Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng vượt khó, khôi phục sản xuất

09:16 24/10/2021

Từ đầu tháng 10/2021, khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhất là DN trong khu công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) đã khẩn trương khôi phục sản xuất, nỗ lực cung ứng các đơn hàng cho đối tác, đồng thời đón đầu những cơ hội mới trong những tháng cuối năm 2021.

Chính quyền TP tiếp tục có những hỗ trợ để các DN mở lại hoạt động, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể trong sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu CNC và các KCN Đà Nẵng, đến nay địa phương đã thu hút được 503 dự án đầu tư; trong đó có 373 dự án trong nước và 130 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ tháng 7/2021 đến nay, TP Đà Nẵng đã áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các DN chỉ được hoạt động với tối đa 50% lao động.

Riêng trong khoảng thời gian 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, các nhà máy chỉ được thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” với tối đa 30% số lượng lao động. Do nhiều yếu tố khách quan, nhiều DN thời gian qua đã phải tạm thời đóng cửa. Chỉ có 179 nhà máy hoạt động với tổng số lao động 15.075 người, giá trị sản phẩm công nghiệp chỉ đạt 14-30%, công suất hoạt động chỉ đạt 15-30% so với điều kiện bình thường. Giá trị xuất khẩu đầu năm đến nay suy giảm, chỉ ước đạt 90% , đóng góp ngân sách chỉ đạt 95% so với cùng kỳ năm 2020.

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, khu công nghiệp Hòa Khánh, Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý DN, BQL Khu CNC và các KCN Đà Nẵng nhìn nhận, khi quay lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới, nhiều DN đối mặt với thách thức. Phần lớn các DN gặp khó khăn trong việc sản xuất, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các vấn đề tiêu biểu như: Thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp; bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu; hoạt động kinh doanh gặp trở ngại do biện pháp cách ly xã hội phòng, chống dịch tại nhiều địa phương...

Mặc dù một số DN ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối lại được nguồn nguyên liệu, điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm, nhưng họ đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng lên nhanh chóng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm.

Các DN cũng chịu nhiều áp lực về các khoản lãi vay ngân hàng, các khoản phải nộp ngân sách khác như tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, bảo hiểm xã hội… Số lượng công nhân làm việc tại các KCN cũng có sự biến động lớn. Thống kê cho thấy hiện có khoảng gần 11.000 lao động mất việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động nghỉ không lương do ảnh hưởng dịch COVID-19 (chiếm 13,6% số lao động so với đầu năm 2020).

Tính đến tháng 9/2021, các KCN, khu CNC, khu Công nghệ Thông tin của TP Đà Nẵng có 68.440 lao động (giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 10% so với cùng kỳ 2020). Dự kiến trong thời gian sắp tới, khi dịch bệnh đã dần kiểm soát tốt, DN sẽ thiếu hụt công nhân.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến DN, mức độ hấp thụ của DN rất thấp. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đối với DN tuy đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền nhưng thời gian áp dụng ngắn, giá trị không lớn nên chưa thể giúp DN vượt qua khó khăn.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều DN đã phát huy nội lực, chủ động đổi mới để khôi phục, duy trì sản xuất trong điều kiện mới, đồng thời đảm bảo an toàn, phòng, chống nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cơ sở sản xuất. Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ chia sẻ, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng với hiệu quả từ công tác phòng, chống dịch của thành phố, DN vẫn duy trì sản xuất ổn định.

Qua 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu của công ty đạt 2.698 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 161 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Nguyễn Quan Hoàng cho biết, từ đầu năm đến nay, DN vẫn duy trì giá trị doanh thu mỗi tháng xấp xỉ 2 triệu USD. Doanh thu trong tháng 10 và các tháng cuối năm 2021 dự kiến tăng hơn 30%.

Theo ông Hoàng, có được kết quả trên là nhờ người lao động tại đơn vị được tiêm vaccine phòng COVID-19 đạt tỷ lệ cao, qua đó duy trì được lực lượng sản xuất. Với đà phục hồi này, DN sẽ vượt chỉ tiêu sản xuất năm 2021 và có đang kế hoạch tuyển dụng thêm công nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển...

Xác định vai trò “xương sống” của sản xuất đối với nền kinh tế, chính quyền TP Đà Nẵng đã tạo điều kiện và khuyến khích các DN duy trì, ổn định và mở rộng sản xuất. Để đảm bảo hoạt động sản xuất của DN không bị ngưng trệ, UBND TP Đà Nẵng cũng đã tạo điều kiện thông thoáng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa, giao thông ra vào khu CNC và các KCN, đảm bảo chủ động, tích cực, thủ tục nhanh gọn, hiệu quả. Việc đưa chuyên gia, lao động nước ngoài tay nghề cao nhập cảnh, phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cùng được chú trọng, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

Sau hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” được tổ chức cuối tháng 9/2021, BQL khu CNC và các KCN cũng đã báo cáo và đề xuất UBND TP phương án thực hiện chính sách giảm tiền sử dụng hạ tầng cho các DN hoạt động trong các KCN, Khu CNC và khu Công nghệ thông tin tập trung. Cụ thể, chỉ thu 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các DN trong khu CNC.

Đối với các KCN do Nhà nước làm chủ đầu tư như KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà) chỉ thu 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các DN. Đối với các KCN do tư nhân đầu tư, ngân sách thành phố hỗ trợ bằng 50% tiền sử dụng hạ tầng doanh nghiệp phải nộp năm 2021. Đã có 418 DN đang hoạt động tại các KCN và khu CNC được đề xuất chính sách miễn giảm tiền thuê đất trong thời gian 1 năm…

Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất tại khu CNC và các KCN đã sôi động trở lại với gần 100% DN mở cửa. Các giải pháp hỗ trợ như đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 1 và 2 cho người lao động, giảm phí sử dụng hạ tầng… đang được TP Đà Nẵng nhanh chóng triển khai. Tính đến hết tháng 9/2021, tổng số chuyên gia, người lao động tại các KCN, khu CNC, khu Công nghệ thông tin tập trung được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 là 57.173 người, đạt 80% tổng số lao động…

Với các chính sách hỗ trợ của trung ương và chính quyền TP Đà Nẵng, các DN đang nỗ lực vượt khó, khôi phục và phát triển sản xuất. TP Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là con số dương so với năm 2020. Muốn đạt được mục tiêu này, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 4 phải tăng từ 3,6% trở lên. TP Đà Nẵng đã xây dựng các nhóm giải pháp và nhiệm vụ cần tập trung thực hiện để phấn đấu đạt mục tiêu này, đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN, tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân…

Thân Lai

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文