Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tín dụng chính sách
Với việc đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng kỹ thuật trực tuyến trong hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phú Thiện (Gia Lai) từng bước nâng cao hiệu quả công việc, quản lý chất lượng hoạt động tại địa bàn nông thôn.
Trước đây, khách hàng có nhu cầu vay vốn chương trình nhà ở xã hội phải đến trụ sở NHCSXH huyện Phú Thiện để cung cấp thông tin, dữ liệu trên giấy. Nhưng hiện nay, thông qua ứng dụng soạn thảo văn bản trực tuyến (Google Docs), khách hàng cung cấp thông tin trên nền tảng trực tuyến rất nhanh chóng, tiện lợi. Chị Trịnh Thị Thanh Chi, Tổ 4, thị trấn Phú Thiện cho biết: “Khi đăng ký vay vốn nhà ở xã hội, tôi được cán bộ ngân hàng gửi đường link Google Docs để điền các thông tin cá nhân và nhu cầu vay vốn. Sau khi kiểm tra cơ sở dữ liệu, cán bộ ngân hàng đã liên hệ tư vấn, hướng dẫn rất cụ thể để tôi chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ pháp lý cần thiết làm thủ tục vay vốn theo quy định. Từ bước chuẩn bị đến sau khi vay vốn đều tương tác trực tuyến. Hàng tháng, tôi đóng lãi và gửi tiết kiệm cũng qua ứng dụng VBSP Smart Banking của NHCSXH”.
Với số lượng khách hàng lên tới 8.855 hộ vay, phần lớn cư trú tại địa bàn nông thôn thì việc đảm bảo chất lượng công tác quản lý thu lãi, thu nợ hàng tháng không hề đơn giản đối với 179 Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhưng kể từ khi ứng dụng VBSP Smart Banking dần phủ sóng tới từng hộ vay đã tạo thuận lợi để các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hoàn thành trách nhiệm của mình. Bà Lê Thị Thanh Tâm - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn buôn Ơi Hly, xã Ia Hiao cho hay: “Tôi đang quản lý 51 hộ vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Tôi đã sử dụng ứng dụng Smart Banking để thu lãi đối với các hộ vay đi làm ăn xa ở Bình Dương, Đồng Nai. Định kỳ hàng tháng, hộ vay chuyển tiền về chính tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng rồi tổ trưởng trích ra trả lãi ngân hàng đúng thời hạn nên rất tiện lợi, hạn chế tình trạng nợ quá hạn”.
Hiện tại, cán bộ NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ trưởng và hộ vay ở huyện Phú Thiện đều sử dụng ứng dụng VBSP Smart Banking để quản lý tài khoản của mình. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng quản lý, các nền tảng kỹ thuật trực tuyến còn giúp đội ngũ cán bộ NHCSXH kiểm soát chặt chẽ chất lượng vốn vay. Anh Nguyễn Trung Vương- Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH huyện Phú Thiện cho hay: “Phòng Giao dịch có 4 cán bộ tín dụng quản lý địa bàn 10 xã, thị trấn. Bình quân mỗi cán bộ quản lý 2.200 hộ vay với dư nợ 91,5 tỷ đồng. Nhằm đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc rất lớn theo tiến độ, chúng tôi đã ứng dụng các công cụ như: Google Docs, Google Sheets, QR Code, OneNote để kết nối, tương tác, quản lý dữ liệu trực tuyến 24/7 từ hồ sơ vay vốn, công tác ủy thác của hội, đoàn thể, công tác ủy nhiệm của tổ trưởng, xử lý nợ… Việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin đã giúp chúng tôi quản lý tốt địa bàn, nâng cao hiệu suất làm việc, thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao”.
Đặc biệt, một ứng dụng trực tuyến hỗ trợ đắc lực cho cán bộ ngân hàng làm việc mọi lúc, mọi nơi là sổ tay điện tử OneNote. Ông Hà Thái Dương - Giám đốc NHCSXH huyện Phú Thiện thông tin: “Với đặc thù công việc phải thường xuyên đi cơ sở, chúng tôi đã sử dụng ứng dụng OneNote kết hợp các ứng dụng khác để làm việc theo phương thức trực tuyến. Ứng dụng OneNote đáp ứng đầy đủ các tính năng ghi chép, lập kế hoạch một cách khoa học, có thể truy xuất thông tin theo ngày giờ đã ghi chép, lưu trữ nhằm hỗ trợ tối đa công việc. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin mà hiệu quả, chất lượng công việc của Phòng Giao dịch được nâng lên rõ rệt. Với quy mô dư nợ hơn 366 tỷ đồng trên 8.855 hộ vay, Phòng Giao dịch không có nợ quá hạn trong 5 năm liên tiếp”.