Hải quan Việt Nam hội nhập hiệu quả

11:30 12/08/2024

Với tư cách là thành viên tích cực, Hải quan Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình, kế hoạch hành động của Tổ chức Hải quan thế giới - WCO), được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao

Năm 2024 đánh dấu chặng đường 30 năm hợp tác và hội nhập quốc tế của Hải quan Việt Nam với những thành tựu và bước chuyển biến mạnh mẽ. Gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan, Hải quan Việt Nam nói chung và Vụ Hợp tác quốc tế nói riêng đã chú trọng xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp, hội nhập hiệu quả, văn minh, hiện đại, trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì điều hành phiên toàn thể tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 (tháng 6/2024). Ảnh: Trần Ánh

Theo Tổng cục Hải quan, ngày 5/8/1994, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 170/TCHQ-TCCB thành lập Vụ Quan hệ quốc tế (nay là Vụ Hợp tác quốc tế). Với vai trò là đơn vị đầu mối của Hải quan Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế đã chủ động triển khai thực hiện công tác kết nối hợp tác song phương và đa phương sâu rộng với cơ quan Hải quan các nước trên thế giới. Có thể nói, trong việc gia nhập các tổ chức, diễn đàn quốc tế của Việt Nam như WCO, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hải quan Việt Nam đã tham mưu, thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm các nghĩa vụ và cam kết quốc tế. Không dừng lại ở đó, Hải quan Việt Nam chủ động tham gia Công ước Kyoto, Công ước HS, Công ước Istanbul của WCO, Hiệp định về trị giá, Hiệp định về xuất xứ, Hiệp định về tạo thuận lợi thương mại của WTO. Đặc biệt, với tư cách là thành viên tích cực, Hải quan Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình, kế hoạch hành động của WCO, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Tập thể Vụ HTQT chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ bên lề Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO (tháng 10/2023).

Dấu mốc quan trọng, thể hiện nỗ lực hội nhập sâu rộng của Hải quan Việt Nam trong khuôn khổ WCO là từ năm 2013, Hải quan Việt Nam chính thức có cán bộ làm đại diện tại WCO. Đặc biệt, Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị và Triển lãm công nghệ của WCO năm 2023 và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN năm 2024(ADGCM). Tổ chức thành công các hội nghị này đã khẳng định vai trò, vị thế của Hải quan Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế. Gần đây nhất, đại diện Hải quan Việt Nam tại WCO đã được lựa chọn là Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật Thường trực của WCO cho giai đoạn từ tháng 4/2024 - 4/2025. Theo ông Đào Đức Hải, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), việc Hải quan Việt Nam được ủng hộ đảm nhiệm vị trí này thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của WCO đối với các đóng góp của Hải quan Việt Nam tại diễn đàn này trong thời gian qua.

Theo Tổng cục Hải quan, hợp tác hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và duy trì Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), khi ASEAN trở thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung trong khu vực, thông qua tạo thuận lợi thương mại, hàng hoá tự do lưu thông và thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN. Chính vì vậy, ASEAN đã sớm xây dựng và liên tục hoàn thiện những cơ sở pháp lý quan trọng, tạo nền tảng cho hợp tác, hội nhập về hải quan trong khu vực mang tính chiến lược, dài hạn. Có thể kể đến những văn kiện mang tính cột mốc như Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN, Hiệp định Hải quan ASEAN, Hiệp định về xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về Thực hiện biểu thuế hài hoà hoá của ASEAN (AHTN), Nghị định thư về Hệ thống quá cảnh hải quan (ACTS)…

Ông Đào Đức Hải cho biết, trong khuôn khổ đa phương, Hải quan Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai khoảng 30 văn kiện/thỏa thuận hợp tác trong các khuôn khổ WCO, WTO, ASEAN, các FTA. Việc tham gia các cam kết vừa tạo sức ép vừa là động lực, điều kiện để hoàn thiện thể chế, từ đó áp dụng các thông lệ tốt, chuẩn mực quốc tế trong công tác quản lý hải quan ở Việt Nam, giúp xây dựng Hải quan Việt Nam trở thành tổ chức hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực hiệu quả ngang tầm các cơ quan Hải quan tiên tiến trong khu vực. Trong khuôn khổ song phương, Hải quan Việt Nam đã mở rộng hợp tác với các nước thông qua việc đàm phán, ký kết và triển khai gần 40 điều ước và thỏa thuận quốc tế với hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các thỏa thuận và điều ước quốc tế giữa Hải quan Việt Nam với các nước đã nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đảm bảo an ninh, chủ quyền lợi ích kinh tế quốc gia.

