Chặn lãng phí nguồn lực đất đai, khoáng sản từ đấu giá:

Đẩy mạnh chuyển đổi số để phòng, chống sai phạm (Kỳ 4)

07:50 12/11/2024

Thế giới và Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của chuyển đổi số. Trong gần 3 năm qua, với Đề án 06 của Chính phủ mà vai trò chủ công của Bộ Công an đã gặt hái được rất nhiều thành tích, kết quả, góp phần phòng, chống tham nhũng vặt, minh bạch, tạo văn minh xã hội và phục vụ công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội.

Việc nhanh chóng số hóa cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai, khoáng sản là yêu cầu cấp bách không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, chặn đứng tình trạng sai phạm trong đấu giá mà còn cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC).

Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu đất đai, khoáng sản

Còn nhớ vào chiều 29/12/2022, phát biểu trong Lễ kết nối CSDL Quốc gia về đất đai và CSDL Quốc gia về dân cư và Ký kết Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường giai đoạn 2022-2026 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công an, Tổng Bí thư Tô Lâm (khi đó là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ) đã khẳng định: CSDL kết hợp sẽ tạo điều kiện phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý về môi trường, tạo CSDL tài nguyên môi trường phong phú hơn, sâu sắc hơn và chất lượng hơn, đồng thời sẽ là căn cứ, cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng của hai Bộ từ Trung ương đến địa phương phối hợp toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trên các mặt công tác bảo đảm ANTT và quản lý tài nguyên, môi trường. Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư khi đó được xem như là kim chỉ nam xuyên suốt cho công tác quản lý đất đai, khoáng sản sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phát triển các cơ sở dữ liệu, trong đó có cơ sở dữ liệu đất đai, khoáng sản góp phần minh bạch, nâng cao công tác quản lý Nhà nước, phòng, chống sai phạm, vi phạm, trục lợi liên quan đến đất đai, khoáng sản.

Đánh giá sâu về những biện pháp triển khai chuyển đổi số góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, vi phạm đấu giá, khai thác tài nguyên khoáng sản, đồng chí Trần Phương, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm, sát sao chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi số mọi hoạt động quản lý của Bộ. Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý khoáng sản có vai trò quan trọng, mang lại nhiều tác động tích cực đến công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, giúp phòng, chống sai phạm, đặc biệt là trong quá trình đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cụ thể: Tối ưu hóa công tác giám sát và quản lý; giảm thiểu sai sót và tăng hiệu quả quản lý; đảm bảo tính công khai, minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức liên quan có thể tiếp cận thông tin qua đó ngăn chặn nguy cơ xảy ra tiêu cực.

Bên cạnh đó, cũng theo Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, việc chuyển đổi số trong công tác kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản sẽ góp phần hạn chế được tình trạng sai phạm trong khai thác khoáng sản, qua đó hạn chế tình trạng đẩy giá lên cao trong các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác chuyển đổi số của lĩnh vực khoáng sản hiện nay là hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị, phần mềm xử lý lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu và cần phải đầu tư mới; bên cạnh đó, việc liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, bộ, ngành một cách đồng bộ cũng rất quan trọng, quyết định hiệu quả của công tác chuyển đổi số. Xác định rõ vai trò của công tác chuyển đổi số, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai xây dựng CSDL ngành tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực khoáng sản. Sau khi hoàn thành, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung, đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói riêng sẽ được nâng cao.

Liên quan đến nội dung này, tại Hội nghị thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo về lộ trình hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về đất đai đến năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, hiện đơn vị này đã xây dựng và đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý gồm CSDL về thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; CSDL về giá đất; CSDL về điều tra, đánh giá đất đai.

Tại địa phương đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai tại địa phương; 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành CSDL địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp…Về công tác kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng thông tin trong CSDL đất đai và triển khai dịch vụ công trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu đất đai của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã… trên nền tảng chia sẻ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia (NDXP).

Đối với công tác làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành “Xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong CSDL đất đai quốc gia” tại TP Hà Nội và tỉnh Hà Nam, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm thêm tại Đồng Nai, Bình Dương, sẽ báo cáo, tham mưu để hướng dẫn thực hiện nhân rộng cả nước. Về nội dung CSDL quốc gia về đất đai, đối với CSDL đất đai do Trung ương quản lý sớm hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành Quý II/2025; đối với CSDL đất đai hiện có do địa phương quản lý sẽ vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai, CSDL quốc gia về đất đai trên phạm vi toàn quốc trong Quý IV/2025.

Sau năm 2025, tiếp tục số hóa, xây dựng, hoàn thiện CSDL tại các khu vực chưa xây dựng CSDL, cập nhật, chỉnh lý dữ liệu đã cũ, lạc hậu. Triệt để vận hành CSDL quốc gia về đất đai trong công tác thường xuyên, kết nối, chia sẻ sử dụng với các CSDL quốc gia, các bộ, ngành, địa phương; phục vụ giải quyết thủ tục hành chính... để bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá, tuy kết quả xây dựng và vận hành CSDL đất đai đến nay trên cả nước đã đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ hoàn thành xây dựng CSDL đất đai phục vụ công tác quản lý Nhà nước, cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp UBND TP Hà Nội cũng đồng tình với việc phải đẩy mạnh số hóa dữ liệu, xây dựng các CSDL, coi đó là một trong những “chìa khóa” để mở ra một giai đoạn mới trong quản lý đất đai, khoáng sản, phòng, chống hiệu quả sai phạm trên lĩnh vực này và hoạt động đấu giá.

