Hầu hết doanh nghiệp đều có thưởng Tết, quan tâm đến người lao động
Gần 54 nghìn lao động bị mất việc làm, gần 500 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm do có không ít doanh nghiệp bị giảm đơn hàng - theo con số mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề lao động việc làm những ngày cuối năm.
Doanh nghiệp khó khăn thì vấn đề lương, thưởng dịp Tết cũng sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên số doanh nghiệp gặp khó khăn này không đại diện hết được cho cả thị trường lao động. Xung quanh câu chuyện lương, thưởng Tết cho người lao động khi Tết đã cận kề, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).
PV: Có thể nói, thị trường lao động thời gian qua có nhiều biến động và chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2023, ông nhận định thế nào về tình hình lương, thưởng Tết cho người lao động?
Ông Lê Đình Quảng: Theo con số chúng tôi nắm được thì hiện có 528 doanh nghiệp báo cáo về việc khó khăn do bị sụt giảm đơn hàng chế biến gỗ, dệt may, da giày, còn lại các doanh nghiệp khác chiếm không nhiều. Vấn đề đáng quan ngại là có gần 54 nghìn lao động vì mất việc làm. Tuy vậy, theo tổng hợp mới nhất của chúng tôi thì hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng Tết cho người lao động, với mức bình quân chung là một tháng tiền lương khoảng 6,5 – 7 triệu đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây là sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp. Khó khăn nhất chỉ là các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, các doanh nghiệp này cũng đang cố gắng để tìm cách xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động.
PV: Đã có những nhận định về việc sẽ có khoảng 30 – 50% doanh nghiệp giảm thưởng Tết cho người lao động? Ông có nghĩ vậy không?
Ông Lê Đình Quảng: Thông tin này là có nhưng đây là những nhận định đã cũ. Bởi theo thông tin cập nhật mới nhất của chúng tôi, cũng như của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có một số doanh nghiệp khó khăn, người lao động bị mất việc làm nhưng đa số doanh nghiệp đều có xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động. Số doanh nghiệp khó khăn đó chiếm cũng không nhiều. Đối với những doanh nghiệp khó khăn đó, khi dịp giáp Tết đến, các cơ quan, ban, ngành cũng đang xây dựng các cơ chế hỗ trợ, ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để xây dựng các giải pháp.
PV: Tình trạng thiếu hụt đơn hàng ở một số ngành như chế biến gỗ, dệt may, da giày… đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, và đã có hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm. Đã có những nhận định về tình trạng này có thể kéo dài đến hết quý II/2023. Ông nhận định thế nào về việc này?
Ông Lê Đình Quảng: Chúng tôi nhận định tình trạng thiếu hụt đơn hàng này phụ thuộc rất nhiều vào tình hình của các quốc gia mà mình xuất khẩu hàng hóa sang đó. Tất nhiên là ở trong nước cũng sẽ triển khai các giải pháp để giải quyết vấn đề này nhưng đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều có thể khắc phục được.
Nhưng phải nói thế này, với các chính sách phục hồi kinh tế của Việt Nam hiện nay, thì nhu cầu lao động ở một số địa phương đang rất lớn. Theo thống kê, số doanh nghiệp cần lao động của chúng ta còn đang cao hơn rất nhiều lần so với số lao động bị mất việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng.
Tuy nhiên sự chuyển đổi khu vực thu hút lao động này cũng không phải một sớm một chiều, bởi nó phụ thuộc vào nghề nghiệp của người lao động, địa bàn người lao động đang cư trú. Đây là một bài toán mà chúng tôi nghĩ rằng tình trạng khó khăn chung của Việt Nam và thế giới, với các giải pháp của Chính phủ thì đến quý II/2023 chúng ta sẽ giảm dần khó khăn và đến cuối năm 2023, thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại, thậm chí còn có bước phát triển.