Trong đó, với 30 năm phát triển, bằng những nỗ lực vượt bậc, là cơ quan đầu mối, Vụ Hợp tác quốc tế đã tham mưu đưa Hải quan Việt Nam từng bước hội nhập sâu rộng, là thành viên quan trọng có trách nhiệm của nhiều diễn đàn, tổ chức kinh tế khu vực và toàn cầu.

Công chức Hải quan TPHCM kiểm tra hàng nhập khẩu.

Nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam

Công tác hội nhập, hợp tác quốc tế ngành Hải quan trong thời gian tới sẽ tiếp tục bám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước liên quan đến hợp tác và hội nhập quốc tế; gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan của ngành; chú trọng xây dựng hình ảnh Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, hội nhập hiệu quả, văn minh, hiện đại, trách nhiệm trong thực thi các nghĩa vụ và cam kết quốc tế, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi tiếp cận được nhiều chuẩn mực hải quan tiên tiến hiện đại và thích ứng với thực tiễn hoạt động của Hải quan Việt Nam.

Các hoạt động hợp tác song phương và đa phương sẽ được chú trọng đẩy mạnh có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả; tập trung vào hợp tác trao đổi thông tin nghiệp vụ, thông tin tình báo, phục vụ việc kiểm soát, đảm bảo an ninh an toàn, phòng chống ma túy.

Về hợp tác nghiệp vụ, Hải quan Việt Nam sẽ kết nối thông suốt với các đối tác trong trao đổi thông tin, phối hợp xác minh C/O, xác minh các vụ việc nghi ngờ vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp trong kiểm soát ma túy, động thực vật quý hiểm, vận chuyển phế thải bất hợp pháp; tranh thủ nguồn lực quốc tế hỗ trợ quá trình chuyển đổi số tiến tới mô hình hải quan thông minh; nghiên cứu và tiếp cận mô hình, kinh nghiệm hay của Hải quan Việt Nam về xây dựng hải quan xanh; thí điểm trao đổi thông tin về hàng hóa theo một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn của Việt Nam với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại với Việt Nam phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cùng với đó là duy trì việc thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ và lợi ích tại WCO, ASEAN, APEC, ASEM, GMS; đảm bảo tiến độ thực hiện các cam kết trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ASEAN, WCO và với các đối tác đã ký Hiệp định thương mại tự do; tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực trong WCO, ASEAN, APEC, ASEM thông qua việc chủ trì, điều phối, tham gia các chương trình, dự án, các hoạt động của tổ chức, chủ động đề xuất các sáng kiến kết nối hợp tác với hải quan các nước.

Trong xu hướng phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 sẽ là động lực cho các cơ quan Hải quan thế giới áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của mình.

Ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc EuroCham.

Để đáp ứng nhiệm vụ đặt ra trong bối cảnh này, Vụ Hợp tác quốc tế đã và đang tích cực tham mưu để Hải quan Việt Nam đưa ra định hướng chiến lược cho công tác hợp tác và hội nhập quốc tế đến năm 2030 với mục tiêu “Đẩy mạnh công tác hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới”.

Theo đó, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, từ nay đến năm 2030, Hải quan Việt Nam sẽ tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp trọng tâm nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan tại các khuôn khổ ASEAN, WTO, APEC, ASEM, WCO...; hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nghiên cứu, tìm hiểu và đánh giá các mô hình, biện pháp, phương pháp, xu hướng phát triển của quản lý hải quan hiện đại trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực về kinh tế, thương mại; Kết nối trong trao đổi thông tin, phối hợp xác minh C/O, xác minh các vụ việc vi phạm pháp luật hải quan; tăng cường phối hợp kiểm soát các mặt hàng cấm, vận chuyển hàng bất hợp pháp; thúc đẩy hoạt động hợp tác kỹ thuật nghiệp vụ với các nước đối tác; nghiên cứu triển khai thí điểm trao đổi thông tin một số mặt hàng trọng điểm và giữa các cặp cảng biển lớn với các đối tác chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại với Việt Nam phục vụ yêu cầu quản lý và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK); Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đàm phán và ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau DN ưu tiên với các nước đối tác quan trọng, đặc biệt là các nước đã có các hiệp định/thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với Việt Nam; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về hải quan và tạo thuận lợi thương mại mà Việt Nam tham gia, đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.

