn phục vụ con người,1,5 triệu tấn dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp như ethanol, thức ăn gia súc và 2,4 triệu tấn mục, hỏng. Do vậy, việc này không ảnh hưởng đến hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam" - đang chuyến tìm hiểu thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp cao của Việt Nam tại châu Âu, qua điện thoại với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Chủ tịch VFA thông tin thêm.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, quyết định mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho của Chính phủ Thái Lan được Ủy ban Chính sách lúa gạo Quốc gia Thái Lan (NRPC) phê chuẩn từ tháng 4-2016 vừa qua. Và Bộ thương mại Thái Lan đã công bố thông tin này một tuần trước khi bắt đầu thực hiện một loạt phiên đấu giá ngay từ đầu tháng 5 này và kéo dài đến hết tháng 6-2016. 

Theo phê chuẩn của NRPC, trung bình mỗi phiên đấu giá, nước này sẽ bán 1 triệu tấn gạo. Mục tiêu của việc mở bán 11,4 triệu tấn gạo lưu kho mà Thái Lan kỳ vọng "cầm chắc trong tầm tay" là thu về 100 tỷ baht (2,86 tỷ USD) nhằm bù vào khoản lỗ trước đó mà nước này gánh chịu trong đợt mua gạo dự trữ.

Người dân Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch lúa.

Thực tế, việc bán gạo dự trữ một cách ồ ạt của Thái Lan từng diễn ra. Gần đây nhất là vào gần giữa 2014, Thái Lan từng bán 5,05 triệu tấn gạo giá rẻ sang các nước châu Phi, thu về 1,5 tỷ USD. Việc "bán tháo" gạo lưu kho của Thái Lan được thực hiện mạnh mẽ nhất là khi ông Prayut Chan-ocha làm Thủ tướng vào gần cuối tháng 5-2014. Khi đó, tổng lượng gạo dự trữ của nước này đã lên đến 18,7 triệu tấn. Đây là số gạo còn tồn kho từ chương trình thế chấp lúa gạo Chính phủ của cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, được mua trong những năm 2012 và 2013. 

Ông Prayut Chan-ocha chủ trương tăng mạnh lượng gạo bán ra thị trường thế giới; đồng thời dừng chương trình dự trữ lúa gạo của những người tiền nhiệm. Với con số 11,4 triệu tấn gạo bán ra trong vòng 2 tháng, cao hơn cả tổng lượng gạo xuất khẩu (XK) trung bình mỗi năm của suốt hai thập kỷ qua, NRPC khẳng định đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử XK của một quốc gia có nhiều năm giữ vị trí "nhà vô địch" về XK lúa gạo của thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Thái Lan đã rất cân nhắc khi chọn thời điểm "mở kho" bán 11,4 triệu tấn gạo. Dễ thấy nhất là phát nguồn từ nguyên nhân nhiều quốc gia sản xuất gạo XK, trong đó các đối thủ trực tiếp của Thái Lan là Ấn Độ và Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn hạn hán. Và một khi nguồn cung đang hạn chế, nhu cầu "ăn gạo" của các bạn hàng truyền thống có xu hướng tăng lên (Indonesia lại đang cần khoảng 1,5 - 2 triệu tấn) thì chắc chắn giá gạo được đẩy lên. Hay nói cách khác, Chính phủ Thái Lan đã chọn đúng "điểm rơi" tốt nhất để "bung hàng". 

Trong lần "xả hàng" này, không ít nhà quản lý, doanh nghiệp Việt Nam lo ngại nhất là khi biết trong nhiều năm qua, Thái Lan luôn duy trì lượng gạo tồn kho ở lượng lớn - một trong những yếu tố được xem là "ảnh hưởng trực tiếp" đến giá gạo thế giới. Và cách nay chưa lâu, Thái Lan từng gây ra một cú sốc về giá, kéo giá gạo thế giới đi xuống và có tác động đến các "đối thủ", trong đó có Việt Nam. 

Gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Ảnh: Hòa Hậu

Tuy nhiên lần này, dù lượng gạo khủng, lịch sử sẽ khó có thể lập lại bởi như đã kể trên, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ lượng gạo bán ra của Thái Lan là gạo chất lượng, còn lại là gạo "dưới chuẩn", tập trung vào những thị trường ít cạnh tranh với Việt Nam.

Đồng nhận định với lãnh đạo VFA, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, gạo của Việt Nam là gạo mới thu hoạch, chất lượng tốt nên được các bạn hàng truyền thống ưa chuộng hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp XK gạo của Việt Nam đã ký được các hợp đồng từ quý IV/2015. Lãnh đạo VFA cho biết những hợp đồng này đến nay vẫn chưa giao hết hàng, còn khoảng 1,4 triệu tấn gạo. Đó là chưa tính các hợp đồng ký mới trước thời điểm Thái Lan công bố "xả hàng".

Nhận định "không ảnh hưởng" hoặc "ảnh hưởng không nhiều" từ việc Thái Lan "xả kho", song các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cũng không được chủ quan, nhất là khi lợi thế cạnh tranh về giá của gạo nước ta không còn như các năm trước. Đáng mừng là sau khi Thái Lan công bố "xả kho", đã có nhiều phản ứng tích cực. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các bộ, ngành và DN XK gạo phối hợp chặt chẽ, nắm bắt diễn biến về giá gạo trên thị trường để có định hướng sản xuất từ nay đến cuối năm, không để ảnh hưởng đến tình hình XK gạo cũng như đời sống của nông dân.

Kết thúc quý I/2016, Thái Lan đã giành lại vị trí số 1 thế giới về XK gạo sau khi "qua mặt" Ấn Độ (chỉ 2,3 triệu tấn) với tổng lượng gạo XK là 2,85 triệu tấn, tăng 34% so với cùng kỳ 2015. Doanh thu từ lượng gạo XK trên là 44 tỷ baht (1,26 tỷ USD), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2015.

Đối với Việt Nam, theo Bộ NN&PTNT, tính chung 4 tháng đầu năm 2016, XK gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ 2015. Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của ta, tiếp đó là Indonesia. Một số thị trường khác có sự tăng trưởng mạnh là: Ghana, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Philippines, Bờ Biển Ngà...

Thái Bình

Đêm 21/11 rạng sáng 22/11, các tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) triển khai lực lượng tuần tra, xử lý xe quá tải lưu thông trên địa bàn đơn vị quản lý. Nhiều trường hợp vi phạm đã bị phát hiện xử lý, cánh tài xế “méo mặt” bởi mức phạt nặng.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文