Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

07:42 23/06/2023

Chiếm tỷ lệ tới 97% trong cộng đồng doanh nghiệp (DN), DN nhỏ và vừa (SME) đang sử dụng gần một nửa tổng số lao động và đóng góp đáng kể trong tổng GDP hằng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhóm DN này cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc tiếp cận vốn ngân hàng. Tại tọa đàm “Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME", diễn ra vào ngày 22/6, Báo Dân trí đã cùng các chuyên gia đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Sau thời kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19, bước vào giai đoạn cần tăng trưởng để phục hồi kinh tế thì một điểm nghẽn phát sinh, đó là câu chuyện nút thắt về vốn. Nhiều công ty, đặc biệt DN SME gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng. Các ngân hàng đều muốn đẩy mạnh tín dụng DN SME, hướng đến nhóm đối tượng khách hàng DN nhưng không ít trường hợp 2 bên chưa gặp được nhau.

hdb.jpg -0
Nhiều DN SME khó tiếp cận vốn tín dụng vì quản trị kém.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, cho vay DN SME là chiến lược bắt buộc các ngân hàng phải làm. Tuy nhiên, về góc độ ngân hàng, hiện đẩy vốn ra nền kinh tế thực sự không hề dễ, dù vốn hiện đang rất dư giả. Trước tiên, đó là dù đã cải cách khá nhiều những thủ tục cho vay trong thời gian qua, song, ngân hàng không thể hạ chuẩn, và những quy định pháp luật hiện nay mỗi ngày một chặt chẽ, minh bạch và khắt khe hơn nhằm bảo vệ cả ngân hàng và cả người vay. Thế nhưng về phía DN, năng lực quản trị của các DN SME tương đối yếu, nên rất khó để ngân hàng dám “xuống tiền”.

“Tiền cho vay ra nền kinh tế không phải tiền của ngân hàng, mà của dân, vậy nên ngân hàng phải có trách nhiệm. Vì vậy ngân hàng phải giữ chuẩn mực cho vay là điều cần thiết, vì sẽ bảo vệ được cả cho lợi ích của người gửi tiền và cho xã hội. Ngân hàng cần đóng vai trò phân bổ tất cả nguồn lực hiệu quả nhất cho những DN SME có khả năng sử dụng chúng một cách tốt nhất, chứ không phải những DN dù có khả năng trả nợ, có phương án sản xuất kinh doanh nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý về quản trị”, ông Bình phân tích.

“Số liệu của VCCI hay sách trắng của SME cho thấy có đến 50% DN đang kinh doanh thua lỗ, đó là thời gian trước COVID-19. Nhưng bây giờ tôi nghĩ chắc còn cao hơn thì liệu ngân hàng có thể yên tâm sử dụng tiền gửi của người dân, của các DN khác để cho vay những DN thua lỗ hay không?

Đấy là chưa kể, vấn đề quản trị của những DN SME của Việt Nam hiện nay, theo một số đánh giá của công ty tài chính quốc tế là có đến 60-70% dưới chuẩn của ASEAN. Như vậy, các ngân hàng có an tâm cho những DN vay này hay không? Từ góc độ đó, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ cố gắng làm thế nào để có cái nhìn công bằng và xác định vai trò của DN SME ở đâu để có thể nâng chuẩn mực, năng lực lên nhằm tiếp cận vốn vay ngân hàng một cách tốt hơn”, ông Bình nói.

Thừa nhận DN SME đang rất khó khăn, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DN SME TP Hà Nội cho rằng hiện nay DN không có nhu cầu vay vốn. “Đúng là nhiều khi DN kêu cho đã thôi chứ cũng phải nhìn lại mình. Hiện nay là suy thoái kinh tế, thị trường không có nhu cầu, DN đóng cửa nên việc sử dụng vốn cũng không có.

Việc tiếp cận vốn khó khăn là có, nhưng đối với DN phương án sản xuất không rõ ràng, cụ thể, nguồn vay có thể không đưa vào mua nguyên vật liệu thì anh đến với ngân hàng khó là đương nhiên. Song, điều DN cần lúc này đó là nếu có sự chuyển đổi, thì ngân hàng cũng phải đồng hành, cùng hỗ trợ DN để họ chuyển đổi mô hình sản xuất khác”, bà Ngân đề nghị.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phân loại ra 2 loại khó khăn. Thứ nhất là khó khăn về vấn đề tài chính, áp lực trả nợ ngân hàng. Điều này, ngân hàng đã thực hiện giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ, giữ nguyên nhóm nợ, là giải pháp giữ minh bạch về tài chính cho DN. Thứ 2 là giải pháp giúp các DN SME tìm kiếm các cơ hội sản xuất kinh doanh mới.