PV: Vừa đối mặt với đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, nay lại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đơn hàng này, không ít doanh nghiệp và người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng việc thiết kế và triển khai những chính sách hỗ trợ mới như gói hỗ trợ khi COVID-19 xảy ra cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn này là rất cần kíp. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Đình Quảng: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có đề xuất với các cơ quan liên quan về việc này. Tôi cũng là người đã xây dựng đề xuất để trình đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có đề xuất với Chính phủ đề nghị nên có chính sách hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn gần Tết này cho người lao động bị mất việc, giảm việc làm. Hiện nay số lao động bị mất việc làm đã nói ở trên phải đi tìm việc làm, di chuyển việc làm để có tiền lương trước mắt để trang trải cuộc sống, dịp Tết này họ rất khó khăn nên cần có một gói hỗ trợ kịp thời. Đây là đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tuy nhiên các chính sách này trong bối cảnh hiện nay cũng cần được cân nhắc bởi số lao động mất việc làm khoảng gần 54 nghìn lao động, nhưng trong khi đó doanh nghiệp cần tuyển lao động có nhu cầu rất lớn. Trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn cần một số lượng rất lớn, trong khi đó số lao động bị mất việc làm, di chuyển việc làm không quá nhiều mà chúng ta lại xây dựng một gói hỗ trợ thì tôi nghĩ rằng đó là cũng một băn khoăn của người thực hiện chính sách.
Hiện đã là thời gian gần Tết, việc giải quyết việc làm tạm thời cho người lao động cũng có nhiều khó khăn bởi nó còn liên quan đến vấn đề tiền lương, tiền thưởng Tết của người lao động. Sau Tết, làm sao để số lao động đó tạo dựng được công việc mới, ổn định lâu dài là vấn đề mà chúng tôi đang tính toán. Đây là một chính sách mà chúng tôi quan tâm đề xuất nhưng hiện nay các cấp vẫn đang nghiên cứu.
PV: Một vấn đề cần phải bàn tới hiện nay là thị trường lao động của chúng ta dường như đã bộc lộ một số yếu kém như: thông tin về thị trường lao động, khả năng kết nối cung – cầu… Điều này được thể hiện qua việc số lao động mất việc có thể tìm kiếm việc làm mới thời gian qua vẫn còn thấp. Theo ông, giải pháp nào để tăng sự ổn định cho thị trường lao động, duy trì được việc làm và thu nhập cho người lao động?
Ông Lê Đình Quảng: Thị trường lao động hiện nay còn những tồn tại như phóng viên nêu ra. Để tăng cường kết nối cung – cầu lao động, các cấp công đoàn cũng đang phải đẩy mạnh. Tăng cường kết nối cung cầu cũng là nội dung của Chỉ thị 1170 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu. Nhưng bên cạnh kết nối cung – cầu, chúng ta cũng cần đào tạo tay nghề cho người lao động để làm sao phù hợp với thị trường lao động. Đây là vấn đề rất quan trọng. Để điều chuyển được lao động thì cũng phải phù hợp với nghề nghiệp, trình độ của người lao động.
Ngoài ra thì còn một vấn đề nữa cần phải nhắc tới, đó là số lao động bị mất việc làm hiện nay đa số nằm ở các khu công nghiệp lớn, khu công nghiệp tập trung như ở Bình Dương, Đồng Nai. Do đó để kết nối cho lao động đến các khu vực ở miền Trung, miền Bắc là không dễ, nhất là vào dịp cận Tết này. Ý tôi nói ở đây không chỉ là câu chuyện thông tin thị trường lao động, kết nối cung – cầu, mà còn là câu chuyện về đầu tư, khu vực đầu tư. Chúng ta lâu nay chủ yếu thu hút đầu tư vào một số khu vực tập trung, mà không tính tới thị trường lao động để thu hút đầu tư theo vùng, theo khu vực có lao động. Để giải quyết vấn đề này cần phải triển khai nhiều chính sách khác nữa.
PV: Xin cảm ơn ông!