Tháo “điểm nghẽn”, tăng minh bạch

Trong các phiên họp của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã chỉ ra nhiều “điểm nghẽn” về pháp lý, dữ liệu và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện những biện pháp mang tính đột phá để tháo gỡ, khơi thông. Đối với CSDL đất đai, đồng chí Tổ trưởng Tổ Công tác cũng như các thành viên trong Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của các bộ, ngành và Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng…đều đánh giá là vô cùng quan trọng, đảm bảo cho tính liên thông, kết nối, làm giàu, chia sẻ dữ liệu, phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp tăng sự minh bạch trong các khâu thủ tục hành chính giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, phòng, chống sai phạm.

Bàn về những giải pháp cho thị trường bất động sản thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng cho biết, Bộ Xây dựng đang xây dựng CSDL về bất động sản, nhằm điều tiết thị trường thông qua dữ liệu, đánh giá chỉ tiêu. Khi giá cả vượt quá ngưỡng thị trường, cơ quan quản lý sẽ có nhận định, đánh giá, đưa ra giải pháp điều tiết. Ngoài những biện pháp mang tính chất hành chính, nếu cần thiết cũng có thể tính toán cả biện pháp hình sự với những trường hợp cố tình vi phạm, gây hậu quả nặng nề. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, cần nhanh chóng hoàn thiện CSDL, các hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, đất đai, quy hoạch, kết nối với các hệ thống thông tin khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu thông tin về thị trường bất động sản công khai, minh bạch, đầy đủ.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế đó là việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng CSDL đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao dẫn đến tiến độ hoàn thành ở một số địa phương còn chậm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại như: Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa không gian và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin, có nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL đất đai.

Cùng với đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành CSDL đất đai ở Trung ương và địa phương hiện nay còn hạn chế; trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, công tác bảo đảm về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu là các khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác. Tiến độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc nhiều vào sự quyết tâm vào cuộc của các địa phương. Bên cạnh đó, quy trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai rất phức tạp, khó khăn đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện ở mức độ toàn trình.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhìn nhận trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện với các giải pháp, nguồn lực khả thi, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hoàn thành CSDL đất đai trên địa bàn và kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đất đai trong năm 2025. Thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm hệ thống thông tin đất đai đang vận hành tại địa phương để có phương án nâng cấp, hoàn thiện, duy trì hệ thống và kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về đất đai; triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu đất đai ở địa phương với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ thủ tục hành chính đất đai cung cấp trên cổng dịch vụ công đáp ứng yêu cầu thực chất, đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, dễ sử dụng để tiếp nhận, giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhằm đảm bảo việc cập nhật dữ liệu trên hệ thống trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Nhật Quang - Hoàng Phong

Ngày 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Tiến Lợi (SN 1969, nơi thường trú: khu phố 8, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”

Càng về dịp cuối năm tình trạng sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hải Phòng, đi kèm với tình trạng trên là hàng loạt những vụ nổ gây hậu quả đáng tiếc, thậm chí là thảm khốc…

Hội nghị Thượng đỉnh G20, diễn ra từ ngày 18-19/11 tại Rio de Janeiro, Brazil, đã khép lại với một bản tuyên bố chung chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không.

UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt Công ty TNHH Thương mại Song Dương (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vì để xảy ra vi phạm tại trang trại chăn nuôi quy mô 2.400 con heo nái theo công nghệ CP Thái Lan ở xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Công an tỉnh Điện Biên với vai trò nòng cốt đã chủ động tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hợp tác đối ngoại phù hợp với điều kiện thực tiễn, đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào ổn định tình hình an ninh trật tự (ANTT), xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác phát triển.

Thực phẩm chức năng giả, hoặc hàng xách tay, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường, được quảng cáo trên mạng xã hội như “thần dược”, sai sự thật khiến người tiêu dùng bị đánh lừa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều đối tượng còn sản xuất thực phẩm chức năng giả, đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng của khách hàng nên đã cho chất cấm vào thực phẩm chức năng.

Thời gian gần đây, không ít đối tượng mang nhiều tiền án ở ngoại tỉnh đã dạt về Cố đô Huế để… “kiếm ăn”. Tuy nhiên, do bám sát địa bàn nên ngay sau khi tiếp nhận tin báo tội phạm, Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế (Thừa Thiên Huế) đã kịp thời triệt phá, bắt giữ “nóng” nhiều ổ nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản….

Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn An Giang, ngày 20/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt; trú thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) để điểu tra về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đội tuyển Việt Nam luôn được đặt kỳ vọng cao ở mỗi lần tham dự AFF Cup. Chúng ta đã có 2 chức vô địch ở hai thời điểm, hoàn cảnh, vị thế khác nhau. Và bây giờ là một thử thách khác. Trong loạt bài viết giới thiệu các đội tuyển mới đây trên trang chủ giải bóng đá vô địch Đông Nam Á – AFF Cup (tên gọi mới ASEAN Cup) 2024, AFF bày tỏ kỳ vọng đội tuyển Việt Nam sẽ có phần thể hiện ấn tượng và giành được thành tích tốt.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và tỉnh Điện Biên về hội nhập quốc tế, trọng tâm là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế với Công an 6 tỉnh Bắc Lào và Công an tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, trực tiếp là Cục Công an thành phố (TP) Phổ Nhĩ. Qua đó, ổn định tình hình ANTT, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ở 4 huyện biên giới: Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文