Đà Nẵng tìm cách gỡ vướng khó khăn cho doanh nghiệp
Ngày 23/7, BQL Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".
Chương trình thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương hữu quan; đại diện các đối thoại doanh nghiệp hội, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tại thành phố; đại diện các doanh nghiệp đang hoạt động tại các Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp (KCNC&CKCN) trên địa bàn TP Đà Nẵng.
523 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp
Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng BQL KCNC&CKCN Đà Nẵng, thành phố luôn đặc biệt coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân; được xác định là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH. Đặc biệt, trong những năm qua các doanh nghiệp trong Khu CNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung và CKCN đã đóng góp đáng kể vào tỷ trọng xuất nhập khẩu và thu nộp ngân sách cho thành phố
Theo Trưởng BQL KCNC&CKCN Đà Nẵng, từ đầu năm đến 15/6, đã cấp mới 3 dự án; trong đó 1 dự án FDI, vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD, 2 dự án trong nước vốn đầu tư 810 tỷ đồng; điều chỉnh 33 lượt dự án, trong đó có 3 lượt dự án trong nước tăng 717,38 tỷ đồng, 2 lượt dự án giảm 40 tỷ đồng và 4 dự án FDI tăng 12,56 triệu USD.
Lũy kế đến nay, đã thu hút 523 dự án đầu tư vào Khu CNC, Khu Công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 và KCN; trong đó có 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD.
"Đặc biệt, TP Đà Nẵng được Quốc hội thông qua Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với thời gian thí điểm 5 năm, kỳ vọng tạo sự đột phá, Đà Nẵng với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do và BQL được giao là đơn vị chủ trì triển khai. Vì vậy, trước các yêu cầu đặt ra, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi", ông Vũ Quang Hùng nói.
Sớm giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho người lao động
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết phần lớn doanh nghiệp trong KCN có số lượng người lao động nhập cư khá đông nên nhu cầu về nhà ở xã hội cao. Sau khi rà soát, thẩm định trình 8/9 đồ án quy hoạch phân khu, Sở Xây dựng và các sở ban ngành liên quan đã rà soát bố trí 139 ha để phục vụ cho nhà ở xã hội. Đối với phân khu công nghệ cao, đã rà soát, bổ sung 19 ha.
"Đầu năm 2024, thành phố đã chấp nhận dự án tại phường Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 1.700 căn hộ, Thành phố cũng đã có chủ trương cấp cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khu thiết chế nhà ở, văn hóa, thể thao trên địa bàn Hòa Hiệp Nam, khi hoàn thành sẽ đáp ứng 700 căn hộ", ông Hoàng cho hay.
Lãnh đạo Sở Xây dựng thông tin thêm, theo Luật nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sẽ có thêm quy định mới là nhà lưu trú công nhân được phép xây dựng trên đất thương mại dịch vụ, nên đề nghị các doanh nghiệp cùng với Ban Quản lý xem xét lựa chọn các khu đất thương mại dịch vụ có thể làm cơ sở lưu trú cho công nhân để hỗ trợ nhà ở cho công nhân tốt hơn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã thẳng thắn nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến 10 nhóm vấn đề gồm: vướng mắc về đất đai, thuê đất, thuê lại đất; đầu tư; lao động và chính sách lao động; xây dựng, cơ sở hạ tầng; môi trường; an ninh trật tự, an toàn, PCCC,… trong KCN; thủ tục hành chính; hải quan; thuế và một số vấn đề liên quan khác.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của TP Đà Nẵng cũng đã chia sẻ, trao đổi, giải đáp một cách thiện chí, cởi mở và công khai đối với các vấn đề mà doanh nghiệp đưa ra. Đối với những đề xuất, kiến nghị vượt thẩm quyền, BQL KCNC và các KCN Đà Nẵng cho tổng hợp và báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xử lý.