“Phương án kinh doanh của DN SME rất yếu, phương án kinh doanh mới không có, ngân hàng vì thế không có cơ sở để cho vay mới. Tức là điều kiện cơ bản để vay vốn chưa có, ngân hàng không thể cho khách hàng cầm tiền thích làm gì thì làm được. Trong điều kiện quản lý khoản vay cũng như điều kiện quản lý minh bạch rất cao, nhất là khi ngân hàng đang áp dụng chuyển đổi số và có nhiều quy định quản trị rủi ro, quản trị điều hành theo tiêu chuẩn quốc tế Base II, các ngân hàng không dám cho vay mạo hiểm. DN phải nhìn nhận lại quá trình sản xuất kinh doanh của mình, rộng hơn là thị trường, phương án kinh doanh khả thi không, đem lại khả năng phục hồi không. Nếu tốt, tôi cam đoan ngân hàng sẵn sàng tài trợ đầy đủ nhu cầu vốn cho DN thực hiện phương án sản xuất kinh doanh ấy”, ông Quý cam kết.

Trong thực tế, DN có nhiều kênh huy động vốn, tuy nhiên hiện nay, hầu hết vẫn chủ yếu “nhòm ngó” vào cái túi tín dụng từ ngân hàng. Điều này sẽ gây ra nhiều nút thắt và rủi ro. Ông Lê Duy Bình phân tích: Ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhưng nếu phụ thuộc hết vào ngân hàng thì sẽ tạo ra vấn đề của một nước đang phát triển và chúng ta không thoát ra được cái bẫy mang tên nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng (bank base economy).

Điều đó có nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như khả năng đáp ứng vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Chúng ta bắt buộc phải dựa vào các nguồn vốn khác. Những DN cổ phần có nhiều kênh như phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Đó là nguồn vốn cơ bản nhất của các DN.

Hà An

Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan An ninh và Tư lệnh Cảnh sát Liên bang Brazil thống nhất tăng cường hợp tác trong phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, khủng bố quốc tế và tội phạm mạng, đồng thời đẩy mạnh chia sẻ thông tin, đào tạo cán bộ và phối hợp hành động vì an ninh khu vực và toàn cầu.

Bộ Tài chính mới đây đã có Văn bản số 10038/BTC-QLĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị nhiều nội dung nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả, đúng quy định lựa chọn nhà thầu tại gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước (cũ) nay là tỉnh Đồng Nai.

Sau vụ cháy khiến 8 người chết, 3 người bị thương xảy ra tại cư xá Độc Lập (hẻm 80, đường Đô Đốc Long, phường Phú Thọ Hòa, TP Hồ Chí Minh), chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân chiếm dụng hành lang cư xá, lắp đặt các “lồng sắt” ở các cửa sổ phải tháo dỡ, đề phòng cháy nổ…

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Chánh án TAND Hà Nội đề xuất TP hỗ trợ kinh phí sửa chữa, cải tạo các trụ sở tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện hiện có để sử dụng làm trụ sở TAND khu vực; xem xét bố trí tạm thời các trụ sở dôi dư, trụ sở chưa sử dụng trên địa bàn làm nơi làm việc và xét xử.

Xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Các chuyên gia tin tưởng, bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh.

Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra (lần 3, sau nhiều lần điều tra bổ sung) vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi phường Gia Định (phường 3, quận Bình Thạnh cũ). Trong kết luận lần này, số tiền cựu Trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi và đồng phạm tham ô tài sản được xác định là 1,2 tỷ đồng (trước đó là 2,5 tỷ đồng).

Sáng 8/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Văn Vương (SN 1973, trú tại thôn Kim Long Trung, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên (cũ), Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo tử hình về tội “Giết người”. Vương là đối tượng đã ra tay thảm sát cả gia đình mình  đầu năm 2025 gây rúng động dư luận.

TP Huế có 1.132 căn nhà ở của các dự án (DA) bất động sản thuộc diện tồn kho. Thị trường bất động sản ở địa phương vẫn ảm đạm khi lượng giao dịch đất nền, nhà ở không tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn rất cao.

Từ mẫu ADN của các thân nhân, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở xã Nga An và xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là kết quả bước đầu, minh chứng hiệu quả  của Đề án thu nhận mẫu ADN các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt do Bộ Công an triển khai thực hiện trên toàn quốc.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.