Hơn 200 nghìn lao động bị nợ bảo hiểm xã hội: Cần chính sách giải quyết đặc thù
Hơn 200 nghìn lao động bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) suốt một thời gian dài, tuy nhiên vấn đề lớn hiện nay là các doanh nghiệp này đều đã phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Phương án giải quyết thế nào là vấn đề đã được các cơ quan quản lý nhà nước đề cập nhưng đến nay chưa có lời giải.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 200 nghìn lao động bị nợ BHXH, không được hưởng chế độ là câu chuyện lớn, ảnh hưởng đến an sinh xã hội sau này của hơn 200 nghìn gia đình, do đó đây sẽ là vấn đề được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo đuổi và sẽ đề xuất cơ chế đặc thù để giải quyết với Chính phủ và Quốc hội.
Hơn 4 nghìn tỷ đồng nợ khó thu hồi
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 10/2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khoảng 14.650 tỉ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi là 4.164 tỉ đồng. Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh dẫn tới khó khăn trong việc đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó còn có tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Các quy định về chế tài xử lý hành vi nợ bảo hiểm xã hội chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, theo BHXH Việt Nam, trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN luôn ở mức thấp và giảm đều qua các năm. Cụ thể năm 2021, tỷ lệ nợ là 3,1%; năm 2022 là 2,91%; năm 2023 dự kiến là 2,69% (khoảng 13 nghìn tỷ đồng). Một số địa phương có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao, gồm: TP Hồ Chí Minh hơn 4.328 tỷ đồng, Hà Nội hơn 4.081 tỷ đồng, Hải Phòng trên 650 tỷ đồng, Thanh Hoá trên 459 tỷ đồng, Bình Dương trên 412 tỷ đồng…
Mặc dù số tiền chậm đóng giảm, thế nhưng số đơn vị chậm đóng lại tăng. Con số của BHXH Việt Nam cho thấy, năm 2021 có hơn 26.600 đơn vị chậm đóng BHXH, năm 2022 tăng lên hơn 31.800 đơn vị, trong 6 tháng của năm 2023 đã có 32.700 đơn vị chậm đóng. Nguyên nhân được lý giải là do những năm gần đây doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH chưa đủ sức răn đe, còn vướng mắc không thực hiện được. Cụ thể, chế tài xử lý vi phạm hành chính, giao cho tổ chức công đoàn khởi kiện, hay xử lý hình sự đối với hành vi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT còn nhiều bất cập.
Đặc biệt, với những đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH, BHTN kéo dài, nhưng không còn tài sản đảm bảo, hay nguồn tài chính để trả tiền đóng BHXH. Vì vậy số tiền chậm đóng BHXH, BHTN ở các đơn vị này tồn tại từ nhiều năm nay, không thể giải quyết do pháp luật chưa có quy định để xử lý số tiền này. Đây cũng chính là vấn đề đang ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 206 nghìn lao động mà chưa tìm được hướng giải quyết.
Quyết tâm tìm phương án xử lý
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đối với trường hợp hơn 200 nghìn người lao động đang bị ảnh hưởng quyền lợi do doanh nghiệp nợ BHXH mà nay không thể thu hồi này, cơ quan này sẽ quyết tâm theo đuổi để tìm hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với những trường hợp đặc biệt này, người lao động hết sức khó khăn bởi họ không chốt được sổ BHXH, kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Coi như tất cả các chế độ trước đó người lao động đáng được hưởng đều bằng không. Chính vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã nhiều lần đề xuất các giải pháp để giải quyết nhưng chưa giải quyết được.
Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề an sinh xã hội thế nào khi họ về già? Không hề đơn giản. Kể cả trước mắt hay lâu dài, trước mắt thì họ không được hưởng các quyền lợi chính đáng từ quỹ BHXH, lâu dài mà không xử lý dứt điểm thì là một câu chuyện an sinh xã hội lớn sau này. Hơn 200 nghìn người lao động nhưng phía sau là hơn 200 nghìn gia đình, sẽ ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội. Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khi Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam vừa kết thúc.
Ông Hiểu cho biết, đây sẽ là vấn đề mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết tâm theo đuổi trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 này. “Theo luật thì hiện nay phương án giải quyết còn nhiều vướng mắc. Thế nhưng hướng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tìm chính sách đặc thù để giải quyết một vấn đề đã kéo dài, tồn tại nhiều năm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của rất đông người lao động.
Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam rộng hơn và cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền. Do vấn đề đã kéo dài nhiều năm nên cần có sự nghiên cứu, đề xuất, cho ý kiến của cơ quan chức năng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này và xác định đây cũng là một trong những nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ 2023 – 2028”, ông Hiểu cho biết.
Cũng liên quan đến việc tìm giải pháp đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn lao động đang bị nợ BHXH này hiện nay, đang có những ý kiến cho rằng trước mắt cần giải quyết chế độ cho người lao động trong khoảng thời gian mà doanh nghiệp và người lao động đã tham gia BHXH trước đó. Hoặc có thể đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép lấy phần tiền xử phạt các doanh nghiệp chậm đóng để giải quyết, chốt sổ BHXH cho những đối tượng này. Tuy vậy, phương án này không có quy định trong Luật BHXH và Luật Việc làm.