Doanh nghiệp dệt may chưa theo kịp "chứng nhận xanh"
"Cam kết phát triển bền vững được nhiều hiệp định thương mại quốc tế xem như nội dung trọng tâm và các nước phát triển đang cụ thể hóa thành những tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét nhập khẩu (NK) hàng hóa. Kết quả nghiên cứu một số doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam cho thấy, việc nhận thức và chiến lược chuyển đổi xanh còn hạn chế đã làm giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Để đảm bảo phát triển bền vững, DN dệt may cần có chiến lược xanh hóa với lộ trình phù hợp", TS Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy DN dệt may chuyển đổi xanh - Phát triển bền vững trong xu thế hội nhập" diễn ra ngày 27/10 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, sản xuất xanh, tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững đang chuyển từ trạng thái khuyến khích sang bắt buộc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. EU đã công bố chiến lược phát triển xanh, yêu cầu các DN phải đảm bảo các nguyên tắc về tuần hoàn trong sản xuất và thân thiện môi trường, đồng thời quy định cụ thể đối với hàng hóa NK phải đạt tiêu chuẩn xanh. Trong khi đó, Việt Nam đứng trong nhóm 5 quốc gia XK dệt may hàng đầu thế giới, tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động (chiếm khoảng 20% lao động cả nước) và EU là thị trường XK chủ lực nhưng ngành Dệt may Việt Nam chưa kịp thời chuyển đổi theo xu hướng xanh.
Theo đánh giá của TS Huỳnh Thanh Điền, điểm chung của các DN dệt may được khảo sát là các DN đã nhận thức được tầm quan trọng trong chuyển đổi theo hướng xanh hóa. Bởi vì 6 tháng đầu năm 2023, dệt may Việt Nam sụt giảm mạnh về kim ngạch XK, trong đó nhiều DN thừa nhận rằng việc giảm sút có một phần tác động quan trọng trong xu hướng xanh hóa ngành Dệt may.
Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng chuyển đổi, nhưng nhiểu DN rất lúng túng trong việc thực hiện chuyển đổi hệ thống sản xuất hướng đến tiêu chuẩn xanh. Phần lớn các DN đã chủ động các biện pháp tập trung vào tiết kiệm tài nguyên dựa trên cải tiến hệ thống hiện tại. Các DN sản xuất phục vụ nhu cầu nội địa thì chưa nhận thức được sự ảnh hưởng của chuyển đổi xanh đến doanh số, còn đối với các DN XK thì nhận thức chuyển đổi xanh là yếu tố sống còn đối với thị trường XK. Tuy nhiên, chưa có ghi nhận DN dệt may Việt Nam đạt chứng nhận xanh từ các tổ chức quốc tế.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh (Agtek) khẳng định: "Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để khai thác tốt các FTA mang lại, DN cần đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, lao động, môi trường, phát triển bền vững. Việc áp dụng quy mô kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh là xu hướng mới và giúp DN dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu XK bền vững".
Theo ông Việt, để thực hiện chuyển đổi xanh, DN phải làm ngay từ khi xây dựng phương án. DN có thể đầu tư xuyên suốt hoặc cũng có thể đầu tư công đoạn tùy theo yêu cầu của từng thị trường. Muốn chuyển đổi xanh, DN phải qua được chuyển đổi số và phải tái cấu trúc 3-4 lần. Để thực hiện được chuyển đổi xanh, ngoài sự đồng hành của Agtek, DN cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, với ngành Dệt may có 2 cách để DN chuyển đổi xanh: Thứ nhất là đầu tư thay đổi công nghệ, thứ hai là thay đổi hành động. Nếu những DN không thực hiện được thì nên chọn đơn vị tư vấn. "Cứ qua một chu kỳ tăng trưởng thì sẽ khôi phục. Nhưng cứ mỗi chu kỳ sẽ xuất hiện một hành vi mới, xu hướng mới, cách làm mới. Việc xanh hóa mà hiện nay EU đang thực hiện là một xu hướng mới. Vì vậy, DN nào thay đổi sớm thì sẽ thích ứng và vươn lên, còn DN nào thay đổi chậm trễ thì rời khỏi thị trường", TS Huỳnh Thanh Điền nói.