Doanh nghiệp Việt cần tích cực sử dụng cơ hội từ các FTA
Xung đột của Nga – Ukraine đã tác động rất lớn tới sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp xung đột tiếp tục kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, đầu tư của Việt Nam.
Trước thực tế này, đòi hỏi sự linh hoạt, thích ứng của doanh nghiệp trong việc đa dạng hoá thị trường, tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Gia tăng áp lực lạm phát
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine rất khó lường trước, trong khi giá mặt hàng xăng, dầu cũng như nguyên vật liệu khác đều tăng rất cao, dẫn đến toàn thế giới phải đối mặt với áp lực lạm phát. Trong 2 tháng đầu năm nay, lạm phát bình quân của các nước châu Âu đã vượt qua con số 5%. Vấn đề này ảnh hưởng rõ nhất là khả năng Việt Nam sẽ phải “nhập khẩu lạm phát”. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó sẽ chịu tác động gián tiếp từ việc nhập khẩu hàng hóa và các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào. Điều này sẽ tác động rất lớn lên giá thành sản phẩm sản xuất trong nước.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng, xung đột giữa 2 quốc gia ít ảnh hưởng đến trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam có thể hứng chịu những tác động sâu rộng trong dài hạn do xung đột Nga - Ukraine. Bởi, về lâu dài các lệnh trừng phạt của một số nước nhằm vào Nga sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và công cụ thanh toán. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất sang Nga là điện thoại, máy tính, điện tử gia dụng, dệt may, giày dép, đồ gỗ, da giày, thực phẩm... Theo thông tin hiện nay, các mặt hàng này không nằm trong diện trừng phạt và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn có thể giao dịch với Nga...
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng, xung đột giữa Nga - Ukraine không chỉ ảnh hưởng đối với nền kinh tế Việt Nam mà còn tác động tới thị trường thế giới. Bởi Nga là đối tác lớn cung cấp dầu cho thế giới, là nơi cung cấp lượng khí đốt lớn cho EU. Vì thế việc vừa qua EU cấm vận, loại 7 ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT sẽ có ảnh hưởng lớn tới giá của các mặt hàng này.
Về đầu tư của Nga vào Việt Nam khoảng hơn 900 triệu USD, đứng thứ 24 trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trong 2 lĩnh vực là điện, thăm dò khai thác dầu khí. Còn hiện chúng ta đầu tư tại Nga từ các mô hình chăn nuôi bò sữa, hầu hết các DN đang kinh doanh có hiệu quả. Tất nhiên các DN này sẽ có những khó khăn nhất định khi Nga bị bật ra khỏi SWIFT. Do vậy, việc tăng giá nguyên nhiên vật liệu và xăng dầu sẽ khiến sản xuất trong nước bị ảnh hưởng.
Đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu
Để giảm rủi ro cho nền kinh tế trước xung đột Nga – Ukraine, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đầu tiên, cả Nhà nước, người dân và DN đều phải theo dõi sát diễn biến của chiến tranh, kết quả đàm phán giữa 2 nước và thị trường, bởi chỉ cần một diễn biến mới đã có thể tạo bước ngoặt và thay đổi hành động của DN nhất là trong cuộc đàm phán sắp tới kỳ vọng mở ra những cam kết tích cực hơn, hướng tới hòa bình cũng như các vấn đề quan trọng khác. Từ đó, nhà đầu tư sẽ đưa ra được những quyết định phù hợp hơn, cũng như những chiến lược mới trong kinh doanh giữa bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay.
Để giảm rủi ro, DN Việt Nam cần tìm hiểu để có thể thay thế hoàn toàn hoặc một phần đối với thị trường Nga theo mặt hàng, kể cả những mặt hàng mà Việt Nam và Nga, Ukraine có giao thương với nhau cũng như những mặt hàng mà Việt Nam có tiềm năng nhưng Nga lại bị hạn chế. Qua đấy, Việt Nam có thể đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu hoặc qua những nước không cấm vận Nga như Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kì,… và đưa ra chiến thuật ngắn hạn và chiến lược dài hạn. DN Việt Nam có thể nghiên cứu và đa dạng hoá hình thức thanh toán.
Về vận chuyển, TS Lê Xuân Sang cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu vận chuyển hàng hoá qua các tuyến tàu hỏa liên vận giữa Việt Nam – Trung Quốc – Nga, vừa có chi phí rẻ hơn lại không lo ách tắc, đứt gãy chuỗi vận chuyển vì cấm vận và COVID-19. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) đã bước sang năm thứ 7 đã đem đến những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần tích cực sử dụng các cơ hội do Hiệp định này mang lại.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc các nước áp đặt lệnh trừng phạt với Nga có thể đặt ra thách thức với những DN Việt Nam có nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Nga và xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường khác. Những tác động này sẽ diễn ra trong cả ngắn hạn và dài hạn đối với thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, cần đánh giá tình hình, tăng cường cảnh báo sớm và hỗ trợ DN ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra trong tình hình hiện nay.
Trước mắt, Bộ Công Thương đã có khuyến cáo tới các hiệp hội và DN lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm trễ trong việc giao nhận do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Chính vì vậy, các DN tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng. Với các DN đang làm ăn tại Nga và Ukraine, nếu gặp khó khăn thì cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng như Thương vụ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại hai nước để tìm hướng tháo gỡ.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ chủ động cùng với Bộ Tài chính nắm bắt tình hình thị trường xăng dầu thế giới để có biện pháp điều hành đảm bảo nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu này. Việc chủ động nắm bắt tình hình, dự báo những diễn biến có thể xảy ra từ sớm sẽ giúp Việt Nam có những cách thức ứng phó phù hợp, vừa ổn định tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế vĩ mô đã đặt ra.