Cần có sinh kế lâu dài cho người dân (bài 2)
Quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là sự chủ công của lực lượng Công an trong việc xử lý vi phạm về môi trường ở Bắc Ninh đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến ngày 29/11, UBND tỉnh Bắc Ninh đã xử phạt 67 cơ sở tại CCN làng nghề Mẫn Xá với số tiền phạt gần 31 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đến ngày 28/11, đã có 96 hộ dân ở làng nghề Mẫn Xá đã tự tháo dỡ lò cô đúc nhôm, chuyển đổi nghề nghiệp. Dù đã chấp hành nghiêm các quy định, tháo dỡ lò cô đúc, chấp hành nghiêm quy định của tỉnh nhưng người dân trên địa bàn Mẫn Xá vẫn canh cánh nỗi lo về công ăn việc làm và sinh kế lâu dài.
Từ quyết tâm của chính quyền
Thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh có khoảng 943 hộ dân với 3.507 nhân khẩu, khoảng 240 hộ có làm nghề cô đúc nhôm. Những hộ không có lò cô đúc nhôm nhưng phục vụ việc cô đúc như kinh doanh nguyên vật liệu (mua bán phế liệu); kinh doanh chất đốt (than, củi); quán ăn, vận tải… Chính vì vậy, mặc dù không sản xuất nông nghiệp nhưng cuộc sống người dân ở đây tương đối khấm khá vì nghề truyền thống đã giúp cả thôn “thành 1 dây chuyền khép kín” đủ cả “đầu ra – đầu vào” phục vụ việc cô đúc nhôm.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Gia, Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, người dân tập trung làm nghề nên không canh tác nông nghiệp. Nghề cô đúc nhôm là nghề truyền thống rất lâu đời, nhưng hiện nay quy mô nhỏ lẻ, nhiều hộ đắp lò cô đúc nhôm ngay trong sân nhà với chi phí thấp, khi có đoàn kiểm tra, họ sẽ ngừng không sản xuất nên việc xử lý vi phạm nhiều năm qua gặp khó khăn.
Quan điểm Đảng ủy, UBND xã là ủng hộ tỉnh, huyện về việc bảo vệ môi trường vì sức khoẻ người dân là quan trọng nhất. Hiện nay, với quyết tâm của tỉnh, huyện, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các hộ dân đã bước đầu chấp hành, nhiều hộ đã tự nguyện tháo dỡ lò. Tuy nhiên, việc tính xa hơn là an sinh xã hội thì cần có thời gian.
Trước đó, tại buổi kiểm tra ngày 20/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và lộ trình thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không có sự lay chuyển về mặt ý chí; kiên quyết xử lý, không để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài; không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường; không thể vì một bộ phận nhỏ mà để ảnh hưởng tới sự phát triển chung của tỉnh. Tỉnh sẵn sàng, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.
Được biết, song song với việc kiểm tra và đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm tại CCN làng nghề Mẫn Xá, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và chính quyền địa phương cũng đang tích cực tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng sản xuất gây ô nhiễm tại Làng nghề Mẫn Xã, xã Văn Môn.
Bằng biện pháp này, hoạt động sản xuất nhôm tái chế trong khu dân cư thuộc thôn Mẫn Xá đã cơ bản dừng hoạt động. Ưu tiên lúc này là vận động các hộ sản xuất cam kết dừng hoạt động và tự tháo dỡ công trình vi phạm. Huyện Yên Phong và xã Văn Môn sẽ tạo điều kiện để hỗ trợ các hộ sản xuất trong quá trình tháo dỡ đảm bảo an toàn.
Thiếu tá Nghiêm Đình Quyền, Phó Trưởng Công an xã Văn Môn cho biết, qua nắm tình hình thì hiện nay, 100% các cơ sở đã dừng hoạt động. Bà con đã tự giác chấp hành quy định, cơ sở đã thuê người phá dỡ ống khói, lò cô đúc nhôm, không tiếp tục hoạt động.
Để đảm bảo hiệu quả công tác kiểm soát, tiến tới dừng hoạt động sản xuất gây ô nhiễm, huyện Yên Phong tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của các tổ chốt phương tiện ra vào làng nghề, đảm bảo không có nguyên liệu, xỉ thải gây ô nhiễm ra vào làng nghề. Ngoài ra tiếp tục tăng cường công tác vận động tuyên truyền các hộ, doanh nghiệp sản xuất trong khu dân cư đầu tư lên cụm CCN Làng nghề khi đảm bảo đủ các quy định, điều kiện của cơ quan có thẩm quyền.
