Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động
Theo khảo sát vừa được trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks (thuộc Tập đoàn Navigos Group) phát hành dựa trên kết quả khảo sát của hơn 400 doanh nghiệp và hơn 3.000 người tìm việc tại thị trường Việt Nam, có đến 89% doanh nghiệp sẽ chủ động đẩy mạnh tuyển dụng từ nay đến cuối năm tùy theo quy mô và nhu cầu của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng cao, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường lao động sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra.
Sẽ có doanh nghiệp tăng 60% chỉ tiêu tuyển dụng
Theo đánh giá của Navigos Group, kể từ đầu năm 2022, thị trường lao động Việt Nam nhộn nhịp trở lại với những tín hiệu khởi sắc từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Song, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã có nhiều tác động tới thị trường việc làm và nhu cầu tìm việc của người lao động.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên chủ động xin nghỉ gia tăng so với cùng kỳ năm 2021. Khoảng 12% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc tới 30 - 40%. Gần 41% doanh nghiệp có tỷ lệ nhân viên chủ động nghỉ việc tới 10 - 20%. Đây thực sự là một bài toán nan giải cho các doanh nghiệp khi tình hình sản xuất kinh doanh đang cần được đẩy mạnh để đáp ứng sự phục hồi của nguồn cầu. Trong đó, tình hình thiếu hụt nhân lực tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ thiếu hụt tại TP Hồ Chí Minh là gần 23% và tại Hà Nội là gần 15%. Các ngành thiếu hụt nhân lực lớn nhất là ngành dịch vụ, xây dựng/kiến trúc, bất động sản, bán buôn/bán lẻ, nhà hàng/khách sạn/du lịch, công nghệ thông tin, tài chính/kế toán/kiểm toán…
Thiếu hụt nhân lực lớn buộc các doanh nghiệp sẽ phải tăng tốc tuyển dụng, nhất là trong bối cảnh cuối năm, thời điểm nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất trong năm. Sẽ có 89% doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng vào cuối năm để đáp ứng nhu cầu phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kết quả khảo sát.
"Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 - 1.000 lao động tăng tuyển dụng từ 50 - 60%. Các doanh nghiệp có quy mô từ 101 - 300 lao động sẽ tăng tuyển dụng từ 10 - 40%. Các doanh nghiệp có quy mô dưới 100 lao động cũng có nhu cầu tăng tuyển dụng cao hơn 50 - 60%. 56% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng lương để giữ chân nhân tài. Bên cạnh việc tăng lương còn có thêm các lựa chọn khác dành cho người lao động như: Hỗ trợ chi phí học tập, đào tạo kỹ năng mới; đo lường sức khoẻ nhân sự bằng khối lượng công việc; chăm sóc sức khoẻ - bảo hiểm; linh động về thời gian và địa điểm làm việc", bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc miền Bắc Navigos Search (Navigos Group) cho biết.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến ngày 20/8, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 153,5 nghìn lao động, đạt 96% kế hoạch năm (kế hoạch giải quyết việc làm cho 160 nghìn lao động). Con số trên cho thấy thị trường lao động đã phục hồi mạnh mẽ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, từ kết quả phân tích dữ liệu thị trường lao động, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thời gian tới tập trung chủ yếu vào nhân viên văn phòng, nhân viên kinh doanh - bán hàng, công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử… Ngoài ra, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; dịch vụ du lịch, lữ hành dự kiến sẽ tăng 15 - 20% so với giai đoạn trước.
Những tín hiệu khả quan
Trong khi đó đến ngày 20/8, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 168 phiên giao dịch việc làm với 4.656 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 91.926 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 38.794 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 12.895 lao động.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian qua, đơn vị này có nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về việc thiếu hụt lao động hay khó tuyển dụng. Điều này có nguyên nhân từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến thị trường lao động, đặc biệt khi dịch bùng phát mạnh tại các địa phương phía Nam đã có một lực lượng lớn lao động dịch chuyển về quê. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi và áp dụng các biện pháp mới trong công tác phòng, chống dịch dẫn đến các thị trường dần sôi động trở lại, từ đó khiến một số địa phương thiếu lao động cục bộ.
"Đây cũng là thực tế bình thường, bởi lẽ trong giai đoạn phục hồi, người lao động trở về địa phương có thể đã tìm kiếm được việc làm mới. Riêng tại Hà Nội, theo quan sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động, song không phải người lao động nào cũng dễ dàng tìm kiếm việc làm. Hai bên vẫn đang tìm kiếm nhau, đó là lý do vì sao vẫn có sự chênh lệch giữa cung và cầu, hay cung chưa gặp cầu và ngược lại", ông Thành lý giải.
Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, ông Thành cho rằng, với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Dự báo, ngoài nhóm ngành sản xuất ra, một số đơn vị tuyển dụng sẽ tập trung ở nhóm thương mại dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin. Riêng với nhóm ngành công nghệ thông tin, tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh trong năm 2022.
Công nghệ thông tin cũng là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 nên vẫn là ngành sôi động. Nhóm ngành này có rất nhiều đơn vị tuyển dụng, cần có những vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng được dự báo sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn trong thời gian tới là nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, giao nhận hàng và công nghiệp chế biến…
Ông Thành cho biết, đơn vị này tiếp tục phối hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng. Ngoài ra, không chỉ riêng tại Hà Nội, việc tuyển dụng sẽ có sự liên kết với các tỉnh, thành lân cận như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… để giới thiệu nguồn lao động cho doanh nghiệp, phần nào đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.