Gỡ điểm nghẽn về vốn cho doanh nghiệp bằng cách nào?
Doanh nghiệp (DN) khó khăn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn khiến cho tăng trưởng tín dụng cũng tắc nghẽn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm nay cũng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (khoảng 9,54%), thậm chí chưa đạt được một nửa tăng trưởng năm ngoái. Trong khi đó, định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay lên tới 14-15%.
Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4, tháng 5, tháng 6 đạt lần lượt 3,03 - 3,27 - 4,73%. Như vậy, sau khi có sự hồi phục tích cực trong tháng 6, tín dụng lại bất ngờ chững lại, thậm chí là tăng trưởng âm trong tháng 7.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì chúng ta giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ giãn hoãn từ dịch COVID-19 chưa xong, chúng ta lại tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác...
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) phân tích việc tín dụng tăng trưởng thấp đã phản ánh về khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối như do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh; hay một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV). Đáng chú ý nữa là tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng gia tăng so với thời điểm cuối năm trước (tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%)…
TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định vẫn còn một số điểm nghẽn tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả; DN khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV. Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số DN được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ Quỹ…
Phía NHNN cho biết, trong những tháng còn lại của năm 2023, cơ quan này sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra; đồng thời quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, DN, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.
Được biết, trong diễn biến mới nhất, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có văn bản chỉ đạo về triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu, các tổ chức tín dụng tiếp tục phấn đấu tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và DN. Các tổ chức tín dụng tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh giải ngân chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn...