Làm rõ nhiều sai phạm tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm
Giữ đúng lời hứa, ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng (bancassurance) có nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận.
Trong kết luận thanh tra của mình, Bộ Tài chính khẳng định, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.
Kết luận cũng chỉ ra một số hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…
“Đây là những hành vi sai phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt hành chính theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận nhằm đảm bảo khách quan, minh bạch”, Bộ Tài chính khẳng định.
Riêng tại BIDV Metlife, thanh tra chỉ ra hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancassurance là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 là chưa đúng quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định pháp luật về thuế, với tổng số tiền là hơn 174,2 tỷ đồng.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đối với kỳ kế toán năm 2021, hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 số tiền là hơn 174 tỷ đồng này. Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế TP Hà Nội và các đơn vị có liên quan tiến hành đôn đốc, rà soát việc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife thực hiện kê khai, tuân thủ quy định pháp luật về thuế, hóa đơn đối với các khoản chi nêu tại Kết luận thanh tra.
Bộ Tài chính đề nghị Tổng Giám đốc BIDV Metlife thực hiện rà soát, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình trạng hủy hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.
"Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các kiến nghị nêu trên, khắc phục toàn bộ những tồn tại trong Kết luận này. Báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về Bộ Tài chính", kết luận thanh tra nêu.
Được biết, 4 doanh nghiệp bị thanh tra và có kết luận trong đợt này là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Đáng chú ý, trong 4 doanh nghiệp bị thanh tra, Prudential Việt Nam là công ty bảo hiểm có mạng lưới phân phối các sản phẩm qua kênh ngân hàng lớn nhất.
Cụ thể, Prudential Việt Nam đang có quan hệ hợp tác đồng thời với nhiều ngân hàng bao gồm MSB, VIB, SeABank, PVcombank và các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như Standard Chartered Bank, UOB, Shinhan Bank. Doanh nghiệp thứ 2, Sunlife Việt Nam được thành lập năm 2013, hiện đang hợp tác phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh bancassurance với ACB.
Ra đời sau Sunlife Việt Nam 1 năm, BIDV Metlife được thành lập năm 2014, trên cơ sở liên doanh giữa Công ty TNHH MetLife (thuộc sở hữu của Tập đoàn MetLife), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC). Kênh bán chéo chính hiện nay của BIDV MetLife vẫn là BIDV. Còn với MB Ageas Life, được thành lập từ năm 2016, đây là công ty bảo hiểm được xây dựng trên cơ sở liên doanh giữa 3 đối tác gồm: Ngân hàng TMCP Quân đội, Tập đoàn Ageas từ Bỉ và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Muang Thai từ Thái Lan. Do đó, kênh bancassurance chính của MB Ageas Life chính là qua MB Bank. Bên cạnh đó, trong năm 2022, MB Ageas Life cũng đã ký kết hợp tác phân phối với 2 ngân hàng là BacABank và Ocean Bank.
Sau khi công bố kết quả thanh tra, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã lên tiếng thừa nhận về những sai phạm này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này khẳng định đều đã biết các sai phạm này và xử lý trước đó.
"Tất cả các trường hợp vi phạm của đại lý cá nhân ghi nhận trong kết luận thanh tra đều là vi phạm quy định nội bộ của Công ty và do Công ty chủ động phát hiện và được xử lý dứt điểm trước khi có kế hoạch thanh tra của Bộ Tài chính", MB Ageas thông tin, đồng thời cho biết, Công ty khẳng định nhận thức rõ hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ hội phát hiện các tồn tại mà tự thân doanh nghiệp sẽ khó có thể nhận diện được đầy đủ, làm cơ sở để doanh nghiệp xây dựng và củng cố cho hệ thống điều hành và quản trị doanh nghiệp.
Tương tự, Prudential cũng cho biết đã chủ động phát hiện và xử lý vi phạm đối với những trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không tuân thủ nghiêm túc quy định của công ty.
Cụ thể, ông Phương Tiến Minh – Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, đối với những vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng đại lý được đề cập trong kết luận thanh tra, Prudential đã chủ động phối hợp với các đối tác để thường xuyên giám sát, phát hiện và áp dụng các biện pháp nội bộ kiểm soát chất lượng. Tất cả những trường hợp đại lý vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra lần này cũng đã được Prudential xử lý theo quy định nội bộ của công ty ngay tại thời điểm năm 2021.