Doanh nghiệp nhà nước phải "gánh" việc lớn, việc khó, việc mới
Được kỳ vọng là "sếu đầu đàn" dẫn dắt nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - nơi đang nắm giữ khối tổng tài sản lên tới 3,7 triệu tỷ đồng, cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế. Đây là mục tiêu hướng tới được các đại biểu đưa ra tại tọa đàm "Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới", do Báo Đầu tư vừa tổ chức.
Thông tin tại tọa đàm, ông Nguyễn Đức Trung, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. "DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước", ông Sơn cho hay.
Tính đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm 2023. Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp NSNN của DNNN cả năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.
Đánh giá về vai trò của DNNN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, mặc dù DNNN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế nhưng lại nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. "Sự phát triển lớn mạnh của các DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, nhất là ở các địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. DNNN còn là khu vực xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế, trong điều kiện khu vực tư nhân còn chưa lớn mạnh và không có khả năng thực hiện", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng cho rằng, ngoài các kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, đặc biệt là hoạt động đầu tư trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế. Các DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét. DNNN có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đặc biệt là khối tổng tài sản lên tới hơn 3,7 triệu tỷ đồng của đất nước. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư chưa được như kỳ vọng, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN còn hạn chế.
Nhìn thẳng vào những hạn chế, ông Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN lý giải, cùng với những tác động từ kinh tế bên ngoài, các DNNN còn khó khăn, chậm trễ trong triển khai các hoạt động đầu tư do các quy định pháp luật chưa đồng bộ; chưa đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Một số DN gặp khó khăn trong việc huy động vốn dẫn đến chậm tiến độ trong thực hiện dự án. Năng lực nhân sự về đầu tư các dự án lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, công nghệ mới còn thiếu và yếu. Hơn nữa, nhiều DN chưa chủ động đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới công nghệ, phát triển các ngành nghề, sản phẩm mới, phù hợp với xu thế phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chưa nắm bắt được thời cơ và thu hút nguồn lực của thị trường…
Trước những hạn chế này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN, từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của DN theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào nâng cao vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Ngoài ra, phải đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của DNNN trong thời gian qua để từ đó xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ. Đồng thời, xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới và phát triển các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới.
Phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho biết sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đối với DN trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại DN... Đồng thời, sẽ tăng cường, tạo sự chủ động cho DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN và tích cực phối hợp, hỗ trợ DN hoạt động có hiệu quả...