Bình Dương từ vùng đất nông nghiệp lạc hậu trở thành tỉnh công nghiệp năng động

11:35 02/10/2024

Cuối tháng 9/2024, tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bình Dương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và trao quyết định phê duyệt quy hoạch nói trên.

Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 được chuẩn bị với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử. Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương; của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết tinh của quá khứ, hiện tại và tương lai; của kế thừa, đổi mới và phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Triển lãm tự động hóa ở Bình Dương vào ngày 26/9/2024.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

Quy hoạch tỉnh Bình Dương bao gồm toàn bộ diện tích địa giới hành chính của tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên là 2.694,64 km². Các đơn vị hành chính cấp huyện gồm 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát) và 4 huyện là Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.

Bình Dương hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm xây dựng khu vực này trở thành vùng văn minh, hiện đại và năng động. Là trung tâm hàng đầu về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ.

Bình Dương đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, là trung tâm phát triển năng động, dẫn đầu về khoa học công nghệ, công nghiệp và dịch vụ hiện đại. Hạ tầng đô thị phát triển thông minh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo đảm an ninh xã hội.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800USD; cơ cấu kinh tế năm 2030: ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%; ngành dịch vụ chiếm 28%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6%; tỷ lệ đô thị hóa 88-90%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP.

Một góc Khu công nghiệp VSIP 1 ở Bình Dương.

Về xã hội, dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%, trong đó có bằng cấp là 40%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 80%; số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 19 bác sĩ; đạt 35 giường/10.000 dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới dưới 1,0%.

Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị đạt 99% và tại nông thôn đạt 95%; chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt 60%; tỷ lệ nước thải các khu, cụm công nghiệp được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân số được cấp nước sạch đạt 100% đối với đô thị, phấn đấu đạt 80% đối với nông thôn.

Đặc biệt, mạng di động thế hệ mới được triển khai đảm bảo chất lượng phủ sóng 4G, 5G tại 100% khu, cụm dân cư và triển khai một số vùng phủ sóng di động thế hệ tiếp theo.

Bình Dương đặt tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, và là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp. Là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.​ 

Bình Dương sẽ phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là mở rộng các kết nối về giao thông, khoa học công nghệ, và nguồn nhân lực. Tỉnh sẽ tập trung vào việc mở rộng các kết nối giao thông tới cảng biển, cảng hàng không quốc tế và cửa khẩu quốc tế, tạo động lực cho sự chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước);

Kết nối về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực chuyển đổi hệ sinh thái phát triển kiểu mới, kết nối về không gian phát triển không gian động lực phía Nam, hợp tác phát triển các hành lang đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kết nối quốc tế để tăng cường vị thế, tham gia chuỗi sản xuất, dịch vụ toàn cầu, trở thành điểm đến ưa chuộng của doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.

Đồng chí Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Sau khoảng thời gian gần 30 năm (kể từ ngày tái thành lập tỉnh) viết nên câu chuyện thành công, Bình Dương luôn lấy tinh thần đổi mới sáng tạo, tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, nhất là sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp làm động lực, nguồn động viên to lớn trong việc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Mô hình phát triển của gần 3 thập kỷ đã biến một vùng đất nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu đã vươn mình trở thành một trong những địa phương hàng đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người … cùng với nhiều thành tựu quan trọng khác về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đó là vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, thử thách mới mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương cần phải nỗ lực vượt qua để viết tiếp câu chuyện thành công, chuyển hóa chất lượng tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Với quy hoạch tỉnh Bình Dương lần này sẽ tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mà mô hình phát triển của giai đoạn trước, cũng như đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với những khâu đốt phá mới; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

Tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng vừa được khánh thành.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau gần 30 năm tái thành lập, bộ mặt tỉnh Bình Dương thay đổi toàn diện, từ một tỉnh nghèo nay đã trở thành tỉnh công nghiệp năng động, có tốc độ đô thị hóa nhanh được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọ gắn bó đầu tư lâu dài.

Bình Dương là trung tâm công nghiệp lớn với 30 khu công nghiệp, 12 cum công nghiệp. Đặc biệt Bình Dương là nơi đầu tiên xây dựng khu công nghiệp Vsip, nay là một trong những điển hình kiểu mẫu về phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư của Việt Nam, biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Singapore.

Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn Bình Dương để đầu tư. Thủ tướng tin tưởng các dự án sẽ được triển khai thành công mang lại hiệu quả cao.

Để đạt được kết quả đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy sứ mệnh của doanh nghiệp trên tinh thần “cùng lắng nghe, thấu hiểu”; “chia sẻ tầm nhìn và hành động”, “cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển”, “cùng niềm vui hạnh phúc và niềm tự hào”.

Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác theo tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã thực hiện là có hiệu quả”

Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, số, chuyển giao công nghệ, tiên phong trong quản trị thông minh, hiện đại; tiên phong trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đóng góp ý kiến tham vấn cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt văn hóa, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, bảo đảm đời sống cho người lao động, an sinh xã hội.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Dương khẩn trương triển khai hiệu quả quy hoạch, đảm bảo tuân thủ và đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Điều phối, quản lý hiệu quả, bảo đảm liên kết, thống nhất và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng.

Tỉnh phải phổ biến, quán triệt bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng những thành quả từ tuy hoạch với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”.

Dương Bình

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文