Chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động: Nhiều quy định khó đang “bó chân” doanh nghiệp

08:27 27/04/2022

Sau gần một năm triển khai, chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (gói 26 nghìn tỷ đồng) mới chỉ có một số rất ít doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Tại sao chính sách đào tạo lại cho người lao động giúp doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng, người lao động được nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm mà số doanh nghiệp tham gia lại khiêm tốn?

Rất ít doanh nghiệp gửi hồ sơ

Việc ban hành chính sách này được đánh giá có rất nhiều ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa lâu dài. Nhưng theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 3/2022, báo cáo của các địa phương cho thấy, chỉ có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100 nghìn người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng. Trong số này mới chỉ có 47 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10 nghìn lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.

Một số quy định được kiến nghị điều chỉnh để thu hút doanh nghiệp và người lao động tham gia vào chính sách hỗ trợ đào tạo lại lao động.

Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5.000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 2 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50 nghìn người (Công ty CP Pousung Việt Nam, Công ty Co Teawang vina); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ. Nguyên nhân của việc có ít doanh nghiệp đăng ký tham gia, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, thời điểm triển khai khi Nghị quyết 68, Quyết định 23 được duyệt trong cuối Quý III và Quý IV năm 2021 cũng là thời điểm các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Nhiều địa phương phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, nên các hoạt động triển khai đào tạo không thực hiện được. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, hoặc ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Theo ông Dũng còn một nguyên nhân nữa là một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm. Một số nơi việc xác nhận bảo hiểm thất nghiệp còn khó khăn do cách hiểu khác nhau về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động và người lao động.

Xem xét kéo dài thời gian thực hiện

Là đơn vị đang phối hợp cùng doanh nghiệp tham gia triển khai chính sách này, ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, chính sách triển khai không chỉ có lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp mà các nhà trường cũng được hưởng lợi. Hiện Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đang làm việc với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với từng nghề. Nhà trường đang phối hợp với 5 tập đoàn, công ty để làm hồ sơ gửi lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội phê duyệt đào tạo nghề cho khoảng hơn 2 nghìn người lao động.

“Sau khóa học này, kỹ năng nghề của người lao động sẽ được nâng cao. Đội ngũ giảng viên được học những công nghệ mới tại doanh nghiệp, có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào chương trình đào tạo của nhà trường”, ông Huy nói.

Lợi ích thấy rõ, tại sao số doanh nghiệp đăng ký tham gia lại thấp? Đâu là nút nắt để giải quyết vấn đề? Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn, trong quá trình tiếp cận với các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chính sách đã cho thấy có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 250 nghìn doanh nghiệp, trong đó 60% – 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có lực lượng lao động làm việc thường xuyên từ 50 người trở lên, rất khó để đáp ứng được những yêu cầu của chính sách.

“Để được thụ hưởng chính sách, doanh nghiệp phải có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020. Quy định này rất nhiều công ty không đáp ứng được. Để người lao động được đào tạo nghề, doanh nghiệp phải đổi mới về yếu tố công nghệ hoặc cơ cấu lao động. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp khó khăn không thể đầu tư thay đổi công nghệ. Nếu doanh nghiệp thay đổi về lực lượng lao động thì những lao động đó chưa đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp…”, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết.

Có những trở ngại cần phải được tháo gỡ, là nhận định từ thực tế phối hợp triển khai chính sách giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo bà Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội thì gần hai năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các doanh nghiệp du lịch không hoạt động, có không ít người lao động làm việc trong lĩnh vực chuyển nghề để đảm bảo cuộc sống.

“Một ví dụ rõ nhất trong lĩnh vực du lịch là người lao động đã chuyển nghề nên doanh nghiệp không thể tiêu chí đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ 12 tháng trở lên. Thủ tục xác nhận đóng bảo hiểm thất nghiệp có nơi còn kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để duy trì việc làm là rất nhân văn. Vì thế rất mong các cơ quan chức năng xem xét kéo dài thời gian thực hiện (Nghị quyết 68 quy định ngày 30/6/2022 là hạn cuối cùng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ), cũng như điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động được tham gia”, bà Hà kiến nghị.

Phan Hoạt

Tỉnh Ninh Bình có 16% dân số theo đạo Thiên Chúa Giáo, trong đó Giáo phận Phát Diệm giữ vị trí quan trọng trong cộng đồng Công giáo Việt Nam. Tại các xã, thị trấn thuộc huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an chính quy vùng đồng bào có đạo đã vừa nỗ lực “gần dân, hiểu dân, sát dân” để triển khai các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

Nguyễn Quốc Quân, còn gọi Quân “Idol”, khét tiếng là tay anh chị ở phố núi Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Trong thời gian dài, đối tượng này nổi lên với nhiều hoạt động làm ăn có dấu hiệu bất minh. Đặc biệt, Quân thường lên mạng xã hội đăng tải nhiều hình ảnh đe dọa, chửi bới người khác do chính y tổ chức, khiến dư luận bất bình. Quân “Idol” sau đó đã bị Cơ quan Công an bắt giữ, khởi tố với nhiều tội danh khác nhau.

Ngày 21/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng về nguyên nhân và biện pháp xử lý khả năng thoát nước mặt cầu thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Liên quan đến vụ án đưa, nhận hối lộ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hoá), sáng 21/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Lệnh khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam thêm 3 bị can có liên quan, gồm: Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Cao Xuân Hiệp (SN 1984), cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn.

Đánh giá sơ bộ cho thấy, tại khu vực xã Phong Vân (huyện Ba Vì), việc nạo vét, hút cát trái phép, không đúng kỹ thuật, hút cát sát bờ sông, thềm sông tạo ra các hố xói, vực sâu cục bộ gây biến đổi đột ngột địa hình lòng dẫn, thay đổi dòng chảy, làm suy kiệt mực nước ngầm và hậu quả là sụt lún, nứt đất.

Ra thăm vườn, người phụ nữ tá hỏa khi phát hiện 56 gốc với hơn 1.500 quả sầu riêng non chăm sóc bấy lâu đã bị kẻ gian chặt phá không thương tiếc. Quá sốc, người nông dân này đã khóc ngất tại khu vườn.

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文