Lãng phí khoáng sản kiểu "chở củi về rừng" ở Lâm Đồng

08:32 21/12/2024

Trong khi ngành xây dựng lâm vào cảnh khan hiếm cát đá, đất san lấp mặt bằng khiến nhiều công trình đầu tư công bị đình trệ, ảnh hưởng tới tiến độ, giá cả vật liệu tăng vọt thì cả trăm nghìn mét khối cát sỏi từ việc nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện lại "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua, gây lãng phí không hề nhỏ. Nghịch lý trên đang xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng.

Khó tìm đất san lấp, cát đá xây dựng

Do thiếu nguồn đất đắp, san lấp mặt bằng, tới nay dự án tu sửa, nâng cấp trụ sở làm việc của UBND TP Bảo Lộc và Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi TP Bảo Lộc có tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng vẫn chỉ thi công cầm chừng sau hơn hai năm. Các hạng mục cần đất đắp vẫn phải chờ mà không rõ tới khi nào mới có. Chỉ tính riêng hai công trình trên, chủ đầu tư cần ít nhất 40.000m3 đất để san lấp. Điều bất hợp lý là ngay trên địa bàn TP Bảo Lộc lại đang có rất nhiều nguồn đất đắp dôi dư từ các công trình khác nhưng không thể sử dụng vào những dự án đang "khát" nguồn đất đắp được.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất TP Bảo Lộc, từ khi được liệt vào khoáng sản, mọi thứ liên quan tới đất đều phải thực hiện theo Luật Khoáng sản. Vì thế, muốn sử dụng nguồn đất dôi dư từ công trình này để phục vụ cho công trình bị thiếu nguồn đất đắp cũng không được. "Nguồn đất dôi dư này phải được gom lại để đấu giá với rất nhiều trình tự, thủ tục. Nhưng đáng ngại hơn là chưa có cơ quan nào xác định được chất lượng khoáng sản, giá khởi điểm, thực hiện việc đấu giá vì vướng các quy định của pháp luật!..", ông Minh nói.

Là huyện miền núi, khoảng 90% diện tích tự nhiên có sự chênh lệch về địa hình, muốn xây dựng nhà cửa, đường sá và cơ sở hạ tầng công cộng, huyện Đam Rông buộc phải san gạt mặt bằng. Điều này tạo ra lượng đất đá dôi dư rất lớn. "Nếu thực hiện đúng theo quy định, việc làm đường, lấy đất phía taluy dương để đắp vào phía taluy âm cũng không được. Điều này là rất bất cập, gây khó khăn và làm nảy sinh thêm nhiều thủ tục rườm rà, ảnh hưởng lớn tới tiến độ của các công trình!..", một lãnh đạo UBND huyện Đam Rông chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo này, không chỉ các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng công bị ảnh hưởng do vướng mắc các thủ tục, người dân địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, phiền toái. "Bà con làm nhà, cần mấy xe đất để san lấp, đổ đầy móng cũng khó vì đất là khoáng sản trong khi lượng đất dư thừa từ các công trình, dự án san lấp rất nhiều, không biết đổ đâu. Đã là khoáng sản thì tất cả đều phải thực hiện theo Luật Khoáng sản!..", lãnh đạo UBND huyện Đam Rông cho biết thêm.

Theo chủ đầu tư một số công trình giao thông, xây dựng hạ tầng tại Lâm Đồng, nếu đấu giá loại đất được thu gom từ nhiều công trình, vị trí khác nhau cũng không thể sử dụng được vì chất lượng loại đất này không đồng đều, trộn lẫn nhiều tạp chất, không thể đảm bảo các yêu cầu về mặt kỹ thuật đặt ra.

TP Đà Lạt hiện không còn mỏ đất, đá nào hoạt động. Toàn bộ vật liệu xây dựng phục vụ những công trình đầu tư công và tư nhân đều phải chuyển từ các huyện và tỉnh Ninh Thuận lên với quãng đường cả trăm cây số. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển. Giá vật liệu xây dựng tại TP Đà Lạt và một số địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng tăng vọt, cao gấp hai tới ba lần so với các tỉnh lân cận. Sự khan hiếm vật liệu xây dựng cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ các dự án đầu tư công và nguồn vốn đầu tư. Nhiều công trình buộc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm dừng thi công vì không tìm đâu ra nguồn đất đắp, san lấp mặt bằng.

