Doanh nghiệp bán lẻ “gồng mình” để giữ sức mua
Những ngày qua, xăng dầu liên tục tăng giá kéo theo nhiều loại dịch vụ, hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Tuy nhiên, để giữ chân người tiêu dùng (NTD), nhiều doanh nghiệp (DN) đã cố gắng không tăng giá sản phẩm.
Theo ghi nhận, cứ mỗi lần xăng tăng giá thì hàng loạt mặt hàng lương thực, thực phẩm bán tại các cửa hàng, chợ truyền thống cũng tăng giá theo. Lý do: giá xăng dầu tăng, dẫn đến chi phí vận chuyển tăng theo. Trong khi đó, các DN sản xuất, DN bán lẻ cố gắng không tăng giá bán hoặc tăng ở mức thấp nhất có thể. Bởi, việc tăng giá trong thời điểm này sẽ khó giữ chân NTD do sức mua kể từ sau Tết Nguyên đán vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, thu nhập của NTD giảm, nên DN cũng chia sẻ phần nào khó khăn với NTD.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giá xăng dầu liên tiếp tăng cao trong thời gian gần đây đã gây ra áp lực rất lớn lên chi phí vận hành và kinh doanh của cộng đồng DN nói chung. Cứ mỗi container trọng lượng từ 12-15 tấn vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra cửa khẩu biên giới phía Bắc, chi phí khoảng 100 triệu đồng/xe. Riêng từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã nhiều lần tăng liên tiếp dẫn đến giá cước vận chuyển hàng hóa, nông sản từ các tỉnh phía Nam lại tiếp tục tăng.
Dự báo, giá vận chuyển sẽ “đội” lên 120 - 130 triệu đồng/container và sẽ cao hơn nữa nếu giá xăng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn với việc xuất khẩu (XK), chi phí cũng không mấy khả quan khi giá sản phẩm XK qua đường hàng không sang các thị trường Mỹ, Úc, EU… trung bình đạt 11,5 USD/kg. Chi phí vận chuyển tăng, giá sản phẩm XK cũng tăng theo, nên DN sẽ giảm tính cạnh tranh ở thị trường XK.
Gồng mình trong “bão giá” không chỉ có DN sản xuất, các nhà phân phối cũng đang chia sẻ với thị trường tiêu dùng. Chính vì vậy, nhiều hệ thống phân phối cố gắng giữ giá bằng nhiều cách khác nhau.
Bà Ngô Thị Hồng Yến, đại diện MM Mega Market khẳng định, giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm. Do vậy, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá. Tại MM Mega Market, để chia sẻ bớt gánh nặng với NTD, MM Mega Market đã cố gắng làm việc chặt chẽ các nhà cung cấp, trì hoãn việc tăng giá đồng thời áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, các mặt hàng mang thương hiệu riêng…
Ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn - Giám đốc thu mua ngành hàng thực phẩm của Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Mart Việt Nam cho biết: “Đơn vị cũng đã nhận được khá nhiều yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp trong thời gian gần đây. Phía siêu thị cân nhắc rất nhiều, đàm phán, thương lượng với các nhà cung cấp. Đối với những nhà cung cấp nào có thể kiềm chế được mức độ tăng giá thì chúng tôi cố gắng tối đa”.
Giá xăng dầu trong nước tăng liên tiếp đã gây sức ép lớn đến giá cả hàng hóa, đặc biệt những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như dịch vụ vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước… Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,2% so với tháng 12/2021.
Nguyên nhân chính làm CPI tăng là do giá xăng dầu tăng; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng. Trong mức tăng 1% của CPI tháng 2 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ, có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm. Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng thì nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 2,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,54%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cho biết, xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Xăng dầu tác động đến nhóm giao thông vận tải như đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy… và vận chuyển hàng hóa; làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa, dịch vụ tính CPI tăng theo.