Hơn 1 triệu tỷ đồng chờ “bơm” vào nền kinh tế
Trong khi lãi suất huy động tiếp tục tăng nhẹ, thì lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Các chuyên gia nhận định lãi suất cho vay khó tăng sớm trong bối cảnh tín dụng cần đẩy mạnh để hơn 1 triệu tỷ kịp bơm ra nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm.
Tín dụng tăng chậm
Theo kế hoạch, năm nay, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, tương đương hơn 2 triệu tỷ đồng sẽ được đẩy ra nền kinh tế. Song, theo dữ liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26/8/2024 là 6,63% so với cuối năm 2023, tương đương mới có khoảng 900.000 tỷ đồng được bơm ra.
Như vậy, trong hơn 4 tháng cuối năm, sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng đang được chờ để nền kinh tế “hấp thụ”. Trong bối cảnh các ngân hàng vừa phải cân đối lãi suất vốn huy động với lạm phát và cạnh tranh với các kênh đầu tư, đồng thời phải kiềm chế lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng, sẽ là một bài toán không dễ.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tín dụng tăng chậm do một số nguyên nhân như nhiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vốn là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế vẫn còn gặp khó khăn nhất định, còn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Trên thị trường, trong mấy tháng gần đây, lãi suất huy động đã tăng lên đáng kể, dù có những thời điểm, việc tăng giảm không đồng đều giữa các kỳ hạn. Thường, các nhà băng có xu hướng tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn, và giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn dài. Thực tế, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm đã bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Thời điểm đó, lãi suất cao nhất hệ thống cho kỳ hạn 12 tháng chỉ quanh 5% một năm, hiện lên 6,2% một năm. Số ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cũng nhiều hơn gấp đôi, từ 12 lên 29 đơn vị.
Theo thông tin từ các ngân hàng, nhu cầu tín dụng từ giữa tháng 8 tiếp tục tăng trở lại khiến nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn để thu hút vốn đáp ứng nhu cầu. Lãi suất huy động vốn của một số ngân hàng thương mại có xu hướng tăng ở một số kỳ hạn ngắn nhằm khuyến khích người gửi tiền tái tục sổ tiết kiệm trong bối cảnh tín dụng tiếp tục tăng trở lại. Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài 24, 36 tháng.
Theo các ngân hàng, hầu hết khách hàng có tâm lý gửi ngắn để dễ xoay xở khi có nhu cầu vốn hoặc nếu lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng có thể tái tục cho một chu kỳ mới có lợi hơn. Trên thị trường tiền gửi ngân hàng hiện nay còn có các mức lãi suất lên đến 8-9%/năm, nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng số lượng tiền gửi lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải cạnh tranh với các kênh đầu tư khác có tính hấp dẫn hơn về mức sinh lời như lãi suất trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, bất động sản… Chưa hết, hiện tín dụng đang có xu hướng tăng nhanh trở lại cùng với đà phục hồi của nền kinh tế khiến các ngân hàng càng phải đẩy mạnh thu hút vốn.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, nhu cầu vay vốn tín dụng của khách hàng hiện nay tăng lên, nhưng thời điểm giải ngân rơi vào quý III và đầu quý IV cuối năm nên tăng lãi suất huy động chuẩn bị nguồn. Trong báo cáo triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 vừa được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, cầu tín dụng kỳ vọng hồi phục kéo theo nhu cầu huy động vốn, từ đó khiến đà tăng của lãi suất huy động tiếp diễn vào cuối năm.
Lãi suất cho vay sẽ duy trì mức thấp
Dù lãi suất huy động tăng, song các các chuyên gia nhận định, lãi suất cho vay nhiều khả năng tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong bối cảnh tín dụng vẫn chưa mấy khởi sắc. “Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ cải thiện dần vào các quý cuối năm, vì đây là mùa kinh doanh cao điểm. Nhưng với sức cầu của thị trường hiện nay, để đạt được mục tiêu tín dụng đưa ra cho cả năm 2024 cũng là một thách thức. Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó sớm tăng trở lại trong thời gian từ nay đến cuối năm, nhất là đối với lãi suất cho vay doanh nghiệp”, PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) nhận định.
Từ phía cơ quan điều hành, NHNN đã ban hành công văn 4462/NHNN-CSTT về các giải pháp tín dụng lãi suất, trong đó tiếp tục yêu cầu các ngân hàng xem xét chênh lệch lãi suất huy động - lãi suất cho vay và tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Đặc biệt, chu kỳ kinh tế trong năm thường tăng trưởng mạnh vào quý IV hàng năm nên nhu cầu tín dụng tăng rất mạnh, đòi hỏi các ngân hàng cơ cấu hoạt động kinh doanh bền vững trong các tháng trong năm.
Đáng chú ý, từ cuối tháng 8, NHNN đã nới room tín dụng cho các nhà băng có dư nợ cao. Đồng thời, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về hoạt động tiền tệ, tín dụng và các quy định về cấp tín dụng của NHNN nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ. NHNN yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay…
Còn với các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh sức mua dần cải thiện, nhiều ngân hàng kỳ vọng vào sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng. Theo số liệu, cùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ cho vay toàn ngành (hơn 3 triệu tỷ đồng), cho vay tiêu dùng và cho vay bất động sản là hai lĩnh vực trọng yếu nhất của các ngân hàng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, ở các nước phát triển trên thế giới, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng dư nợ. Ở nước ta, cho vay tiêu dùng mới chiếm hơn 20% tổng dư nợ là còn quá thấp, bởi vậy, trong bối cảnh sức mua dần tăng trở lại, các ngân hàng đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng sẽ lấy lại vị thế động lực. Điều đáng mừng là, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng đang dần tăng trở lại. Tín dụng tiêu dùng nhờ đó cũng kỳ vọng được phục hồi. “Từ nay đến cuối năm, tín dụng bán lẻ sẽ phục hồi mạnh, được dẫn dắt bởi tài chính tiêu dùng, thẻ tín dụng và cho vay mua ôtô”, chuyên gia phân tích MBS Research nhận định.
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất…