Doanh nghiệp “khát” đơn hàng, người lao động gặp khó
Hơn 4 tháng nay, anh P.Q.C, công nhân Công ty CP One One miền Trung (đóng tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) làm việc đúng 8 tiếng/ngày. Thu nhập hằng tháng của anh cao nhất cũng chỉ 4,5 triệu đồng...
“Có tháng thu nhập của tôi chỉ hơn 2 triệu đồng. Là lao động chính trong nhà, nên cuộc sống của gia đình tôi luôn thiếu trước, hụt sau dù đã chắt bóp chi tiêu đủ đường”, anh C chia sẻ. Dù thu nhập giảm hơn một nửa so với trước, nhưng anh C vẫn còn may mắn hơn nhiều người trong công ty phải nghỉ việc tạm thời. Chẳng hạn như trường hợp của chị N.N.T, đã gắn bó với công ty này gần 7 năm nay đơn hàng không có, chị tạm thời được cho nghỉ việc. Trong thời gian này, chị ở nhà làm ruộng, chăn nuôi và chờ đến lúc nào công ty có đơn hàng sẽ đi làm trở lại.
Theo ông Nguyễn Phước Bảo, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP One One miền Trung, từ đầu năm nay, công ty đã rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, cộng với thiệt hại do bị cháy vào đợt tháng 3 vừa qua nên công ty càng khó khăn. Ban giám đốc công ty cũng đối thoại với người lao động (NLĐ), mong NLĐ cùng thông cảm, chia sẻ. Hơn 3 tháng nay, công ty chỉ duy trì việc làm cho hơn 40 lao động để khôi phục hậu quả do cháy, 240 lao động còn lại, một số nghỉ việc đi làm cho các công ty khác, một số làm việc thời vụ tại địa phương chờ nhà máy hoạt động trở lại.
Trước đây, Công ty THHH Thakson Huế có gần 700 lao động làm việc nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn lại 380 lao động. Theo đại diện công ty này, từ giữa năm 2022, công ty đã thiếu đơn hàng nhưng từ đầu năm đến nay công ty mới thực sự khó khăn. Hiện đơn hàng của công ty chỉ đủ sản xuất đến tháng 7/2023.
Trước tình trạng đó, dù công ty chưa có động thái giảm lao động, hay giảm giờ làm nhưng công nhân đã chủ động nhảy việc. Việc thiếu đơn hàng đã gây nhiều khó khăn cho những DN nhỏ và vừa, các DN sản xuất ngành may mặc. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty May xuất khẩu Quảng Thành thông tin, thời điểm này, năm trước, công ty đang duy trì việc làm, thu nhập cho gần 100 lao động, nhưng nay chỉ còn 40 lao động, ngày làm ngày nghỉ.
“Hoạt động của nhà máy hiện nay chỉ mang tính duy trì. Để đảm bảo thu nhập cho NLĐ hơn 4 triệu đồng một tháng trong thời điểm này, bản thân tôi phải bù thêm tiền túi. Nghĩ kinh doanh cũng như đi buôn lúc lời lúc lỗ nên tôi chấp nhận”, ông Nguyễn Văn Tiến chia sẻ.
Nhằm đồng hành với NLĐ bị ảnh hưởng do DN thiếu đơn hàng, Liên đoàn Lao động tỉnh vừa trao hỗ trợ 257 người là đoàn viên, NLĐ với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Lao động việc làm, Sở LĐ-TB&XH, tuy số lao động chấm dứt hợp đồng lớn, nhưng số DN tuyển dụng NLĐ cũng nhiều. Từ đầu năm đến nay, thông qua tổ chức các sàn giao dịch việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động. “Chúng tôi luôn chủ động theo dõi chặt chẽ tình hình NLĐ bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết, đồng thời tổ chức nhanh kết nối việc làm mới cho NLĐ”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, hiện sở tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho DN tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và NLĐ được vay vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn tín dụng khác để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2023 của tỉnh ước đạt 421,6 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh giảm tập trung chủ yếu ở nhóm hàng may mặc (giảm 16,7%), gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 36,2%).
Kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm ước đạt 274,3 triệu USD giảm 21,9% so cùng kỳ. Sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu tập trung nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may giảm hơn 34% do nguồn đơn hàng xuất khẩu của các công ty may mặc sụt giảm mạnh. Tính đến cuối tháng 5/2023, toàn tỉnh có 310 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.547 tỷ đồng, giảm 10,7% về lượng và giảm 39,9% về vốn so với cùng kỳ. Số DN hoạt động trở lại trong thời gian này là 175 DN, giảm 126 DN; số DN đăng ký tạm ngưng hoạt động là 338 DN, tăng 6 DN; số DN giải thể là 56…