Không bán đấu giá được cát sỏi, các thuyền nạo vét hồ thủy điện, thủy lợi ở Lâm Đồng buộc phải nằm bờ suốt 2 năm qua.

"Lấy dây tự trói chân mình"?

Trong khi chủ đầu tư các công trình xây dựng nháo nhác, chạy vạy khắp nơi để tìm nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, đất đá san lấp hợp pháp thì cả trăm nghìn mét khối cát sỏi có được từ việc nạo vét tận thu hồ thủy điện, thủy lợi ở Lâm đồng phải ngậm ngùi "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua. Mọi việc bắt nguồn từ đầu năm 2023 khi Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao cho sở này tham mưu tỉnh thu hồi, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã xác nhận khối lượng khoáng sản cát, sỏi thu hồi từ nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi cho các tổ chức, cá nhân còn hiệu lực, phối hợp UBND các huyện đấu giá loại khoáng sản này.

UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất với tham mưu, đề xuất của Sở TN&MT trong khi theo các quy định trước đây, doanh nghiệp muốn bán cát tận thu chỉ cần đăng ký tại Sở TN&MT để được cấp phép trữ lượng. Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép, doanh nghiệp được bán cát, đóng thuế dựa trên khối lượng thực tế, căn cứ hoá đơn xuất ra.

Với sự thay đổi này, từ đầu năm 2023 tới nay, 11 doanh nghiệp nạo vét lòng hồ thuỷ điện, thuỷ lợi tại Lâm Đồng phải dừng bán cát sỏi tận thu, chờ đấu giá nhưng lại không có cơ quan nào thực hiện việc đấu giá này do vướng mắc, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa hàng loạt quy định. Vì thế, dù nhiều doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin đấu giá cát, sỏi tận thu từ nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi nhưng các cơ quan chức năng không triển khai được. Vướng mắc lớn nhất là do việc tính toán, xác định khối lượng cát sỏi tận thu, giá khởi điểm để đấu giá chưa có quy định cụ thể, chưa có hướng dẫn chi tiết việc xác định chi phí nạo vét và hoàn trả chi phí này cho doanh nghiệp sau đấu giá... Trong khi đó, theo Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, hiện chưa có văn bản hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục trong đấu giá tài sản là cát tận thu.

Không thể thực hiện việc đấu giá, hàng trăm nghìn mét khối cát sỏi tận thu từ việc nạo vét lòng hồ thủy điện, thủy lợi tại Lâm Đồng "chết đứng", đẩy doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn do không còn chi phí để vận hành và tái sản xuất. Cát nạo vét lên đắp đống như núi, mưa lớn lại trôi xuống lòng hồ, gây lãng phí, ảnh hưởng tới nguồn thu của nhà nước và tiền bạc của doanh nghiệp.

Từ những bất cập trên, trong những lần lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đối thoại với doanh nghiệp, nhiều người đã đề nghị các cơ quan chức năng cần tháo gỡ ngay các quy định chồng chéo, "lấy dây tự trói chân mình" để khai thác được tiềm năng, thế mạnh, tránh lãng phí theo kiểu "chở củi về rừng" như đang làm hiện nay.

Khắc Lịch

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ và cấp dưới của mình đã “bắt tay” với các đối tượng của Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh để làm giả các phiếu thử nghiệm chất lượng không khí tại các địa điểm cần quan trắc môi trường để đưa vào báo cáo đánh giá tác động môi trường...

Với sự quyết tâm cao của hai Bộ, cùng sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần trách nhiệm từ các cấp, Dự án “Xây dựng Hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân” sẽ được triển khai thành công, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào lên tầm cao mới.

Hội nghị Bộ trưởng toàn cầu lần đầu tiên về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, tổ chức tại Bogota, Colombia, vào đầu tháng 11/2024, đã thu hút sự tham gia của hơn 130 quốc gia và 80 bộ trưởng. Đây là sự kiện mang tính lịch sử, tạo cơ hội thúc đẩy những nỗ lực toàn cầu bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực.

Càng về cuối năm, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và trộm cắp tài sản trên địa bàn các huyện vùng cao, biên giới Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị) càng diễn biến phức tạp và tăng mạnh. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và thường rất manh động, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文