Doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị động trong phòng vệ thương mại

16:40 02/06/2016
Ngày 2-6 tại Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh ( Bộ Công thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Hội nghị tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề xuất giải pháp”, nhằm tổng kết quá trình thực thi và mang lại nhiều góc nhìn đa chiều trong công tác thực thi pháp luật phòng vệ thương mại và đề ra các giải pháp hoàn thiện, hiệu quả khi ứng dụng các biện pháp này tại Việt Nam.

Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Cạnh tranh Nguyễn Phương Nam cho biết, pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định nhằm tái thiết lập lại trật tự trong cạnh tranh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa nội địa. Cùng với đó, trong hoàn cảnh hàng rào phi thuế quan đang được các quốc gia dựng lên để bảo vệ cho quyền lợi của mình và nền sản xuất trong nước. 

Trong các hàng rào phi thuế quan thì ba công cụ phòng vệ thương mại là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ lại đang được áp dụng phổ biến. Chính vì thế, doanh nghiệp trong nước cần lưu ý để tận dụng tối đa và sử dụng linh hoạt ba công cụ này. Tuy nhiên, “dù đã có đầy đủ chủ trương cũng như hành lang pháp lý nhưng đến tận năm 2009 lần đầu tiên Việt Nam mới khởi xướng vụ việc tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng kính nổi trong xây dựng theo đề nghị của đại diện các nhà sản xuất kính nổi trong nước. 

Tại kết luận cuối cùng thì ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước không phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do việc nhập khẩu ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra gây ra. Vì thế, vụ việc được chấm dứt mà không có bất kỳ một biện pháp tự vệ nào được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu” - ông Nam khẳng định.

Thừa nhận những hạn chế trong công tác phòng vệ thương mại tại Việt Nam, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra-Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà.

Nhìn từ góc độ DN, bà Nguyễn Thị Thu Trang- Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, rất ít DN Việt Nam sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. Theo khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về phòng vệ thương mại ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài gần đây của VCCI cho thấy, 15,09% DN không biết, 63,21% DN có nghe nói nhưng không biết gì sâu; 19,81% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có 1,89 % DN đã tìm hiểu tương đối kỹ. (118 DN phản hồi trên 1000 DN được khảo sát). 

DN vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để đi kiện của DN còn hạn chế, không có khả năng tập hợp bằng chứng. Theo đó, 41% DN được khảo sát cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện phòng vệ thương mại. Vì vậy, bà Trang cho rằng, để công cụ phòng vệ thương mại được sử dụng hiệu quả hơn ở Việt Nam thì DN cần phải chủ động cập nhật tìm hiểu thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, nhập khẩu ồ ạt (nguyên đơn); về các nguy cơ vụ kiện ảnh hưởng đến lợi ích của mình (bên liên quan). 

Thép là đối tượng của nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới và Việt Nam.

Các cơ quan quản lý hiệp hội tăng cường hoạt động tư vấn ban đầu, định hướng cho DN, tăng cường kết nối, hướng dẫn DN; Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại ở Việt Nam, các quy định cần chi tiết hơn. Trong đó, điều chỉnh pháp luật về cơ chế công khai thông tin, mở rộng phạm vi thông tin xuất nhập khẩu mà DN được phép tiếp cận; dịch vụ cung cấp thông tin chuyên sâu cho DN.

Có thể nói, công cụ phòng vệ thương mại được coi như van an toàn cuối cùng trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng hiện nay. Các biện pháp về thuế quan, hành chính hay hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tế… đến nay đều chưa hẳn phù hợp với Việt Nam vì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, các biện pháp phòng vệ thương mại dù có những biện pháp và khó khăn nhất định nhưng đây vẫn là những công cụ dễ sử dụng hơn cả so với các công cụ khác mà cam kết WTO cho phép. Chính vì vậy, các công cụ phòng vệ thương mại trong tương lai gần trở lại đây sẽ là công cụ rất hữu hiệu để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Để nâng cao hiệu lực biện pháp phòng vệ thương mại, ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng về mặt pháp lý và nguồn lực cần thiết để ứng phó kịp thời khi cần phải áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại mà các quốc gia đang áp dụng phổ biến đó là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Do đó, rất cần sự chủ động của các nhà sản xuất trong nước trong việc chuẩn bị, nộp hồ sơ và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra về các hành vi bán phá giá của các nhà xuất khẩu nước ngoài gây thiệt hại cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các hành vi gian lận đưa hàng hóa của thương hiệu Việt Nam đã thành danh ra gia công ở nước ngoài và phù phép thành hàng Việt Nam. Vì vậy, rất cần phải chú ý đến hiện tượng này để ngăn chặn các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, với tiến trình hội nhập, các văn bản pháp luật trong phòng vệ thương mại rất cần được đối chiếu rà soát sao cho phù hợp với các quy định của luật đầu tư sửa đổi, luật doanh nghiệp sửa đổi, luật thuế xuất nhập khẩu, luật hải quan…Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng trong xây dựng nghị định về phòng vệ thương mại Việt Nam.

Lưu Hiệp

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文