Đến thời điểm này, CCN làng nghề Mẫn Xá đã dừng hoàn toàn hoạt động, các hộ tháo dỡ công trình vi phạm. Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, lực lượng chức năng sẽ ưu tiên và hỗ trợ những hộ hợp tác, tự nguyện tháo dỡ. Những hộ sản xuất cố tình vi phạm, tiếp tục đốt lò, sản xuất gây ô nhiễm sẽ có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nỗi lòng người dân Mẫn Xá
Để tạo đồng thuận cho người dân, ngoài ban hành các quyết định, tỉnh Bắc Ninh cũng đã có nhiều biện pháp vận động, từ việc tổ chức các hội nghị để tuyên truyền, cho các hộ sản xuất, kinh doanh ký cam kết tự khắc phục các vi phạm. Bí thư Huyện ủy Yên Phong dự sinh hoạt Chi bộ thôn Mẫn Xá; đối thoại với người dân để lắng nghe ý kiến đảng viên và nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh 2 lần trực tiếp kiểm tra tại địa bàn. Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo lực lượng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Tiếp xúc với chúng tôi, đa số các hộ dân đều bày tỏ ủng hộ quan điểm của tỉnh về bảo vệ môi trường, xây dựng tương lai bền vững cho các thế hệ sau. Tuy nhiên, đối với cuộc sống trước mắt của họ lại là một nỗi lo rất lớn vì ngay lập tức chuyển đổi nghề đối với họ rất khó khăn, nhất là những người từ 40 tuổi trở lên, không được học hành cơ bản, không có nghề nghiệp gì khác.
Kể cả những hộ làm nghề kinh doanh phế liệu, kinh doanh vận tải, nhu yếu phẩm… cũng rất lo lắng bởi nghề đúc nhôm không còn, không còn giao lưu, buôn bán với các nơi khác thì các ngành nghề này cũng sẽ dần bị triệt tiêu. Người dân Mẫn Xá cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có kế hoạch cụ thể nào về chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, cũng chưa có vị trí nào để di chuyển làng nghề đến để người dân có thể tiếp tục làm nghề truyền thống.
Tự tay tháo dỡ 6 lò nấu kim loại để cô đúc nhôm, ông Nguyễn Ngọc Long, thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn bày tỏ lo lắng chưa biết “chặng đường” sắp tới sẽ ra sao. “Nhà tôi có 6 lò cô đúc nhôm thường xuyên hoạt động, mang lại việc làm cho hơn 20 công nhân hàng chục năm nay chính là nguồn thu nhập chính của gia đình. Việc dừng hoạt động là tổn thất không nhỏ. Tuy nhiên, được sự tuyên truyền, vận động của Công an xã Văn Môn cùng chính quyền địa phương, chúng tôi chấp hành tháo dỡ”.
Là một trong những hộ kinh tế khó khăn, ông Nguyễn Văn H cho biết, nhà ông chỉ có 1 lò nhỏ được đắp ngay trong sân để thi thoảng nấu cô đúc nhôm, thu nhập dù không nhiều nhưng cũng đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho gia đình gồm 2 vợ chồng 3 đứa con.
“Tôi cũng biết nấu nhôm ô nhiễm môi trường nhưng chưa biết làm gì để sống. Giờ hai vợ chồng hơn 50 tuổi, không có nghề nghiệp gì khác, các con đều đang đi học, chưa kiếm được tiền. Các cấp chính quyền đến tuyên truyền tôi cũng hiểu và muốn chấp hành vì quyết tâm của cấp trên rồi. Nhưng phá lò trong khi tỉnh, huyện chưa có một kế hoạch cụ thể nào chuyển đổi nghề nghiệp hay hỗ trợ kinh tế nên dân chúng tôi rất lo. Rồi lấy gì mà ăn, cho con cái học hành. Đi làm công nhân thì hết tuổi, ruộng đất không có, thật sự chúng tôi chưa biết làm gì để sống”, ông H trăn trở.
Bà Hoàng Thị M cho biết thêm: “Mấy năm trước, tỉnh lập cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Mẫn Xá để người dân có thể di chuyển cơ sở sản xuất vào CCN. Theo đó, người dân phải mua đất, xây dựng xưởng khá tốn kém. 1 lô đất 200m khoảng gần 2 tỷ đồng, xây dựng xưởng theo quy cách nữa cũng tốn hơn 1 tỷ đồng. Chi phí này rất lớn, khó khăn cho chúng tôi. Đặc biệt, trong CCN đất chưa có sổ đỏ nên chúng tôi không thể cầm cố ngân hàng để vay tiền làm ăn. Trong khi đó, nếu xây lò ở tại nhà, chúng tôi chỉ mất vài trăm triệu, thậm chí ít hơn. Đối với những hộ làm ăn nhỏ lẻ, kinh tế khó khăn là rất phù hợp.
“Vừa rồi, tôi thấy các cán bộ nói CCN cũng không đủ điều kiện hoạt động, vi phạm nhiều nên cũng phải ngừng hoạt động và lộ trình đến hết năm 2025 cũng sẽ phải di dời. Như vậy, nếu những hộ đã vào CCN rồi sẽ thiệt hại rất lớn”, bà M trăn trở.
Được biết, do là làng nghề truyền thống nên việc cô đúc nhôm của các hộ dân ở Mẫn Xá được làm thủ công, ngay tại nơi của mình và họ sống bằng nghề này nhiều đời nay. Cũng chính vì vậy nỗi lo về công ăn việc làm, về kế sinh nhai thực sự hiện hữu và cấp thiết đối với người dân ở đây. Họ mong mỏi có 1 chính sách phù hợp để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định, vừa đảm bảo môi trường vừa đảm bảo sinh kế hàng ngày.