Trong đó, khẳng định là đơn vị đầu mối trong công tác hội nhập, Vụ Hợp tác quốc tế sẽ nỗ lực hỗ trợ mạnh mẽ cho tiến trình cải cách và hiện đại hóa của Ngành; hỗ trợ việc nghiên cứu và ứng dụng CNTT; phương pháp quản lý hải quan hiện đại, hướng tới thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, đảm bảo an ninh an toàn, kiểm soát hải quan hiệu quả.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là xây dựng và phát triển ngành Hải quan hiện đại, đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chiến lược phát triển hải quan Việt Nam đến năm 2030 lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan để xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan số, hải quan thông minh. Để thực hiện thành công Chiến lược trên và nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng hải quan thế giới, việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về hải quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về hải quan một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, phát triển quan hệ với các đối tác hải quan song phương và đa phương. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc các hiệp định, thỏa thuận, chương trình hợp tác và cam kết với các đối tác quốc tế; đẩy mạnh quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế để đồng bộ với hệ thống pháp luật trong nước.

Ngành Hải quan chủ động hợp tác, lắng nghe để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp

Ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, thời gian qua, ngành Hải quan đã rất tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm giải quyết vấn đề tồn tại, hướng tới tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp (DN). Ở cấp độ địa phương, các cục Hải quan đã cùng với EuroCham tạo ra tiếng nói chung trong những vấn đề của DN. Đặc biệt, các buổi đối thoại, tập huấn tại các cục hải quan địa phương đã mang lại rất nhiều lợi ích cho DN. Đây là hình thức hiệu quả để cả DN và cơ quan Hải quan hiểu rõ hơn vấn đề của nhau để cùng tìm ra giải pháp cho các vấn đề còn vướng mắc. Còn ở cấp độ quốc gia, EuroCham cũng nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình cũng như những hướng dẫn chi tiết từ phía Tổng cục Hải quan để thúc đẩy giải quyết nhanh chóng các vấn đề. Sự trao đổi nhanh chóng và mang tính xây dựng của Tổng cục Hải quan đã củng cố quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa EuroCham và Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, là tinh thần cầu thị của Tổng cục Hải quan trong nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính, thể hiện qua việc lắng nghe các ý kiến góp ý, nghiên cứu áp dụng các thông lệ quốc tế trong quy trình thông quan hàng hóa. Điều này đã mang lại thuận lợi rất lớn cho cộng đồng DN cũng như kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa rất nhiều so với trước đây. Trong thời gian tới, các quy trình thủ tục hải quan cần nâng cao hơn nữa mức độ số hóa để đảm bảo sự nhanh chóng và nhất quán. Việc số hóa các thủ tục sẽ giúp hoạt động của cả DN và cơ quan Hải quan trở nên hiệu quả và năng suất hơn.

Lưu Hiệp

Ngày 28/12, tại Lạng Sơn, Bộ Công an phối hợp với Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức Lễ công bố và thông báo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an điều động Đại tá Vũ Như Hà, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quyết định điều động và bổ nhiệm Đại tá Nguyễn Tiến Trung, Phó Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn.

Trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002, văn bản "Tuyên ngôn độc lập" từ các trang 699, 700, 701,702 giống với văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam và không giống văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế.

Thời gian qua, Công an ở một số tỉnh, thành đã liên tục triệt phá các đường dây, băng nhóm mua bán súng, đạn và trao đổi linh kiện súng, thu giữ hàng ngàn khẩu súng, hàng chục ngàn viên đạn cùng nhiều bộ phận linh kiện. Cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ tại các cửa khẩu hàng không, đường bộ, cảng biển, súng đạn cũng được quản lý rất nghiêm, vậy thì các đối tượng tội phạm vận chuyển súng đạn bằng cách nào vào nội địa để đưa lên rao bán ở các hội, nhóm kín trên mạng xã hội? 

Trong bối cảnh cuộc xung đột sắp bước sang năm thứ ba, hôm 26/12 (giờ địa phương), cả Nga và Ukraine đã đưa ra các tuyên bố quan trọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến. Những quan điểm này được xem là kim chỉ nam cho các nỗ lực đàm phán, nếu cơ hội chín muồi.

Tuần này, Ukraine thông báo đã nhận được 1 tỷ USD viện trợ của Mỹ, được đảm bảo bằng nguồn thu từ tài sản đóng băng của Nga. Việc sử dụng tiền của Nga để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh hay tái thiết của Ukraine thoạt nghe có vẻ hấp dẫn nhưng lại ẩn chứa vấn đề lớn. Hành động này đi kèm với những tác động kinh tế, tài chính và địa chính trị cần được tính đến.(Xem tiếp trang 6)

Sáng nay, ngày 28/12/2024, Công an tỉnh Lai Châu đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả đấu tranh Chuyên án 0924L, triệt phá một đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao với các thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, các đối tượng đã xây dựng kịch bản lừa đảo bài bản, với sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia.

Sau khi phát hiện gần 1 tấn thành phẩm và nguyên liệu tại cơ sở sản xuất chả Phạm Xu Tý (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) có chất hàn the, chiều tối 27/12, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (gọi tắt Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an TP Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với chủ cơ sở này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文