Gỡ vướng thủ tục cấp phép người lao động nước ngoài cho doanh nghiệp
Hiện nay việc cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vẫn còn gặp nhiều bất cập, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Với nhu cầu tuyển dụng người lao động (NLĐ) nước ngoài tăng cao, ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đăng ký vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp (DN), tập đoàn tại Việt Nam. Để được làm việc tại Việt Nam hợp pháp, người sử dụng lao động và NLĐ nước ngoài cần phải tuân thủ nghiêm quy định về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay việc cấp Giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài vẫn còn gặp nhiều bất cập, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN…
Trước tình hình đó, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cộng đồng DN về vấn đề lao động nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) đã phối hợp với Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi đối thoại để giải đáp những câu hỏi vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng DN châu Âu về các thủ tục liên quan đến vấn đề này cũng như phổ biến quy định của pháp luật, những đổi mới trong chính sách của thành phố.
Bà Đặng Tuyết Vinh, Phòng Chính sách EuroCham cho biết, thời gian qua, nhiều vướng mắc, bất cập về việc thực hiện các thủ tục hành chính đã được chính quyền thành phố giải đáp, tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các hồ sơ, thủ tục cấp mới giấy phép lao động mới, cấp lại giấy phép… Trong đó, thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài là vấn đề hầu hết các DN gặp phải, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các vấn đề mà DN thắc mắc.
Đại diện EuroCham cho rằng, theo luật, cơ quan lao động sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng và trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo từ các DN thành viên EuroCham, thực tế các DN cần 2,5 tháng để hoàn tất thủ tục và được cấp giấy phép lao động, cá biệt có vài DN phải mất thời gian đến 4 tháng. Vì vậy, EuroCham đề xuất cần rút ngắn thời gian cấp Giấy phép lao động và hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong các trường hợp để DN thực hiện, tránh việc sửa hồ sơ nhiều lần, mất nhiều thời gian và chi phí.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu tuyển dụng NLĐ nước ngoài tăng cao, ngày càng có nhiều lao động nước ngoài đăng ký vào làm việc tại các công ty, DN, tập đoàn tại Việt Nam. Trong thời gian qua, DN đã thực hiện tốt việc cấp giấy phép lao động, quản lý NLĐ nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động chưa đảm bảo khi chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến giấy phép lao động, cụ thể: Việc thực hiện giải trình nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài của DN chưa đảm bảo các quy định hiện hành. Trong quá trình nộp hồ sơ cấp giấy phép lao động, các DN thường mắc phải một số nội dung chưa đảm bảo điều kiện như: việc hợp pháp hóa lãnh sự, sao y chứng thực và dịch công chứng; nội dung liên quan đến chuyên môn đào tạo, kinh nghiệm làm việc của người nước ngoài thiếu thông tin cụ thể hoặc không thống nhất với báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài...
Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, trong thời gian qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã rút ngắn thời gian giải quyết như: Thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐ nước ngoài từ 10 ngày làm việc xuống còn 7 ngày làm việc (rút ngắn 30% thời gian giải quyết so với quy định tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP). Cấp lại giấy phép lao động rút ngắn từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày. Đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ rà soát và tiếp tục đề xuất rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với 2 thủ tục: Gia hạn giấy phép lao động và xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động từ 5 ngày làm việc xuống 3 ngày làm việc trong thời gian sắp tới.
Ông Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục cải thiện quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng như ứng dụng số hoá thủ tục hành chính và luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ DN nước ngoài tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC thông tin, hiện nay thành phố đang tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, gắn chương trình phục hồi kinh tế với các chương trình phát triển đô thị, cải thiện môi trường sống đô thị, cải thiện hạ tầng giao thông, nối kết phát triển vùng… để tạo nền tảng phát triển bền vững trong dài hạn. Song song đó, tập trung công tác cải cách hành chính, giải quyết từng vấn đề mà DN quan tâm như vấn đề Giấy phép lao động cho NLĐ nước ngoài…