Cần "định hướng mới, hành động mới" để phục hồi du lịch
Khôi phục nhanh ngành Du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành này.
Sau 2 năm thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động để phục hồi và phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là nhận định chung của nhiều người làm du lịch, từ cơ quan quản lý đến các chuyên gia, doanh nghiệp tại diễn đàn "Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới" do Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức vào ngày 1/4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Thiệt hại trong 2 năm qua đã đẩy ngành Du lịch Việt Nam lùi lại hàng chục năm. Là một ngành kinh tế tổng hợp, hoạt động du lịch liên quan đến nhiều ngành kinh tế và nhiều địa phương trong cả nước.
Khi du lịch đóng cửa đã kéo theo nhiều ngành nghề có liên quan, nhiều địa phương là điểm đến du lịch cũng không hoạt động. Do vậy, khôi phục nhanh ngành Du lịch không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và trên 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước sống dựa vào ngành này.
Thời gian qua, hàng loạt chương trình kích cầu của doanh nghiệp, ở mức độ cấp tỉnh, cấp vùng và cấp quốc gia đã được triển khai kịp thời, nhanh chóng trong hai năm qua, thể hiện sự năng động của ngành Du lịch. Tuy nhiên, để khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, những phương thức thông thường là không thể khắc phục được.
Sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch không dễ dàng phục hồi. Để khôi phục và phát triển ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19, cần phải xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động. Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động. Đó là một công việc rất khó khăn, phức tạp.
TS. Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Travelmart cho rằng, sau một quãng dừng quá dài không đi du lịch, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, thị trường và tâm lý của du khách đã trở nên khó dự đoán hơn. Vì vậy, việc tìm hiểu, nhận định lại xu hướng của du khách là quan trọng và cần thiết trong lộ trình phục hồi hoạt động du lịch.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã đưa ra 5 định hướng phục hồi du lịch Việt Nam. Cụ thể, về thị trường, du lịch Việt tiếp tục khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch (năm 2019).
Về sản phẩm, du lịch tập trung vào sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Về xúc tiến, quảng bá, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động E-marketing. Bên cạnh đó, du lịch cần đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ. Về nhân lực, ngành Du lịch tập trung tăng cường tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại lao động trong ngành, chuyên môn hóa và ứng dụng công nghệ, tự động hóa trong cung cấp dịch vụ, có chính sách đãi ngộ lao động chất lượng cao, lao động đặc thù.
Trao đổi tại diễn đàn, ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành Du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành. Đây là nhiệm vụ và thách thức lớn đối với du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành du lịch cần làm rõ về các định hướng mới cho du lịch Việt Nam như định hướng về chính sách, đầu tư, sản phẩm và thị trường, huy động nguồn lực và phát triển nguồn nhân lực. Về các giải pháp và hành động cụ thể cho việc khôi phục và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị cần làm rõ đâu là các giải pháp cốt lõi, đâu là giải pháp trước mắt, đâu là các giải pháp lâu dài, các hành động cần thực hiện ngay để phục hồi ngành Du lịch nhanh nhất trong điều kiện bình thường mới.
Ngành du lịch cũng cần có những đề xuất cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý du lịch các cấp để có thể nhanh chóng hành động, triển khai thực hiện các giải pháp cho việc phục hồi và phát triển.
Riêng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, Bộ sẽ luôn đồng hành, ủng hộ các địa phương, doanh nghiệp trong các hoạt động nhằm phục hồi và phát triển ngành Du lịch, đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.